Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 11 năm 2021 | 10:4

Buôn bán hàng giả, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp

Gần đây, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ hàng giả, hàng cấm. Điển hình như lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai thu giữ hơn 3.600 lít thuốc BVTV bị cấm sử dụng ở Việt Nam; TCQLTT tạm giữ trên 28.000 lọ sa tế có dấu hiệu giả nhãn hiệu.

Tạm giữ hơn 3.600 lít thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam

Mới đây, Đội 2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất đại lý Phượng, chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật do ông Nguyễn Văn Anh làm chủ kinh doanh tại xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Nguyễn Văn Anh bày bán 07 chai thuốc trừ sâu loại 500ml, thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl; 20 chai thuốc trừ cỏ loại 900ml thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Glyphosate. Cùng thời gian này, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở mở kho nằm bên cạnh đại lý để kiểm tra đã phát hiện thêm nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.

 

 Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Qua kiểm đếm Đoàn kiểm tra phát hiện 15.794 chai và 2.454 gói với tổng khối lượng 3.643,85 lít và 94 kg thuốc bảo vệ thực vật có chứa 02 hoạt chất nêu trên.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 13/02/2021. Với hoạt chất Glyphosate không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể ngày 01/7/2021.

Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp và có dấu hiệu tội phạm hình sự, sau khi kiểm đếm đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm và đề xuất chuyển cho cơ quan Công an tỉnh Gia Lai để điều tra xử lý theo quy định.

Tạm giữ trên 28.000 lọ sa tế có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), chiều tối ngày 11/11/2021, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh chia thành hai Tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá là sản phẩm Sa Tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại địa chỉ thôn Yên Khê, xã Yên Thường (Gia Lâm, TP. Hà Nội) và căn nhà tạm không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu (TP. Từ Sơn, Bắc Ninh).

 

 Các thiết bị bên trong sân nhà tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

 

Tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội), ghi nhận căn nhà khang trang được sử dụng làm nơi sản xuất và chứa trữ hàng hoá. Đây cũng chính là địa điểm đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Chế biến và Sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thắng Phát. Cả hai công ty đều do ông Nguyễn Văn Bằng đứng tên đại diện theo pháp luật đồng thời là chủ sở hữu.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã ghi nhận trên 21.000 lọ sa tế tôm mang nhãn hiệu “Thuận Phát” đã được đóng thành phẩm trong 187 thùng carton, xếp ngay ngắn phía ngoài cổng nhà sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ. Tất cả các sản phẩm đều có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "Thuận Phát" đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Cùng thời gian này, Tổ công tác tại Bắc Ninh đã bất ngờ kiểm tra kho chứa hàng hoá tại số 21, ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh do bà Đặng Thị Nga làm chủ. Bên cạnh nhiều các mặt hàng gồm tương ớt, giấm gạo là hàng sản xuất trong nước có đầy đủ nhãn hàng hoá theo quy định, Đoàn kiểm tra phát hiện 62 thùng "Sa tế tôm ngon Thuận Phát" với tổng cộng gần 7.000 lọ sa tế tôm ngon Thuận Phát của Công ty TNHH chế biến và Sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát.

 

 Đội QLTT số 8, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra sản phẩm sa tế tại xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội.

 

Chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan. Các sản phẩm này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Thuận Phát" đã được đăng ký bảo hộ. Như vậy, chỉ trong ngày 11/11, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, thu giữ trên 28.000 sản phẩm sa tế có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Phát hiện số lượng lớn khoá giả thương hiệu nhập vào Việt Nam

Lực lượng chức năng TP. Hải Phòng vừa phát hiện số lượng lớn khoá cửa giả thương hiệu nổi tiếng rồi nhập về Việt Nam. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Suno Việt Nam (Công ty Sumo - Thanh xuân, Hà Nội), đã nhập khẩu các mặt hàng là khóa và phụ kiện với số lượng lớn, trong đó có các sản phẩm được gắn nhãn hiệu H.H của Công ty TNHH khóa H.H.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng đã gửi văn bản xác minh việc Công ty TNHH khóa H.H có cho phép Công ty CP ĐT XD và TM Suno Việt Nam sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trên hay theo quy định, thì được phía Công ty H.H khẳng định, không uỷ quyền cho Công ty Sumo nhập khẩu hoặc sản xuất bất kỳ nhãn hiệu, hoặc sản phẩm nào của H.H.

 

 Số lượng lớn khoá giả thương hiệu bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh N.L

 

Đại diện Công ty TNHH khóa H.H ước tính, Công ty Suno đã nhập khoảng 1.400 bộ khoá giả thương hiệu của nhãn hiệu H.H về Việt Nam. Hiện, Công an TP. Hải Phòng đang điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, sau khi lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp 2 doanh nghiệp là Cty TNHH Liên doanh HHT Việt Nhật (Hà Đông, Hà Nội), do Lê Thị Tâm (SN 1988, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm Giám đốc và Cơ sở kinh doanh Ngô Huy (Đông Anh, Hà Nội), do Lê Minh Tú (SN 1976, ở Đông Anh, Hà Nội) làm chủ kinh doanh phát hiện gần 40.000 sản phẩm khóa cửa và phụ kiện cửa giả.

Đáng nói, toàn bộ số hàng giả trên đều mang nhãn hiệu Kin Long của Cty TNHH Kin Long Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi điều tra, đại diện phía Cty Kin Long khẳng định, số sản phẩm trên không phải mặt hàng do Cty này nhập khẩu và phân phối trên thị trường. Tổng giá trị số hàng hóa giả khoảng 1,1 tỷ đồng và hiện đã được cơ quan công an lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng.

Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không

Ngày 12/11, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các điểm làm thủ tục hàng không trong những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022 để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép, gian lận thương mại và hàng giả.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên, đặc biệt chú trọng các nhân sự tham gia dây chuyền vận chuyển hàng không thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại Hội nghị giao ban Quý III năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 

 Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các điểm làm thủ tục hàng không trong những tháng cuối năm.

 

Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các điểm làm thủ tục hàng không để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022.

Bên cạnh đó, Cục còn yêu cầu các đơn vị chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền rộng rãi chỉ đạo nêu trên bằng nhiều hình thức, để mọi người hiểu rõ và kiên quyết từ chối vận chuyển hay buôn bán trái phép gian lận thương mại và hàng giả tại đơn vị mình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.

 

Khoảng 21hh30 đêm 11/11, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tổ công tác do  Đồn biên phòng Bình Hiệp, Bộ đội biên phòng tỉnh Long An chủ trì phát hiện xe tải loại 3,5 tấn mang BKS 3D-3295 chở xoài nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam đang bốc dỡ hàng hóa có biểu hiện nghi vấn.

 Tang vật là 24 kg ma tuý bị lực lượng Long An thu giữ.

 

Lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 30 bịch nylon nghi chứa ma túy được giấu trong các thùng đựng xoài. Tài xế, phụ xe đã bị đưa về trụ sở làm việc ngay sau đó. Tại cơ quan chức năng, hai đối tượng tên Sok Na Thy Ta (SN 1984) và Chap Đa Nê (SN 1995, trú tại Kan Đal, Campuchia) thừa nhận toàn bộ 30 bao nylon trên là ma túy đá, có tổng trọng lượng 24kg. 

Từ nguồn tin báo đã được thẩm tra, trưa 10/11/2021, Đội 1, Cục QLTT Phú Yên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức dừng và khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 37C-137.61, do ông Nguyễn Hồng Hải, trú xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An điều khiển lưu hành theo hướng Nam - Bắc. 

Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 3.240 hộp hương liệu Shisha, 190 bì than đốt Shisha, 42 hộp thực phẩm bổ sung các loại (trọng lượng 700-1.000g/bì). Toàn bộ lô hàng do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo đúng quy định.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top