Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 9:48

Xã Hàm Ninh (TP. Phú Quốc - Kiên Giang): Cần xác minh lại đất đai cho người dân

Theo đơn phản ánh, ông Lê Văn Tét (ông nội của bà Lê Thị Tỏi và ông Lê Văn Minh) có khai khẩn được 2 thửa đất tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Kinh tế nông thôn nhận được đơn phản ánh của bà Lê Thị Tỏi (sinh năm 1955, ngụ khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và ông Lê Văn Minh (sinh năm 1969, ngụ ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) về việc đất đai của gia đình hiện bị người khác sử bất hợp pháp.

Mất đất vì cho ở nhờ, nhờ đòi...

Theo đơn phản ánh, ông Lê Văn Tét (ông nội của bà Lê Thị Tỏi và ông Lê Văn Minh) có khai khẩn được 2 thửa đất tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Theo bản đồ đo vẽ, 2 thửa đất có diện tích 7.749,34m2 và 2.162,69m2. Sau khi ông Lê Văn Tét mất, đất đai của gia đình được giao cho vợ chồng con trai là ông Lê Văn Cứng và bà Nguyễn Thị Tư (là cha mẹ của bà Lê Thị Tỏi và ông Lê Văn Minh). Đất được ấp Bãi Bổn xác nhận vào ngày 12/2/2000.

z3615974352343_35164657e6682c4e844853e448eda27c.jpg
Giấy xác nhận của ấp Bãi Bổn về việc đất đai của gia đình bà Nguyễn Thị Tư.

 

Tại 2 thửa đất nói trên, vợ chồng ông bà Lê Văn Cứng – Nguyễn Thị Tư có canh tác và trồng các loại cây như: dừa, điều, cây sao… Trên đất này còn có mồ mả của ông Lê Văn Cứng và ông Lê Văn Pháo (anh trai ông Cứng, tham gia cách mạng, đã mất trong kháng chiến, mất khi chưa có gia đình).

Năm 1997, gia đình bà Nguyễn Thị Tư có cho ông Nguyễn Văn Nhịn là người dân đi biển (hiện đã mất) mượn đất cất nhà tạm để ở. Tuy nhiên, vào năm 2006, gia đình bà Tư yêu cầu ông Nhịn trả lại đất nhưng ông Nguyễn Văn Nhịn không chịu giao trả. Đất đai của gia đình bà Tư không liên quan gì đến ông Nhịn nhưng không hiểu vì sao ông Nhịn lại bán thửa đất mình đang ở nhờ cho vợ chồng ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền. Ông Nhịn chỉ là người ở nhờ, không có giấy tờ đất đai, ông lấy tư cách gì để bán đất cho vợ chồng ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền. Sau đó, ông Lữ và bà Hiền sử dụng thửa đất của gia đình bà Tư.

z3615974062842_67ac5b124f5d7afb8c470fe12867ed8e.jpg
Đất của gia đình bà Tư  bị người khác sử dụng trái phép.

 

Năm 2006, bà Tư cùng ông Tiền Bá Hiệp (người sống cùng bà Lê Thị Huế - con gái bà Tư) đã làm giấy ủy quyền cho ông Hoàng Thanh Khiết đứng ra giải quyết tranh chấp với ông Nguyễn Văn Nhịn và vợ chồng ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền. Nhưng mọi việc không được giải quyết. Ngược lại, ông Tiền Bá Hiệp cũng vào chiếm đất của gia đình bà Tư và ở trên đất này đến nay. Điều đáng nói là, ông Hiệp đã di dời mồ mả của gia đình bà Tư đi nơi khác mà chưa được sự đồng ý của gia đình bà. Sự việc này khiến các thành viên trong gia đình bà Tư rất bức xúc. 

Sẽ vào cuộc xác minh làm rõ

Theo đơn phản ánh, nay bà Nguyễn Thị Tư đã mất, ông Tiền Bá Hiệp và vợ chồng ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền đã chiếm toàn bộ 02 thửa đất nói trên của gia đình bà  Tư (mẹ đẻ của bà Lê Thị Tỏi và ông Lê Văn Minh). Trong khi đó, 02 thửa đất của gia đình bà Tư có nguồn gốc rõ ràng, điều đó được thể hiện bằng giấy xác nhận của ấp Bãi Bổn cũng như mồ mả của người thân trong gia đình bà Tư được chôn cất trong khu đất này nhưng bị người khác di dời bất hợp pháp. Đất này là thành quả sau bao năm gia đình bà Tư khai khẩn từ các đời trước. Nhưng nay, người khác lại vào sử dụng đất của gia đình.

z3615974044522_883fac48558e2b352d569d18803ad37c.jpg
Ông Lê Văn Đực, người sinh sống và gắn bó với từ nhỏ tại xã Hàm Ninh cho biết đất của gia đình bà Nguyễn Thị Tư có nguồn gốc rõ ràng.

 

Cựu chiến binh Lê Văn Đực cho biết: “Tôi tham gia chống Mỹ cứu nước tại Phú Quốc, là người sinh ra và lớn lên ở xã Hàm Ninh. Sau giải phóng, tôi có tham gia công tác tại chính quyền xã Hàm Ninh. Trước đây sống cạnh gia đình bà Tư. Hai thửa đất mà ông Tiền Bá Hiệp và vợ chồng ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền đang sử dụng trước đây là đất của gia đình bà Tư đã được ấp Bãi Bổn chứng nhận. Gia đình bà Tư có cho ông Nguyễn Văn Nhịn ở nhờ. Rồi sau đó ông Nhịn lại bán cho ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền. Hầu hết các thành viên gia đình bà Tư rất hiền lành. Vì vậy, mà người ta vào chiếm đất nhưng không làm gì được. Tôi cũng rất bức xúc bởi đất có nguồn gốc rõ ràng nhưng rồi người khác lại đến chiếm dụng, họ ỷ mạnh hiếp yếu”.

Phóng viên đến UBND xã Hàm Ninh để tìm hiểu về 2 thửa đất nói trên thì lãnh đạo xã cho biết, sẽ vào cuộc để xác minh lại 2 thửa đất.

z3615974370976_381233712d2705de83f0fd87fde1c04b.jpgVợ chồng anh Lê Văn Minh - con trai duy nhất của bà Nguyễn Thị Tư phải sống nhờ nhà người khác với tình cảnh rất khó khăn.

 

Cũng theo đơn phản ánh của bà Lê Thị Tỏi và ông Lê Văn Minh: Gia đình bà Tư chưa hề mua bán, sang nhượng hay trao đổi 2 thửa đất của gia đình với bất kỳ ai. Nguồn gốc đất cũng không liên quan đến ông Tiền Bá Hiệp, vợ chồng ông bà Diệp Thế Lữ - Lê Thị Hiền.

Vì đất của gia đình bị chiếm dụng nên nhiều thành viên trong gia đình bà Tư không có đất ở và canh tác. Ông Lê Văn Minh, con trai duy nhất trong gia đình có 7 chị em do bà Tư sinh ra phải đi ở nhờ nhà người khác, cuộc sống rất khó khăn. Các cơ quan liên quan xã Hàm Ninh và thành phố Phú Quốc cần vào cuộc xác minh rõ ràng nguồn gốc đất để trả lại sự công bằng cho người dân. Đó còn là việc cần thiết để cho người dân nơi đây nắm rõ quy định của nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tránh những việc liên quan gây ảnh hưởng an ninh trật tự cũng như để phát triển kinh tế của vùng nông thôn Hàm Ninh được ổn định.

 

 

 

Khắc Niên - Minh Cường
Ý kiến bạn đọc
Top