Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 1 năm 2015 | 1:24

Xóm “vô thừa nhận” giữa thành phố!

Hàng chục năm qua, 29 hộ dân với khoảng 150 khẩu ở khu Vườn Xoài (bà con gọi là xóm nghĩa địa), đường Đoàn Thị Điểm, khóm 5, phường 3, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) phải sống trong tình cảnh có rất nhiều cái “không”: không số nhà, không hộ khẩu, không điện, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Một góc "xóm vô thừa nhận" ở Sóc Trăng.

Ông Trần Minh Quang, một người  dân trong xóm, cho biết: “Cả xóm có 29 hộ dân, phần lớn là hộ nghèo ở các nơi trong tỉnh Sóc Trăng. Vì hoàn cảnh riêng nên bà con về đây mua đất làm nhà sinh sống. Hộ ở ít nhất cũng đã 5-7 năm, hộ ở lâu trên 10-15 năm. Đất của bà con mua lại từ bà Đào Đen, sau đó một số hộ không ở chuyển nhượng cho người khác, có khi một đám đất qua 2-3 đời chủ. Việc chuyển nhượng thực hiện bằng giấy viết tay và không xảy ra tranh chấp gì”.

Khi bà con lên UBND phường 3 xin đăng ký hộ khẩu thì phường cho biết khi nào có số nhà mới cấp hộ khẩu. Hỏi việc cấp số nhà thì phường yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cấp số nhà. Khi bà con ­đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phường cho biết đất còn tranh chấp nên không thể cấp được.

Hỏi cho tới ngọn nguồn, bà con được biết: Đất đó là của ông  Chung Thành Gia, sau đó bà Đào Đen quản lý, sử dụng nên giữa bà Đen và ông Gia (con là ông Chung Thành Nam đại diện) có tranh chấp từ mấy chục năm trước.

Ông Quang cho biết: “Khi biết có tranh chấp, tuy mua đất của bà Đào Đen nhưng chúng tôi cũng tìm đến ông Nam để thương lượng và ông ­Nam đồng ý cho chúng tôi trả hoa lợi cho gia đình, ông Nam sẽ ký giấy cho bà con làm sổ đỏ. Nhưng khi đến UBND phường 3 thì cán bộ địa chính phường yêu cầu ông Nam phải làm thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ cho ông trước. Sau khi có sổ đỏ, ông Nam mới làm thủ tục tách thửa cho người mua. Đề nghị này không được ông Nam chấp thuận bởi đất bà con đã mua và ở ổn định từ nhiều năm nay, gia đình ông không đòi lại, chỉ yêu cầu trả hoa lợi”.

Năm 2005, bà con gửi đơn đến ngành điện lực xin mua điện sử dụng thì ngành điện yêu cầu phải có số nhà, có xác nhận tạm trú của UBND phường nhưng Chủ tịch UBND phường không xác nhận bởi bà con không có hộ khẩu. Vậy là cuối cùng, bà con không mua được điện của nhà nước mà phải dùng điện từ một hộ khác với giá 5.000 đồng/kWh. Duy nhất chỉ có ngành nước hiểu được nỗi khổ của bà con nên đồng ý lắp đồng hồ nước.

Ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng, giải thích: “Bà con khiếu nại, chính quyền đã giải thích và yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, việc cấp hộ khẩu, cấp số nhà phải theo quy định của Luật Cư trú; cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai; cấp điện thì theo Luật Điện lực. Nếu đáp ứng được các yêu cầu đó là tự nhiên có chứ không khó gì cả”.

Ông Trịnh Thanh Phong bày tỏ: “Chúng tôi nghèo mới tới khu này mua đất làm nhà, bây giờ lại gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính. Không có hộ khẩu, các cháu học sinh đi học rất thiệt thòi. Không biết bao giờ chúng tôi mới được công nhận là công dân của thành phố”.

Điều đáng nói, tuy không giải quyết việc cấp sổ đỏ, cấp hộ khẩu, số nhà cho bà con nhưng địa phương vẫn tiến hành thu các khoản đóng góp, vẫn cấp phiếu bầu cử và ghi rõ người dân đang tạm trú tại địa phương này.

Thiết nghĩ, việc người dân sống giữa  thành phố hàng chục năm nhưng không có hộ khẩu, không có số nhà, không được cấp sổ đỏ, cấp điện là một thực tế đáng buồn mà lỗi chắc chắn không chỉ có từ phía bà con. Đề nghị các cơ quan chức năng của TP.Sóc Trăng quan tâm, tìm biện pháp giải quyết để người dân có cuộc sống ổn định.

Xuân Huỳnh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top