Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 8 năm 2014 | 10:8

Vụ hàng trăm công nhân Công ty CP Xi măng Hà Giang kêu cứu: Tạo điều kiện để cứu “cánh chim đầu đàn” ngành công nghiệp tỉnh

KTNT - Liên quan đến việc nhiều tháng qua gần 200 công nhân Công ty CP Xi măng Hà Giang sống trong cảnh "thoi thóp" vì nhà máy bị đình trệ sản xuất, lãnh đạo tỉnh Hà Giang khẳng định, quan điểm của tỉnh không muốn để “đứa con đầu lòng” ngành công nghiệp “bị chết”. Bởi vậy, Hà Giang sẽ tạo điều kiện hết sức để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.


Như Kinh tế nông thôn đã đăng tải, từ khi ban lãnh đạo Công ty CP Xi măng Hà Giang rơi vào vòng xoáy kiện tụng, kèm theo việc Công an tỉnh Hà Giang “giữ hộ” con dấu nên hàng trăm công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Trước đây, bình quân tại nhà máy, số lượng công nhân lên tới hơn 200 người, còn hiện tại chỉ còn vẻn vẹn vài chục người. Theo một số công nhân còn sót lại ở công ty, hầu hết công nhân nhà máy phải đi bán trà đá, nước mía, bốc vác…để kiểm sống. Một số gia đình không có việc làm đã nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng lục đục, con cái không được chăm sóc một cách tốt nhất…

Một trong những công nhân còn sót lại cho biết thực trạng khó khăn hiện tại.

Ông Vũ Duy Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi măng Hà Giang, cho biết, để giúp công ty sớm ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ phá sản như hiện nay, tạo công ăn việc làm cho gần 200 cán bộ, công nhân viên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương, tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, những thành viên HĐQT hợp pháp đã có văn bản khẩn thiết đề nghị Công an tỉnh Hà Giang trả lại con dấu cho đại diện hợp pháp của công ty nhưng đến nay vẫn chưa được nhận lại.

Liên quan đến sự việc, ông Hoàng Văn Mậu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang, khẳng định: Công ty CP Xi măng Hà Giang rất quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, đóng góp một phần không thể thiếu cho ngành công nghiệp của Hà Giang như cung ứng xi măng, công trình xây dựng cơ sở vật chất, các chương trình mục tiêu của tỉnh... Thêm vào đó, các cổ đông công ty đa phần là người địa phương, không có công ăn việc làm sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, quan điểm thông suốt của tỉnh Hà Giang đến các sở, ban ngành là sẽ trả lại con dấu cho doanh nghiệp sớm nhất, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho công ty sớm trở lại hoạt động.

Nhà máy hàng chục tỷ đồng nằm "đắp chiếu"

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho biết: Chuyện xử lý nhà máy xi măng tương đối nhạy cảm. Ngay cả Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phụ trách mảng này cũng đã gọi tôi lên làm việc. Mình là cơ quan quản lý nhà nước thì thứ nhất phải tôn trọng pháp luật, thứ hai phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu chủ sở hữu doanh nghiệp không phải là Nhà nước, nếu có tranh chấp thì mời các bên ra tòa giải quyết, chúng tôi không được phép can thiệp. 

Về chuyện con dấu của doanh nghiệp, tỉnh phải có chính sách, cơ chế riêng… Nếu sòng phẳng như cơ chế thị trường, thì cái nhà máy xi măng này, giá thành thì cao, lại đang mất đoàn kết nội bộ, sớm muộn cũng chết. Nhưng chúng ta phải cứu, không phải là cứu mấy cái ông ngồi điều hành mà là cứu người dân, cứu những người lao động đang làm việc tại nhà máy. 

"Từ giờ (13/8) cho đến 20/8, chuyện con dấu có thể giải quyết xong để thực hiện theo đúng tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật và quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Còn những vấn đề “lình xình” trong nội bộ công ty, nếu các cổ đông ngồi lại với nhau không giải quyết được thì mời các bên đưa ra tòa giải quyết", ông Lợi nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, khẳng định: Cá nhân tôi cũng như tỉnh Hà Giang có quan điểm, không muốn để “đứa con đầu lòng” ngành công nghiệp của tỉnh bị chết. Chúng tôi đã và sẽ hết sức tạo điều kiện để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top