Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 10 năm 2017 | 1:34

TT Đào tạo - Bồi dưỡng: Người tố cáo tiếp tục khiếu nại bản kết luận thứ 3

Ngày 10/10/2017, Tổng cục DS-KHHGĐ ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 602/KL-TCDS, do ông Hồ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng ký. Ngay lập tức, bà Trần Thị Bích Thủy đã làm đơn tố cáo gửi đến báo Kinh tế nông thôn và các cơ quan, không đồng tình với bản kết luận này.

>> Có việc quyết toán khống!

>> Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng (Tổng cục DS-KHHGĐ): Bao che cho cán bộ vi phạm?

Kết luận nội dung tố cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ.

Quyết toán khống...

Tại buổi làm việc với phóng viên báo Kinh tế nông thôn ngày 13/7/2017, ông Hồ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã khẳng định: việc quyết toán khống là có, số tiền quyết toán khống là bao nhiêu thì Tổng cục DS - KHHGĐ đang tiến hành điều tra, xác minh.

Cùng làm việc, ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ), cho biết: “Trong nhiệm vụ xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ DS-KHHGĐ có nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động tổ chức các hội thảo để đóng góp ý kiến cho nội dung tài liệu, viết tài liệu… Tuy nhiên, có một số hoạt động  như tổ chức hội thảo chưa được diễn ra trên thực tế nhưng đều đã được quyết toán”.

Trong tổng số 6 cuộc hội thảo được quyết toán thì có 3 cuộc hội thảo không được tổ chức, trong quá trình thanh - kiểm tra khi nhận được đơn tố cáo, chúng tôi đã bóc tách được số tiền chưa dùng hết nhưng đã được quyết toán là 89.254.000 đồng, số tiền này được Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng chuyển sang cho các hoạt động của năm 2015.

Đặt câu hỏi với ông Phạm Minh Sơn, về việc chuyển số tiền không dùng hết nhưng đã được quyết toán để chuyển sang hoạt động của năm 2015, Trung tâm làm văn bản báo cáo Tổng cục  không?, ông Sơn cho biết: Trung tâm không có văn bản báo cáo nào.

Về mặt quản lý Nhà nước, nếu công việc đó chưa được thực hiện mà đã tổ chức thanh quyết toán là việc làm sai trái. Ông Hùng cho biết, về việc này, lãnh đạo Tổng cục cũng đã tiến hành xem xét để có hình thức kỷ luật cho từng cán bộ vi phạm.

Như vậy, có thể khẳng định, việc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) làm khống chứng từ để quyết toán (như tố cáo) là hoàn toàn chính xác, số tiền quyết toán khống là con số mà ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng là tiền chưa dùng đến nhưng đã được Trung tâm quyết toán.

... Nhưng kết luận lại không?!

Theo bà Trần Thị Bích Thủy, việc bà tố cáo lãnh đạo Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng là có cơ sở. Tuy nhiên, khi Thanh tra Tổng cục DS-KHHGĐ xác minh lại những nội dung tố cáo đã được Tổng cục ra văn bản kết luận của 2 lần trước, đến lần thứ 3 này lại không có nội dung cần thanh tra làm rõ, vì vậy, bà tiếp tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan.

Tôi yêu cầu làm rõ việc làm khống chứng từ để bỏ ra ngoài sổ sách 89.254.000đ theo như trả lời của ông Hồ Chí Hùng và ông Phạm Minh Sơn với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, nhưng bản kết luận này, Tổng cục lại một lần nữa cố tình bao che và tiếp tay cho sai phạm của các lãnh đạo Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng.

Trong kết luận nội dung tố cáo về “Lập chứng từ khống để thanh quyết toán kinh phí của lớp tập huấn: Cung cấp thông tin nâng cao năng lực quản lý điều hành chương trình hoạt động truyền thông cung cấp dịch vụ theo định hướng mới tại Đà Lạt”, được Tổng cục kết luận là sai.

Rõ ràng ông Hồ Chí Hùng và ông Phạm Minh Sơn khi trả lời báo chí là có việc quyết toán khống và số tiền chưa sử dụng nhưng đã được quyết toán là 89.254.000đ sau khi có đơn tố cáo, Thanh tra của Tổng cục trong quá trình bóc tách đã tìm ra được.

“Vậy tại sao trong bản Kết luận lần thứ 3, lãnh đạo Tổng cục lại cho rằng việc tố cáo của tôi là sai. Cả 3 kết luận nội dung tố cáo số 194/KL-TCDS ngày 18/4/2017;  số 468/KL-TCDS ngày 23/9/2016  và số 602 ngày 10/10/2017 của Tổng cục DS- KHHGĐ là thiếu khách quan, biện minh, cố tình bao che cho nhóm cán bộ này. Trong kết luận có khẳng định, nội dung quyết toán khống là có cơ sở, số tiền phải nộp lại 28 triệu hay 200 triệu như tôi đã chứng minh như trên ở trong đơn đều có dấu hiệu tham ô, tham nhũng từ ngân sách nhà nước, nếu sau 2 năm không có đơn tố cáo, cán bộ giảng viên không phát hiện ra hay không dám tố cáo vì sợ bì trù dập thì toàn bộ số tiền này đã rơi vào túi  nhóm cán bộ tham ô, tham nhũng. Đây cũng là cơ sở có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm cán bộ, đảng viên này”, bà Thủy bức xúc cho biết.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ liên hệ với lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ để làm rõ những vấn đề mà bà Thủy phản ánh.

Phạm Ngọc Thủy

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top