Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  

Triển khai Nghị Quyết liên tịch giữa Bộ NN-PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam: Các cấp Hội cần chủ động

Thứ năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 | 11:45

Mới đây, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (HLVVN) Lê Quốc Doanh ký văn bản gửi các Hội thành viên, các Hội viên tổ chức, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT- BNNPTNT-HLV ngày 9/10/2023 giữa Bộ Nông nghiệp - PTNT và HLVVN về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ và Hội giai đoạn 2023-2030

Một số cán bộ Hội cho rằng, Nghị quyết sẽ giúp hội viên định hình lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững. Tuy nhiên, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, có chiều sâu, thực chất, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững

Nghị quyết liên tịch được ký kết nhằm tăng cường phối hợp trong quá trình tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp - PTNT và HLVVN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT), công nghệ mới; hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình làm vườn và VAC (vườn, ao, chuồng) tiên tiến có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,  góp phần phát triển nghề làm vườn, cũng như phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Chủ tịch HLV Việt Nam Lê Quốc Doanh trong chuyến thăm và làm việc với HLV Nghệ An.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi phối hợp, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh các hoạt động liên quan, tập trung vào một số nội dung như: tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân điền hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Từ đó nghiên cứu và tổng kết, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biệt là những mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng một số mô hình khuyến nông sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng TBKT, công nghệ tiên tiến, giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình vườn mẫu…

Đánh giá về Nghị quyết liên tịch số 06, Chủ tịch HLV tỉnh Nghệ An Nguyễn Thế Thắng cho biết, Nghị quyết là cơ sở, là tiền đề để tăng cường sức mạnh giữa đơn vị quản lý Nhà nước và đơn vị thực hiện chuyên môn liên quan, vì mục đích chung là phát triển kinh tế VAC từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

“Khi cả nước đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền kinh tế số, nông nghiệp số 4.0, thì việc áp dụng TBKT, công nghệ vào sản xuất  mô hình  VAC cũng cần đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Trong quá trình thực hiện, sự phối hợp kết nối giữa hai bên là đi đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó sẽ phối hợp triển khai, áp dụng mô hình mới  có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, sản phẩm chất lượng hơn, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chung quan điểm, Phó trưởng chi nhánh phía Nam - HLVVN Nguyễn Văn Mười chia sẻ, việc Hội ký Nghị quyết liên tịch với Bộ Nông nghiệp - PTNT thể hiện sự quan tâm của Bộ đối với phong trào phát triển kinh tế VAC. Căn cứ vào một số nội dung chi tiết trong Nghị quyết có thể thấy, tới đây, các đơn vị trực thuộc của Hội cũng như là các cục, vụ, viện của Bộ sẽ tiếp tục có những hoạt động phối hợp trực tiếp, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

“Điển hình như hai bên sẽ phối kết hợp, tham gia đào tạo nghề cho nông dân; đặc biệt là đào tạo nghề tại chỗ; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tăng cường phối hợp xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại và kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế vườn và kinh tế VAC như hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, câu lạc bộ trang trại... Từ đó, Nghị quyết liên tịch này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoạt động của ngành Nông nghiệp nói chung, kinh tế VAC nói riêng trong thời gian tới”, ông Mười nói.

Theo bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, sẽ giúp cho HLV các tỉnh, thành phố phát triển về số lượng (hội viên), nâng cao chất lượng mô hình VAC gắn với   phong trào xây dựng nông thôn mới. Khi đó, HLV sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Việc HLVVN ký Nghị quyết liên tịch với Bộ Nông nghiệp - PTNT là hướng đi đúng đắn giúp hội viên định hình lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống, có chiều sâu, thực chất, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Theo ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch HLV Nghệ An, thời gian tới, HLVVN cần tăng cường hoạt động và gắn kết giữa HLVVN với HLV các địa phương, với hội viên; giữa Hội với doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại và kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế vườn và kinh tế VAC như hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, câu lạc bộ trang trại... Đặc biệt, thường xuyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp - PTNT, qua đó ban hành một số chính sách, văn bản hướng dẫn đến người sản xuất nông nghiệp.

“Đơn cử, nên có văn bản hướng dẫn về cách khai thác du lịch canh nông, xây dựng mô hình nông nghiệp để khai thác du lịch tham quan, trải nghiệm, quảng bá và tiêu thụ tại chỗ. Đưa tiêu chí xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu vào trong xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, khi xét xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phải có 3 vườn chuẩn được công nhận; khi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phải có 5 vườn chuẩn được công nhận. Từ đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao vai trò, ví trí của Hội và nghề vườn được quan tâm nhiều hơn”, ông Thắng cho hay.

Để tăng cường tính gắn kết, bà Đào Thị Dung cho rằng, HLVVN cần xây dựng mô hình tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố để lấy đó làm điểm giúp nông dân tiếp cận một cách nhanh nhất đối với các chính sách, đường lối mà Bộ ban hành. Ví dụ như chuyển giao TBKT về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, nâng cao kiến thức và năng lực tổ chức sản xuất, hợp tác công nghệ mới và đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh cho cán bộ, hội viên.

Ở góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Văn Mười cho rằng, HLVVN cần bắt tay vào công tác củng cố tổ chức. Đặc biệt, phải nắm được đầy đủ thông tin về đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, khả năng đầu tư và hướng chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở từng vùng khác nhau. Từ đó, bám vào kế hoạch của Bộ Nông nghiệp - PTNT  để có định hướng phát triển mô hình kinh tế VAC cho phù hợp.

“Trong quá trình hoạt động, HLVVN cần quan tâm, lắng nghe ý kiến từ các cấp Hội thành viên. Cụ thể,  những phản biện, đóng góp trong việc điều chỉnh, quy hoạch...,  qua đó đưa ra kiến nghị kịp thời để Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch phối hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hội viên, nông dân”, ông Mười nhấn mạnh.

 

Thanh Xuân

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top