Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 10 năm 2015 | 8:50

Trường Trung cấp Y Hà Nội “giữ” bằng gốc của giáo viên sai luật?

Mặc dù không có điều khoản nào ràng buộc trong hợp đồng lao động rằng giáo viên phải nộp văn bằng gốc khi vào đơn vị công tác nhưng Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) vẫn ra thông báo "dọa" phải nộp.

Thông báo thu giữ bằng mang nặng tính “dọa nạt”

Liên hệ với Báo Kinh tế nông thôn, một số giáo viên (xin được giấu tên) phản ánh, gần đây, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội ban hành một số chủ trương có dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, đồng thời, khẩn thiết đề nghị dư luận lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đội ngũ trí thức này.

Mang tâm trạng bất an, một giáo viên công tác tại trường hơn 1 năm, cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào giảng dạy tại trường. Dù mức lương còn hạn chế, tôi vẫn tâm niệm sẽ cống hiến trí lực, trau dồi kiến thức cho học sinh.

Cuộc sống đội ngũ giáo viên bắt đầu bị đảo lộn khi gần đây, HĐQT Trường Trung cấp y Hà Nội đơn phương ra thông báo yêu cầu 11 giáo viên có thời gian công tác dưới ba năm phải giao nộp văn bằng gốc, nếu không chấp hành, sẽ bị cắt chi trả lương.

Sau khi không nhận được sự đồng thuận của giáo viên, Ban giám hiệu trường đã đối phó bằng cách ra văn bản "dọa" ép phải chấp hành.

Theo các giáo viên, khi ký hợp đồng công tác, Ban giám hiệu không hề thông báo cho họ biết việc phải giao nộp văn bằng gốc đến hết thời hạn hợp đồng… “Sau một thời gian được nhận vào công tác, nhiều giáo viên nhận thấy môi trường làm việc không còn phù hợp nên không ít người đã chủ động xin thôi việc. Chuyện này xảy ra thường tình ở hầu khắp các cơ quan chứ có gì lạ”, một giáo viên nói và cho biết, với chủ trương thu giữ bằng, chẳng khác gì lãnh đạo nhà trường “bắt giam” trái phép đội ngũ giáo viên.

Dẫu biết việc nhà trường bắt ép giáo viên nộp văn bằng gốc là sai Luật Lao động nhưng vì cơm áo gạo tiền nên một số người phải giao nộp, số còn lại vẫn cương quyết chưa chấp hành. "Chủ trương thu bằng của nhà trường đưa ra quá vội vàng và bất ngờ. Toàn thể giáo viên nhà trường đang rất hoang mang, nếu không nộp, chúng tôi có thể bị cắt chi trả lương, thậm chí bị trù dập", một giáo viên lo lắng.

Đỉnh điểm, trong văn bản thông báo công khai đến toàn thể giáo viên, ngoài việc liệt kê họ tên các trường hợp thuộc diện bắt buộc phải nộp bằng gốc, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội còn ngang nhiên vạch ra “thời hạn chót”, ép các giáo viên phải nộp văn bằng nếu không sẽ phải chịu hậu quả. “Yêu cầu những thầy cô có tên trên nộp bằng CM bản gốc về phòng TC-HC (cô Sự) trước ngày 10/10/2015. Nếu không thực hiện quy định, nhà trường sẽ dừng việc chi trả lương”, văn bản trích lời ban giám hiệu “dọa” giáo viên.

Ngang nhiên ra “luật” quản lý giáo viên?

Trả lời phóng viên Báo Kinh tế nông thôn chiều 8/10, ông Vũ Đức Khôi, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp y Hà Nội, tỏ ra không mấy lịch sự khi trao đổi trong tình trạng áo ngực được cởi phanh.

Trong quá trình làm việc, vị lãnh đạo trung niên này ban đầu tỏ ra quanh co, chối bỏ việc thu văn bằng gốc của giáo viên, chỉ khi phóng viên cung cấp bằng chứng, ông ta mới chịu “xuống thang” thừa nhận sự việc này là có thật.

Dẫu thẳng thừng thừa nhận thực hiện sai Luật Lao động nhưng ông Khôi cũng biện minh rằng: “Việc thu bằng cấp nhằm mục đích đảm bảo chất lượng và tiêu chí kế hoạch của nhà trường đăng ký với nhà chức trách”.

Ở một môi trường giáo dục văn hóa cao nhưng ông Khôi lại ăn mặc một cách rất xồ xề. Khi làm việc với phóng viên, vị lãnh đạo này trao đổi trong tình trạng áo cởi hết khuya, lộ nguyên phần ngực và bụng gây phản cảm.

Về việc Ban giám hiệu nhà trường có dấu hiệu "ép" giáo viên đáp ứng yêu cầu nộp bằng gốc, ông Nguyễn Văn Thêm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Hà Nội, ban đầu nhất mực khẳng định, không có sự ép buộc mà là sự thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và giáo viên. Theo ông, tại thời điểm đặt bút ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), các giáo viên đồng thời cũng viết cam kết giao nộp văn bằng gốc và hứa sẽ công tác ít nhất 3 năm tại trường. Tuy nhiên, khi tiếp cận các hồ sơ liên quan, phóng viên nhận thấy ông Thêm có dấu hiệu bịa đặt trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Ông Thêm cho hay, việc thu giữ bằng là biện pháp riêng do ông đề ra nhằm quản lý lao động.

Qua tìm hiểu thấy, trong HĐLĐ, không có một điều khoản nào đề cập việc giáo viên phải giao nộp bằng cho nhà trường. Các văn bản cam kết nộp bằng cũng mới chỉ được các giáo viên bị ép ký xác nhận thực hiện cách đây vài ngày.  

Ở khía cạnh khác, mặc dù thu giữ một tài sản quan trọng như văn bằng gốc của giáo viên, nhưng nhà trường lại không cấp biên lai xác nhận giao nhận. “Dù yêu cầu viết biên lai giao nhận nhưng nhà trường không đồng ý cấp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến chúng tôi mất bằng. Khi đó, không có chứng cứ nào để yêu cầu nhà trường đền bù”, một giáo viên lo lắng. Đến thời điểm này, mới có 6/11 giáo viên nộp bằng và sau đó ký cam kết nộp.

Trả lời khúc mắc trên, ông Thêm cho rằng, bản cam kết chính là căn cứ để nhà trường sau này trả lại văn bằng cho giáo viên. Tuy nhiên, câu trả lời của vị lãnh đạo này thể hiện sự mâu thuẫn khi nội dung  bản cam kết không thể hiện tính xác nhận giao nhận bằng giữa giáo viên và nhà trường, không thể làm căn cứ như lời ông này nói.

Quản lý thu chi của nhà trường có vấn đề ?

Liên quan đến các khoản thu cũng đang gây bức xúc cho học sinh và phụ huynh các em, nhiều học sinh cho biết, ngoài việc đóng khoản học phí 800.000 đồng/tháng, các em còn phải nộp thêm nhiều khoản phí khác nhưng không được nhà trường cấp biên lai thu, cụ thể như tiền chứng chỉ y học dự phòng và tin học, tổng số tiền lên tới 3,2 triệu đồng. Ông Thêm thừa nhận, ngoài khoản học phí với số tiền như học sinh phản ánh, Ban giám hiệu đang thu thêm của học sinh khoản tiền lệ phí đào tạo, trị giá 1,6 triệu đồng/năm. Khi phóng viên đề nghị giải thích lý do thu thêm khoản tiền này nhưng không cấp hóa đơn cho học sinh, người đứng đầu Ban giám hiệu trường tỏ ra lúng túng, không giải thích rõ ràng.

Sau khi đã nộp bằng gốc cho nhà trường, thay vì được nhà trường cấp biên lai giao nhận bằng nhằm phục vụ cho việc lấy lại sau này, các giáo viên phải ký vào bản cam kết nộp nhằm giúp nhà trường đối phó dư luận, lấp sai sót ? 

Tuy nhiên, trước đó, Chủ tịch HĐQT nhà trường lại khẳng định, ngoài khoản học phí 800.000 đồng/tháng, đơn vị không thu thêm của học sinh bất cứ khoản nào nữa. “Với tư cách người đứng đầu HĐQT, tôi khẳng định, ngoài khoản học phí 800 nghìn đồng/tháng, thu 24 tháng cho lớp y sĩ y học dự phòng, ngoài ra không có thu một khoản nào khác. Vì nghị quyết thu do tôi ban hành, ai dám làm sai chứ. Nếu Hiệu trưởng nhà trường dám thu thêm một khoản nào, tôi sẽ xử lý kỷ luật ngay lập tức”, ông Khôi khẳng định.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm vào cuộc thanh kiểm tra sự việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên và học sinh Trường Trung cấp Y Hà Nội.

Điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Hồng Duy

Bài tiếp: Kiến nghị phạt Trường Trung cấp Y Hà Nội vì “giữ” bằng gốc của giáo viên

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top