Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 6 năm 2022 | 23:47

Khai thác trộm cát trên sông Lô đoạn qua Tuyên Quang: Chính quyền bất lực hay thờ ơ?

Theo quy định, chỉ được khai thác cát cách bờ sông 50m. Tuy nhiên, tàu cuốc hoán cải cỡ lớn, không biết của doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân nào ngang nhiên vào sát bờ sông Lô, thuộc thôn Trường Thi A (An Khang) khai thác cát như thách thức pháp luật.

Chiều 28/6, tàu cuốc hoán cải và 3 tàu chở tiến sát vào bờ tiến hành ăn trộm cát.

 

Ngày 30/6, Kinh tế nông thôn có bài “Loạn tàu khai thác cát trên sông Lô”. Nội dung phản ánh, trên dòng sông Lô chảy qua địa phận các xã, phường của tỉnh Tuyên Quang như: Nông Tiến, An Khang, Thái Long,  Đội Cấn (TP. Tuyên Quang), Thái Bình (Yên Sơn),  Vĩnh Lợi, Cấp Tiến (Sơn Dương), có nhiều tàu cuốc hoán cải không có số đăng kiểm, không biển kiểm soát vô tư khai thác cát mà không bị chính quyền địa phương, ngành chức năng xử lý.

 Là tàu cuốc hoán cải nên công suất khai thác rất lớn.

 

Không dừng lại ở đó, còn có tàu cuốc đội lốt tàu hút để khai thác cát, có tàu hút khai thác tới 300m3/giờ. Người dân lo ngại, việc các tàu cuốc hoán cải có công suất lớn hút cát, có tàu tiến sát vào bờ để “ăn trộm” cát, dẫn tới nguy cơ bị sạt lở bãi bồi, đất canh tác của người dân. Khảo sát thực tế của nhóm phóng viên cho thấy, người dân phản ánh là có cơ sở.

Trong quá trình nắm bắt tình hình thực tế, nhóm phóng viên ghi nhận tàu cuốc hoán cải không biết của doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân nào mà cả gan, ngang nhiên khai thác cát trộm giữa ban ngày mà không bị chính quyền địa phương hay cơ quan nào ra ngăn chặn, xử lý?!

 

 Hai tài chở đợi vào ăn cát từ tàu khai thác cát trái phép.

 

Vào 15 giờ 46 phút ngày 28/6/2022, có mặt tại bờ sông Lô, thuộc thôn Trường Thi A, xã An Khang (TP. Tuyên Quang), nhóm phóng viên chứng kiến một tàu cuốc hoán cải cỡ lớn đang vô tư khai thác cát, vị trí khai thác cách bờ 5 -10m. Bên cạnh là 3 tàu chở, trong đó, 1 tàu chở không có số kiểm soát đã "ăn no" cát, 2 tàu có số kiểm soát gồm: VR15031945 và VR16043122, một tàu bắt đầu "ăn" cát, tàu còn lại đang đợi đến lượt.

Như thách thức pháp luật, sáng 29/6, tàu cuốc hoán cải vào sát bờ để khai thác cát.

 

Khoảng 8 giờ sáng ngày 29/6, nhóm phóng viên có mặt tại đúng vị trí hôm qua tàu cuốc hoán cải khai thác (thôn Trường Thi A, xã An Khang). Tại đây, có một tàu cuốc hoán cải cỡ lớn (có thể vẫn là con tàu hôm 28/6) đang căng mình hút trộm khoáng sản của quốc gia.

Điều đáng nói là, người điều khiển con tàu này như thách thức pháp luật, xem trời bằng vung, bám sát vào bờ sông để khai thác cát. Bên cạnh là 4 tàu chở, trong đó, có 1 tàu đã đầy cát. Qua đây cho thấy, sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật của tàu và chủ tàu hút cát diễn ra tại thôn Trường Thi A, xã An Khang.

Ngày 30/6, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Cường, công chức địa chính xã An Khang (TP. Tuyên Quang), cho biết, trên địa bàn xã có mấy công ty được cấp mỏ khai thác, nhưng chỉ có Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang đang khai thác. Mỏ khai thác cát của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang chạy dọc các thôn Trường Thi A, Trường Thi B, Phúc Lộc A, Phúc Lộc B.

 Tại thôn Trường Thi A, nơi con tàu tiến hành "ăn trộm" cát, bên ngoài là phạm vi cấp mỏ của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang.

 

Bà Đỗ Thị Thu, Phó chủ tịch UBND xã An Khang, cho biết: Hôm trước ở thôn Trường Thi B, tôi có nghe đồng chí Bí thư Chi bộ nói, có một số hộ dân có ý kiến khai thác cát làm ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất trồng cây hàng năm. Tôi bảo nếu người dân có ý kiến thì cứ làm đề xuất ra xã để xã mời công ty đến làm việc.

Cũng theo bà Thu, mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng có ý kiến một số công ty khoáng sản khai thác cát làm sạt lở đất canh tác, đề nghị các cấp xem xét, xử lý.

Theo quy định, vị trí khai thác cát phải cách bờ 50m, với video, hình ảnh phóng viên cung cấp, bà Thu cho biết, không đủ 50m theo quy định. 

Ngày 2/6/2022, UBND xã An Khang có báo cáo về việc sạt lở đất tại thôn Phúc Lộc B. Theo đó, vị trí sạt lở sát với sông Lô, thuộc thửa đất số 04, tờ bản đồ số 34, đất của gia đình bà Nguyễn Thị Gấm, khối lượng sạt lở có chiều dài 80m, chiều rộng sạt lở 5m, chiều sâu trung bình 6m. Khu vực sạt lở ảnh hưởng đến công trình xây dựng của gia đình bà Gấm. Cụ thể, từ mép sạt lở cách tường quây chuồng gà 2,5m, cách nhà ở 15,3m.

Theo địa chính xã An Khang, mỏ khai thác cát của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang chạy dọc các thôn Trường Thi A, Trường Thi B, Phúc Lộc A, Phúc Lộc B. Ngày 28 và 29/6, tại thôn Trường Thi A có tình trạng tàu cuốc hoán cải ngang nhiên vào sát bờ ăn trộm cát. Vậy, con tàu ăn trộm cát kia là của doanh nghiệp hay cá nhân nào? Tại thôn Trường Thi B, người dân có ý kiến, việc khai thác cát bị ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất trồng cây hàng năm. Và việc sạt lở đất của gia đình bà Nguyễn Thị Gấm, ở thôn Phúc Lộc B có liên quan gì tới việc khai thác cát của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang không?

 Bên kia sông Lô là xã Thái Bình, con tàu cuốc hoán cải không có số đăng kiểm, không biển kiểm soát cũng vô tư khai thác.

 

Ở một diễn biến khác, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình (Yên Sơn), cho biết, hiện trên địa bàn xã có 3 công ty được cấp mỏ khai thác cát. Phương tiện khai thác là tàu hút hoán cải.

Theo ông Dũng, trong tháng 6, người dân  thôn 5 đã 2 lần có ý kiến về việc Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang khai thác cát sát vào bờ gây nguy cơ sạt lở đến diện tích đất canh tác, ảnh hưởng đến đường giao thông, xã đã cử đoàn xuống kiểm tra. Tuy nhiên, khi xuống kiểm tra có lần tàu không hoạt động, có lần tàu ở giữa sông.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top