Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 9 năm 2010 | 1:44

XD một số công trình thủy điện ở Tây Nguyên: Được ít, mất nhiều!

KTNT- Không thể phủ nhận việc xây dựng các công trình thủy điện ở Tây Nguyên đã giúp hàng ngàn hộ dân được sử dụng điện, góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế nhưng, cũng chính những công trình này đã đẩy nhiều danh thắng nổi tiếng vào tình trạng kêu cứu, ảnh hưởng đến môi trường và mất rừng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khi triển khai các công trình, các ban ngành liên quan thiếu khảo sát khoa học và những tính toán mang tính bền vững.

Uy hiếp nhiều danh thắng nổi tiếng

Tây Nguyên vốn tạo được dấu ấn cho riêng mình bằng vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng già, sự kỳ vĩ của những ngọn thác tự nhiên, sự phong phú của các loại động - thực vật quý hiếm. Đây cũng là nét khu biệt của vùng đất này với các địa phương khác. Tuy nhiên, sự quý giá này đang có nguy cơ biến mất bởi sự uy hiếp của các công trình thủy điện.

Thác Gia Long ngày càng mất dần nét đẹp tiềm ẩn bởi sự xâm hại của thủy điện Buôn Kốp.

Thác Gia Long T (Krông Ana - Đắk Nông) là danh thắng hàng đầu của Tây Nguyên, được tạo thành bởi dòng Serepôk hùng vĩ và giữ được nhiều nét hoang sơ tự nhiên. Thế nhưng từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Kốp với công suất 280 MW được xây dựng ở đây và danh thắng này được giao lại cho một công ty tư nhân quản lý thì nó bị xâm hại nghiêm trọng, nét đẹp tự nhiên đã bị phá vỡ bởi những chiếc máy đào, máy múc ồ ạt đào ủi làm hồ nhân tạo, chặn dòng nước tự nhiên.

Cùng chung cảnh ngộ với thác Gia Long, quần thể thác Gougar (cao 30m) ở Lâm Đồng mặc dù đã được xếp hạng là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và là danh thắng đẹp nhất Lâm Đồng nhưng vẫn bị thủy điện Đại Ninh dồn vào chân tường. Mặc dù trước khi xây dựng đã được cảnh báo đây là vị trí rất nhạy cảm nhưng các nhà thầu và đơn vị khảo sát, thi công vẫn không tuân thủ các nguyên tắc khảo sát cũng như các thông số kỹ thuật, phạm vi nước dâng nên hậu quả là mỗi lần nước hồ thủy điện dâng cao, quần thể danh thắng Gougar bị nhấn chìm, đồng thời làm ngập luôn danh thắng thác Bảo Đại ở phía trên.

Ngoài ra, quần thể sinh thái Vườn Quốc gia Cư Yang Sin (Đắk Lắk), quần thể động, thực vật giàu có nhất còn lại ở Tây Nguyên cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Nơi đây từng là căn cứ địa bất khả xâm phạm của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Vùng đất dưới chân núi Cư Yang Sin mang bí danh H9, sau này trở thành huyện Krông Bông, là đơn vị hành chính duy nhất của Nam Trung Bộ được giải phóng từ năm 1965 và giữ vững thành quả cách mạng cho tới ngày đất nước thống nhất. Thế nhưng, tất cả những điều này đã bị đảo lộn khi công trình thủy điện Krông Kmar khởi công xây dựng. Nhiều loài động vật quý hiếm tại đây bị hoảng loạn nên đã bỏ đi trước sự luyến tiếc của người dân, rừng cũng mất theo dòng nước.

Sự đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Cư Yang Sinh đang mất dần vì thủy điện.

Mất rừng, khí hậu bị đảo lộn

Một thực tế đã được các nhà khoa học chứng minh, việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện ở Tây Nguyên không những làm hoang phế nhiều danh thắng nổi tiếng mà còn làm mất một diện tích rừng không nhỏ. Chỉ tính riêng Nhà máy thủy điện Krông Kmar đã “nuốt” hàng trăm hecta rừng nguyên sinh mà theo lời Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, hàng trăm năm sau cũng không có lại được những khoảnh rừng tự nhiên quý giá như thế.

Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý rừng ở Tây Nguyên, mỗi công trình thủy điện mở trong rừng nguyên sinh có thể gây ra những hậu quả không thể đo đếm được bằng tiền. Bởi hầu hết những công trình thủy điện đều nằm sâu trong rừng đầu nguồn, nơi có giá trị đa dạng sinh học cao và đảm nhiệm chức năng phòng hộ. Chính vì thế, ngoài diện tích rừng bị phá để làm thủy điện, các diện tích rừng xung quanh cũng bị san phẳng để mở đường vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị, thậm chí còn tiếp tục bị chặt phá để xây dựng những đường dây truyền tải điện đến nơi tiêu thụ. Tại Gia Lai, có gần 20 dự án thủy điện được phê duyệt xây dựng trong rừng nhưng chỉ có dưới 5 đơn vị đảm bảo trồng rừng mới và có báo cáo tác động môi trường. Nếu đúng như dự báo của các chuyên gia về sinh quyển, để tạo ra 1MW điện, phải lấy đi ít nhất 10 - 30ha rừng và để có được 1000ha làm thủy điện, phải san bằng 1.000 - 2.000ha đất ở thượng nguồn. Với tiến độ này, rừng ở Việt Nam sẽ ra sao?

Được biết, hiện nay khu vực Tây Nguyên có trên 300 dự án thủy điện, chủ yếu là vừa và nhỏ đã được phê duyệt. Nếu không có tính toán hợp lý thì hậu quả gây ra không chỉ dừng lại ở những trận lũ mà còn đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ sạt lở, làm sập, nứt nhà dân, hơn nữa có thể gây xói mòn, thoái hóa đất và những trận lũ cát, bùn đất cho vùng hạ lưu. Vì vậy, ngành chức năng, các nhà khoa học cần khảo sát kỹ trước khi đề xuất phê duyệt một nhà máy thủy điện.

Hà Văn Đạo

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở sai quy định, nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố

    Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở sai quy định, nhiều cán bộ bị đề nghị truy tố

    Ngày 26/5, Cơ quan CSĐT Công an Phú Yên ban hành kết luật điều tra, đề nghị VKS cùng cấp truy tố 22 nguyên cán bộ, công chức ở thị xã Đông Hòa, trong đó có Võ Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND TX Đông Hòa; Lê Tấn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã vì vi phạm về quản lý đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

  • Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Qua đó, đã phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với số lượng hơn 33kg và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 50kg. Tuy nhiên, những gì được phát hiện và xử lý chỉ là phần nổi của “tảng băng”!

  • Bột xương động vật từ nơi có dịch bò điên qua Campuchia vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo nóng

    Bột xương động vật từ nơi có dịch bò điên qua Campuchia vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo nóng

    Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND 6 tỉnh: Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, chấm dứt việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật được cho có nguồn gốc từ châu Âu (nơi có dịch bò điên) qua biên giới với Campuchia.

Top