Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  

Nhiều chính sách đột phá, Sóc Trăng tăng tốc vươn lên

Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2023 | 10:32

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025), Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...

Dấu ấn nửa nhiệm kỳ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: Trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng luôn thực hiện nhất quán phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; từ đó, từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,76%/năm, đạt 72% chỉ tiêu Nghị quyết. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước tính đến cuối năm 2023 đạt 60,3 triệu đồng/người/năm, đạt 80,4% chỉ tiêu Nghị quyết. Cơ cấu GRDP (theo giá hiện hành) ước tính đến cuối năm 2023, khu vực I là 42,5%, khu vực II là 16,29%, khu vực III là 38,14%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 3,07%, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm của Sóc Trăng.

Tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao ước tính đến cuối năm 2023 là 92,13%, vượt 15,16% chỉ tiêu Nghị quyết. Sản lượng thuỷ, hải sản ước tính đến cuối năm 2023 đạt 362.000 tấn, đạt 86,81% chỉ tiêu Nghị quyết. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản ước tính đến cuối năm 2023 đạt 238,6 triệu đồng/ha, đạt 95,44% chỉ tiêu Nghị quyết.

Luỹ kế đến cuối năm 2023, Sóc Trăng có 70 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 97,11% chỉ tiêu Nghị quyết; có 5 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,3% chỉ tiêu Nghị quyết. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính đến cuối năm 2023 là 12%, đạt 57,14% chỉ tiêu Nghị quyết. Giá trị xuất khẩu hàng hoá ước tính đến cuối năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, vượt 25% chỉ tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách Nhà nước trong cân đối ước tính đến cuối năm 2023 đạt 4.420 tỷ đồng, đạt 68% chỉ tiêu Nghị quyết.

Đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 90,5%, đạt 97,31% chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 99,65% (vượt 0,66% chỉ tiêu Nghị quyết).

Nói về thực hiện 3 đột phá và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Về phát triển nguồn nhân lực, đến nay, toàn tỉnh có 3.878 cán bộ, công chức (1.747 cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện; 2.131 cán bộ, công chức cấp xã) và 22.230 viên chức; trong đó, có 22 tiến sĩ, 1.103 thạc sĩ, 73 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 337 bác sĩ chuyên khoa cấp I; hơn 150 cán bộ, công chức, viên chức đang học sau đại học; có 99% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo quy định; 99,1% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định.

Về cải cách hành chính, qua 3 năm, giá trị trung bình Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh đạt 85,29%, Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt 86,03%; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công đạt 40,79 điểm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt 63,11 điểm; Chỉ số chuyển đổi số đạt 0,27.. 

Về công tác Chuyển đổi số, tỉnh đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm phục vụ Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Sóc Trăng (Trung tâm IOC) để đẩy nhanh việc thu thập, tích hợp dữ liệu, khai thác tạo ra giá trị mới phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Hệ thống mạng truyền số liệu dùng chung của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối cho 100% các sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới. Thành lập 775 tổ công nghệ số cộng đồng trên 775 khóm, ấp.

Về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng, công tác đầu tư xây dựng cơ bản luôn được quan tâm đầu tư và chỉ đạo thực hiện. Tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao là 23.972 tỷ đồng; trong đó, đã bố trí sử dụng trong các năm 2021, 2022 và năm 2023 là 15.757 tỷ đồng. Tập trung đầu tư ở một số lĩnh vực quan trọng, như: Giao thông (52,88%); nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và thuỷ sản (14,11%); giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (10,46%); y tế, dân số và gia đình (3,93%).

Về Kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 87,5% tổng số xã, tăng 25% xã so với năm 2020; trong đó, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 5 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phát triển các sản phẩm thế mạnh

Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục là thế mạnh của Sóc Trăng, nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả đã được tỉnh nhân rộng. Tổng sản lượng thuỷ hải sản năm 2023 ước đạt 362.000 tấn, tăng 11,6% so với năm 2020, đạt 86,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sau hơn 3 năm triển khai đã có nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là Gạo ST25. Đến nay, toàn tỉnh có 189 sản phẩm được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm hạng 3 sao của 102 chủ thể (20 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 62 hộ kinh doanh).

Một góc cánh đồng lúa ST25 ở Sóc Trăng.

Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu gắn xây dựng nông thôn mới và nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; xây dựng, triển khai các đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Sản lượng lúa hằng năm đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 90%. Cây ăn trái tiếp tục phát triển với diện tích 29.000ha, xây dựng và phát triển 94 mã số vùng trồng trên cây ăn trái với diện tích 584ha; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ 4.390 tấn trái cây. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 13,9% năm 2020 lên 20,6% vào năm 2023.

“Kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ là tiền đề, động lực để Đảng bộ và Nhân dân Sóc Trăng phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển, tiềm lực kinh tế ngày càng tăng, còn dư địa lớn để phát triển các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng, hạ tầng thương mại. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các dự án trọng điểm của vùng được triển khai, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lâm Văn Mẫn chia sẻ.

Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Nói về nhiệm vụ và giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ của Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh: Tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động và có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Trần Đề. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục, thu hút nhà đầu tư triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Hậu, Đại Ngãi, Mỹ Thanh và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Khẩn trương hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp: Xây Đá B, Xây Đá B mới, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2, Ngã Năm...; thu hút kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Long Đức 1, Long Đức 2 và một số cụm công nghiệp có tiềm năng. Tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời,…).

Quan tâm phát triển dịch vụ logistic nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư khai thác, chế biến, xuất khẩu nguồn nông sản dồi dào của tỉnh.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tăng cường công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá lớn, nhằm thúc đẩy chuyển dịch sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mạnh mẽ phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”; thường xuyên cập nhật và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Triển khai du lịch nông nghiệp trên nền tảng lợi thế ngành du lịch của tỉnh.

Mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng.

Tập trung vào các đột phá

Theo ông Lâm Văn Mẫn, để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, Sóc Trăng sẽ tập trung vào các đột phá sau: Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi trọng điểm có tính chất liên huyện, liên vùng; khẩn trương xúc tiến các thủ tục để kêu gọi đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistic, khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số.

Đối với lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, Sóc Trăng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức theo hướng ngành hàng chủ lực thuỷ sản, lúa đặc sản và cây ăn trái. Tiếp tục xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với liên kết tiêu thụ. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm từng bước đưa sản phẩm nông sản lên các kênh xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử. 

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tăng cường công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá lớn, nhằm thúc đẩy chuyển dịch sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mạnh mẽ phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”; thường xuyên cập nhật và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Triển khai du lịch nông nghiệp trên nền tảng lợi thế ngành du lịch của tỉnh.

Tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển để phát triển tổng hợp kinh tế biển; tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn với phát triển kinh tế biển.

Đồng thời, Sóc Trăng cũng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc của các Luật để đa dạng hoá, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương); trong đó, cho phép chính quyền cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các công trình giao thông thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương qua địa bàn của tỉnh hoặc đầu tư công trình giao thông qua phạm vi địa bàn hành chính của 2 tỉnh, thành phố và ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác (nhất là các tuyến cao tốc, Quốc lộ đang triển khai bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giao các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần).

Kiến nghị Chính phủ tăng hạn mức diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa đối với thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương thực hiện trên cơ sở định hướng của các đồ án quy hoạch được phê duyệt.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Sóc Trăng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc phát triển; quán triệt tốt về tư tưởng, quyết tâm, hành động để khơi dậy hết tiềm năng lợi thế của tỉnh với những thế mạnh sẵn có để vươn xa hơn nữa.

Sóc Trăng có những sản phẩm ấn tượng như gạo ST24, ST25 nổi tiếng thế giới, thủy sản nuôi công nghệ cao, điện gió. Tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được chấp thuận chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề tạo động lực phát triển cho tỉnh cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

 

Cao Xuân Lương

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top