Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 6 năm 2021 | 22:55

Những sai phạm đất đai đang ngày một phức tạp và khó để khắc phục hậu quả?

Thời gian qua, tình trạng san lấp, khai thác đất ruộng trái phép đang diễn ra tràn lan ở các khu vực ngoại thành và nông thôn mà không hề bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm… xử lý trên giấy, có phải đang “hợp thức hóa cho sai phạm”?

“Con voi chui lọt lỗ kim”
 
Đơn cử như vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) nhưng chính quyền địa phương lại… không hề hay biết (?!)
 
Cụ thể, hàng nghìn mét vuông đất bị đào bới tạo thành những vách núi dựng đứng và hầm hố lộn xộn. Chiếc máy xúc khoan sâu vào lòng đất lấy ra những khối màu trắng nghi là quặng fenspat rồi chất lên xe tải để chở thẳng ra cảng nội địa khu vực thị trấn Đoan Hùng, đổ xuống tàu đưa đi tiêu thụ.
nhiều-xe-tải-hạng-nặng-vận-chuyển-khoáng-sản-đi-tiêu-thụ-sai-quy-định.jpg
Nhiều xe tải hạng nặng vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ sai quy định (Nguồn: Người Đưa Tin Pháp Luật).
Tại đây, có khoảng 5 – 10 chiếc xe tải loại từ 5 - 10 tấn cơi nới thành thùng xe đắp cao có ngọn, luôn chìm trong bụi mù mịt, ngang nhiên đi lại ngay tại cổng trụ sở UBND xã.
 
Cứ thế, đoàn xe tải è nặng, đua nhau quần thảo trên đoạn đường bê tông của chạy qua nhà một số hộ gia đình trong xóm. Do xe ra vào liên tục mà con ngõ nhỏ chỉ vừa một làn xe nên họ phải bố trí hai máy bộ đàm liên lạc ở hai đầu đường để tránh đấu đầu nhau.
 
Các xe này sau đó đều chạy ra đường nhựa hướng quốc lộ 2 rồi rẽ vào đường đê sông Hồng, nơi có bến cảng tấp nập cách điểm khai thác khoảng 10 km.
 
Một người điều hành tại điểm khai thác cho biết, việc giao dịch mua đất do ông Thông ở xã Quế Lâm (huyện Đoan Hùng) là người nhà lãnh đạo tỉnh tiến hành, còn chủ nhà bán đất là ông Quang ở ngay đối diện trụ sở UBND xã.
 
Khi được hỏi về phương thức mua bán, vận chuyển, được biết: Mỗi khối đất trắng (fenspat) chở ra tới cảng chỉ bán được hơn 100 ngàn đồng, một xe chở đầy cũng chỉ được trên dưới vài triệu đồng. Điều đáng lo ngại nhất là báo chí nơi khác họ vào cuộc chứ còn các vấn đề khác thì không lo.
 
Trong lúc nói chuyện, bộ đàm trên tay anh K liên tục vang lên. Lúc thì giọng phụ nữ lanh lảnh, khi thì giọng nam giới khàn đục, hỏi: “Người lạ đang ngồi đó là ai? Có an toàn không?”… Tất cả các câu hỏi đó đều được anh K trả lời bằng cách trấn an rằng: “Yên tâm, không phải lo đâu, đây là khách hàng mới”.
 
Ông Thông - người mua khu đất trên cũng cho biết: “Khả năng là lỗ to anh ạ vì tôi mua khu đất này của ông Quang đã 350 triệu đồng, lại còn phải đặt cọc tiền đường bê tông 200 triệu nữa để sửa chữa khi đường hư hỏng. Vậy mà mới chở ra cảng được có khoảng 60 - 70 xe chứ có được bao nhiêu đâu...
 
Theo tính toán của chúng tôi, mới chỉ có giá mua đất và đặt cọc tiền đường bê tông đã lên tới 550 triệu đồng, chưa cộng phí vận chuyển và khai thác, người mua bỏ tiền ra đầu tư khai thác chứng tỏ giá trị của lượng khoáng sản này không phải là nhỏ. Vậy nhưng nó đã ngày ngày bị mang ra khỏi địa phương, qua mặt các cơ quan chức năng một cách ngoạn mục.
tình-trạng-vận-chuyển-của-những-xe-tải-trọng-lớn-khiến-tuyến-đường-bê-tông-bị-cày-nát.jpg
Tình trạng vận chuyển của những xe tải trọng lớn khiến tuyến đường bê tông bị cày nát (Nguồn: Người Đưa Tin Pháp Luật).
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hùng Luân - Trưởng phòng TN&MT huyện Đoan Hùng cho biết: Đến thời điểm hiện tại tôi chưa nắm được thông tin gì. Được rồi, tôi sẽ trao đổi với chỗ UBND xã xem thế nào và cho anh em kiểm tra thực địa ngay.
 
Ở một diễn biến khác, ông Hứa Ngọc Đa - Chủ tịch UBND xã Yên Kiện - trả lời như sau:“Chúng tôi vừa mới cho dừng rồi, trước đó chủ nhà người ta xin san ủi cốt nền tại chỗ, không đưa đất ra khỏi khu vực, nhưng nay đúng là có việc vận chuyển ra ngoài bán, nên thẩm quyền của xã là lập biên bản yêu cầu dừng lại để báo cáo lên huyện”.
 
Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” từ trước đến nay vẫn thường xảy ra tại những địa phương “trên nóng dưới lạnh” do có sự buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay của chính quyền địa phương. Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không hiện tượng này tại xã Yên Kiện huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) dẫn đến hậu quả là tài nguyên khoáng sản bị thất thoát hàng ngày, với số lượng lớn.

Khai thác đất ruộng trái phép

Điển hình như vụ khai thác đất trái phép xảy ra vừa qua tại khu vực cánh đồng ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên.

Cụ thể, khi nhận tin báo từ quần chúng Nhân dân, lực lượng công an xã Cẩm Bình đã tiến hành vào cuộc kiểm tra, phát hiện có 2 người đang có hành vi sử dụng máy xúc và xe tải mang BKS 38C-047.02 khai thác đất ruộng trái phép ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình.

 

máy-xúc-khai-thác-đất-ruộng-trái-phép.jpg
Máy xúc khai thác đất ruộng trái phép (Nguồn: Đức – Tấn)

Nhận thấy sự có mặt của ngành chức năng, tài xế xe tải vội đổ hết đất trên thùng xuống ruộng rồi cùng với máy xúc rời khỏi hiện trường nhưng đã bị công an xã giữ lại.

Qua xác minh, 2 người điều khiển máy xúc và ô tô tải là: N.D.C (SN 1991) và T.V.H (SN 1972), cùng trú ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình.

Hiện, Công an xã Cẩm Bình đang tạm giữ 2 phương tiện để tiếp tục hoàn tất hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Xử phạt mạnh tay đối với doanh nghiệp mắc sai phạm?

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Đại Ngọc (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) 70 triệu đồng, do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là “Mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”; 90 triệu đồng do khai thác khoáng sản là đất làm vật liệu xây dựng thông thường dùng để san lấp mặt bằng mà “không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Đồng thời, Công ty TNHH MTV Đại Ngọc bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định là tịch thu giá trị bằng tiền đối với 20.835,8m3 đất san lấp đã khai thác trái phép với số tiền hơn 439,8 triệu đồng.

2 chủ trang trại bị phạt là ông Nguyễn Tất Phước và bà Nguyễn Thị Tuyết (cùng trú tại thị xã Hương Thủy) với số tiền là 45 triệu đồng/trường hợp, do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khai thác khoáng sản là đất làm vật liệu xây dựng thông thường dùng để san lấp mặt bằng “không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” có khối lượng từ 50m3 trở lên.

 

khai-thác-đất-tại-thừa-thiên-huế.jpg
Khai thác đất tại Thừa Thiên - Huế (Nguồn: VĂN THẮNG)

Ngoài ra, ông Phước bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu giá trị bằng tiền đối với 6.463,7m3 đất san lấp đã khai thác trái phép với số tiền hơn 136,4 triệu đồng. Bà Tuyết bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu giá trị bằng tiền đối với 21.345,4m3 đất san lấp đã khai thác trái phép với số tiền hơn 450,6 triệu đồng.

Quyết định xử phạt cũng buộc Công ty TNHH MTV Đại Ngọc, ông Nguyễn Tất Phước, bà Nguyễn Thị Tuyết thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn.

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top