Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 8 năm 2020 | 16:49

Việc “phá rừng, xẻ ruộng” bao giờ mới chấm dứt?

Thực trạng của hàng nghìn m2 đất rừng, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp đang bị doanh nghiệp “thâu tóm” sử dụng sai mục đích đang diễn ra như “cơm bữa” ở khắp các tỉnh thành. Điều này đang khiến cho người dân bức xúc nghi vấn, liệu có lợi ích nhóm?

 
 
Trong khi đó, cùng diện tích rừng phòng hộ sát với đất rừng trồng công ty, người dân trồng, chăm sóc hàng chục năm thì xin khai thác lại không được vì… là rừng phòng hộ.
 
Việc khai thác trắng diện tích hơn 16 ha của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn (sau đây gọi tắt là Công ty) trên địa bàn xã Dương Phong đã thực hiện từ năm 2018, gỗ đã chở đi tiêu thụ. Trên thực địa, Công ty đã trồng lại một phần diện tích bằng cây keo, có chiều cao khoảng hơn 1m.
 
Ông Nguyễn Xuân Khoát, người dân thôn Bản Mún bức xúc nói: "Năm 2009, tôi ký hợp đồng liên kết trồng rừng với Công ty trên diện tích hơn 3ha, nằm liền kề, sát với diện tích hơn 16 ha do Công ty trồng. Theo đó, tôi bỏ vốn, công trồng, chăm sóc, bảo vệ trên đất của Công ty, khi khai thác, tôi được hưởng 80% số gỗ, Công ty hưởng 20%. Năm 2018, tôi xin được khai thác trắng rừng đã trồng thì được cơ quan chức năng trả lời rằng, diện tích rừng tôi trồng là rừng phòng hộ nên không được khai thác trắng, chỉ được khai thác tỉa. Theo bản đồ quy hoạch ba loại rừng, cả rừng do tôi trồng và của Công ty trồng đều là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, năm 2018, Công ty được khai thác trắng, còn chúng tôi lại không được".
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 30/01/2018, Công ty ban hành Quyết định số 16/QĐ-CTLN về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác trắng rừng trồng keo nguyên liệu năm 2009 và tận dụng gỗ tự nhiên mọc xen trong rừng trồng tại tiểu khu lâm nghiệp Dương Phong. Cụ thể, địa điểm khai thác là các lô a, b (khoảnh 3); lô a (khoảnh 4); lô b, c (khoảnh 6); lô a, ă, â, b, d (khoảnh 7) thuộc tiểu khu 387, với tổng diện tích hơn 16 ha. Sản lượng khai thác là 4.597 cây, tổng khối lượng cây đứng hơn 924 m3. Khối lượng được phê duyệt là hơn 693 m3 gỗ thương phẩm, hơn 231 m3 củi. Sau đó, Công ty tiến hành khai thác trắng, người dân liên kết trồng lại không được khai thác trắng đã dẫn tới bức xúc.
 
Theo Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt kế hoạch rà soát quy hoạch lại ba loại rừng tỉnh Bắc Kạn thì toàn bộ diện tích hơn 16 ha mà Công ty đã khai thác trắng là rừng phòng hộ. Điều này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Bạch Thông) cùng Hạt Kiểm lâm Bạch Thông, chính quyền xã Dương Phong và chính Công ty thống nhất, xác định khi kiểm tra thực địa vào ngày 18-2-2020.
 
3233-1597048100599.jpg
Một diện tích rừng đã trồng lại sau khai thác trắng bằng cây keo của công ty. (Nguồn: Nhân Dân)
Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh Bắc Kạn lại ban hành bốn quyết định mâu thuẫn với chính Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007. Cụ thể, ngày 25-5-2007 (chỉ sau bốn ngày ban hành Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 795/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2007-2015 của Công ty. Ngày 11-5-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 985/QĐ-UBND về việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty thuê sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại xã Dương Phong; xây dựng và triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu giai đoạn 2008-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008. Ngày 20-11-2007, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2300/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án trồng rừng, giai đoạn 2008-2015 và Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 31-1-2008 phê duyệt dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt giai đoạn 2008-2015.
 
Theo những quyết định này thì 10 lô rừng có tổng diện tích hơn 16 ha của Công ty là rừng sản xuất, đủ điều kiện khai thác gỗ. Đây là căn cứ để công ty phê duyệt phương án khai thác trắng toàn bộ gỗ trên hơn 16 ha rừng nói trên, bán cho Công ty CP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải Tracimexco (số 36, Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) với giá 289 triệu đồng.
 
Như vậy, Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt kế hoạch rà soát quy hoạch lại ba loại rừng tỉnh Bắc Kạn được ban hành trước. Về nguyên tắc, các quyết định ban hành sau, gồm: Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 25-5-2007; Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 20-11-2007 và Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 31-1-2008 phải tuân thủ nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007. Nếu Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007 sai thì cần chỉnh sửa, hoặc hủy bỏ trước khi ban hành ba quyết định sau.
 
Tuy nhiên, ngày 9-4-2020, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản số 1905/UBND-NNTNMT trả lời cơ quan điều tra (Công an huyện Bạch Thông) rằng: Quyết định số 757/2007/QĐ-UBND ngày 21-5-2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng tỉnh Bắc Kạn và Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 25-5-2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2007-2015 của Công ty đều được ban hành theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền Luật định, do vậy cả hai quyết định này đều có giá trị pháp lý.
 
Đây là điều khó hiểu, chính vì vậy, khi tìm hiểu việc công ty có phá rừng phòng hộ hay không thì các sở, ngành đều không có câu trả lời thỏa đáng. Theo văn bản số 839/SNN-CCKL ngày 5-5-2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, nếu diện tích hơn 16 ha rừng của Công ty là rừng sản xuất thì công ty khai thác đúng quy định. Nếu diện tích này là rừng phòng hộ thì Công ty đã làm trái quy định.
4730-1597048115441.jpg
Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Bạch Thông, phần lớn đất xã Dương Phong là rừng phòng hộ (phần màu xanh lá cây giữa bản đồ, được quy định là biểu thị cho rừng phòng hộ).
Đến ngày 26-10-2018, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định số 1794/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng tỉnh Bắc Kạn. Theo quyết định này, diện tích hơn 16 ha rừng của Công ty đã khai thác trắng đã từ rừng phòng hộ chuyển thành rừng sản xuất. Trong khi nhiều diện tích khác của người dân đã liên kết trồng vẫn là rừng phòng hộ. Theo UBND xã Dương Phong, phần lớn diện tích rừng ở xã là rừng phòng hộ, chỉ có một phần ở chân các lô rừng được chuyển thành rừng sản xuất do người dân đã canh tác cây quýt lâu năm.
 
Việc khai thác trắng của Công ty đã diễn ra trước thời điểm 31-5-2018, trước khi UBND tỉnh ra Quyết định số 1794/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng tỉnh Bắc Kạn, đưa hơn 16 ha rừng trên thành rừng sản xuất. Do đó, tỉnh Bắc Kạn cần làm rõ, diện tích hơn 16 ha này chính xác là rừng phòng hộ hay rừng sản xuất tại thời điểm công ty này khai thác trắng. Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm minh, bảo đảm quyền lợi công bằng cho nhân dân thôn Bản Mún đã tham gia trồng liên kết.
 
Khu sinh thái "mọc" trên đất rừng
 
Khu nhà ở sinh thái khá lớn đang được xây dựng tại thôn Đồng Câu (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nhưng người dân địa phương cho rằng khu sinh thái này được xây dựng trên đất rừng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất… khu sinh thái được xây dựng tại địa điểm khá đẹp, ngay ngoài mặt đường là cánh cổng lớn án ngữ cùng với 2 thân cây cổ thụ được làm giả bằng xi măng. Cách cánh cổng khoảng 100m, bên lưng chừng ngọn đồi đã bị san gạt nham nhở là gần chục ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng xong. Cạnh đó, những ngôi nhà chưa hoàn thiện đang tiếp tục được thi công. Khu này của ông Trịnh Duy Long (thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh).
 
Theo người dân địa phương, ở đây, đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất nhiều nhưng giờ không mấy ai trồng cây nữa mà chuyển sang xây dựng trang trại hoặc những căn nhà để kinh doanh khu nghỉ dưỡng cho đỡ vất vả và kiếm lợi nhuận cao.
 
Ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết, đúng là có chuyện ông Trịnh Duy Long đang tiến hành xây dựng trên đất rừng trồng khi chưa được chuyển đổi. "Việc ông Long xây dựng trên đất rừng trồng là có, tuy nhiên việc xử phạt đã vượt quá thẩm quyền của xã nên xã đã có ý kiến với TP.Phúc Yên vào cuộc xử lý", ông Lương nói.
 
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP.Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng xác nhận đã nắm được thông tin liên quan đến việc ông Trịnh Duy Long xây dựng trên đất rừng ở thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh. Đồng thời, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào thanh kiểm tra, xử lý theo đúng pháp luật.
 
Về phía Hạt kiểm lâm Phúc Yên, ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP.Phúc Yên cho biết đang họp với đoàn thanh tra của thành phố và hẹn trao đổi với PV sau.
 
Trong khi đó ông Trịnh Duy Long cho biết, ông được giao hơn 12ha rừng sản xuất, việc xây dựng bắt đầu từ khoảng tháng 10/2019 đến nay.
vinhphuc-2-w960-h720stamp2.jpg
khu sinh thái của ông Trịnh Duy Long đang tiến hành xây dựng
Theo lý giải của ông Long, khu đất ông đang xây dựng là rừng sản xuất, nếu áp theo Nghị định 38 của Chính phủ thì được phép xây dựng 30% diện tích để làm khu sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp.
 
Trong đó đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, nhà ở là 20%. Hiện ông đã xây dựng được trên 1.000m2.
 
"Trước khi tôi làm, tôi đã có đơn xin Hạt Kiểm lâm, chính quyền trước cả 8 tháng trời nhưng không ai có ý kiến hay hướng dẫn gì thì tôi cứ làm thôi. Tôi làm khu sinh thái này là để phát triển kinh tế địa phương, việc có cần chuyển đổi hay không là việc triển khai, hướng dẫn của chính quyền", ông Long cho biết.
 
Cũng theo ông Long, sau khi ông tiến hành xây dựng, TP.Phúc Yên cũng vào kiểm tra và ông đã xuất trình đầy đủ tất cả hồ sơ. Tuy nhiên, đến bây giờ TP.Phúc Yên vẫn chưa có ý kiến gì.
"Tôi đã làm hết trách nhiệm của người dân rồi, quy định của Chính phủ là như thế, bây giờ sai hay không TP.Phúc Yên phải cho ý kiến. Nếu không cho tôi làm, phải trả lời cho tôi lý do. Nếu bảo tôi phải làm cái gì nữa, phải hướng dẫn tôi chứ!", ông Long nói.
 
Được biết, đất lâm nghiệp nằm trong nhóm đất nông nghiệp bao gồm: Đất rừng tự nhiên, đất trồng rừng, đất khoanh nuôi tu bổ tái sinh phục hồi rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng,…
Theo quy định, đất nông nghiệp không được xây dựng nhà ở kiên cố. Nếu muốn xây dựng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại dịch vụ đã được các cấp có thẩm quyền cho phép.
 
Tình trạng xe đất ruộng xây dựng sai phép
 
Nhận được thông tin phản ánh của người dân ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) về tình trạng xây dựng sai phép nhà xưởng trên đất nông nghiệp xảy ra tràn lan tại xã Sài Sơn nhưng không hề bị xử lý, gây nhiều bức xúc cho người dân nơi đây.
 
Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) nhiều hộ dân tự ý xây dựng nhà ở riêng lẻ, nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 trên đất nông nghiệp, bên cạnh đó việc tập kết phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra khiến người dân phải “kêu cứu” chính quyền địa phương nhưng chính quyền không xử lý dứt điểm khiến người dân rất bức xúc.
 
Tại đây, người dân chỉ mặt một loạt nhà xưởng sản xuất gỗ, xưởng tập kết và tái chế nhựa công nghiệp, quán bia, nhà hàng… mọc lên trên đất nông nghiệp, không treo biển, đề tên chạy dọc từ đê Tả Hữu xuống khu Đầm qua cây xăng thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn.
 
Chị N.T.L (xin giấu tên) cho biết: “Việc xây dựng nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp diễn ra thường xuyên nhiều năm nay như hộ ông Đào Văn Tuấn, Đỗ Văn Cường, Nguyễn Danh Huấn tại chân đê thôn Phúc Đức. Các hộ trên xây dựng xưởng thu gom phế liệu nhựa, xưởng gỗ rộng hàng nghìn m2 trên đất nông nghiệp, đất đê điều nhưng chính quyền không hề xử lý. Đặc biệt, quá trình hoạt động tái chế nhựa, sản xuất đồ gỗ không đảm bảo môi trường khiến nước thải, bụi, mùi phát tán khắp vùng gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương”.
h1.jpg

 

h2.jpg
Một trong những công trình sai phép tại xã Sài Sơn.(Nguồn: PhapluatNet)
Cũng theo người dân phản ánh, tại khu Đầm, thôn Phúc Đức, cạnh chân đê Tả Hữu, gia đình ông Nguyễn Danh Huấn người huyện Thạch Thất lại thuê được đất công của xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai rồi xây dựng khu nghỉ dưỡng. Từ đó, nhiều hộ dân lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của địa phương nhanh chóng xây dựng quán ăn, nhà hàng, xưởng gỗ, bãi tập kết VLXD… một cách công khai.
 
Ông Đỗ Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Sài Sơn thông tin báo chí biết: "Xã cũng đã nắm bắt được tình trạng xây dựng sai phép và tập kết phế liệu trên địa bàn xã Sài Sơn. Sau khi người dân phản ánh, chúng tôi đã xuống kiểm tra, lập biên bản tuy nhiên chưa xử phạt".
 
“Tình trạng xây dựng sai phép nhà xưởng trên đất nông nghiệp là có, nhưng mỗi lần người dân phản ánh là chúng tôi đã xuống lập biên bản. Việc tập kết phế liệu đến nay vẫn tồn tại một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hộ kinh doanh chưa chuyển phế liệu đi được. Còn nói về mức độ ô nhiễm môi trường từ các bãi phế liệu này thì không đáng kể”, ông Tâm cho biết thêm.
 
Ngoài ra, ông Tâm cho biết thêm: "Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, ở góc độ đất đai một số hộ có vi phạm nhưng xét về góc độ kinh tế, các hộ kinh doanh này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư trong xã nên việc xử lý triệt để rất khó, không thể tiến hành trong một sớm một chiều được".
Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top