Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  

Kinh tế tuần hoàn - Biến phụ phẩm thành tài nguyên: Cách làm của Đồng Tháp

Thứ sáu, ngày 23 tháng 2 năm 2024 | 9:12

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Kinh tế tuần hoàn cũng chính là chìa khóa để giải bài toán làm thế nào sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, ít nguyên vật liệu nhất nhưng lại sản xuất ra nhiều sản phẩm nhất, đồng thời lại là các sản phẩm thân thiện môi trường.

Đại hội XIII của Đảng xác định “Kinh tế tuần hoàn” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả xấu về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vì vậy, kinh tế tuần hoàn được xem là chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài.

Nghị quyết số 13- NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: “Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm....”.

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 3.374 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 77%, là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước, với sản lượng lương thực bình quân đạt hơn 03 triệu tấn/năm. Lượng phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản khá lớn, ước tính trên 05 triệu tấn/năm phụ phẩm nông nghiệp và 19 triệu tấn bùn thải ao nuôi cá tra, trong đó, phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo ước trên 04 triệu tấn, rau màu 389 nghìn tấn, cây ăn trái 277 nghìn tấn, chế biến cá tra 151 nghìn tấn.

Hiện tại, phụ phẩm từ trồng trọt đang được xử lý bằng cách đốt tại ruộng (45,9%), làm thức ăn gia súc (29,0%), ủ phân (5%); phụ phẩm từ chế biến thủy sản được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích (dầu cá, bột cá, phân hữu cơ,…) đạt khoảng 90%. Qua số liệu trên cho thấy, tỷ lệ phụ phẩm từ trồng trọt chưa được tái sử dụng còn khá lớn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Kế hoạch Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, nhằm giúp khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, nhằm tạo giá trị gia tăng; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các-bon.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực nông nghiệp, khái niệm kinh tế tuần hoàn được hiểu là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

 

* Mô hình thu chất thải phụ phẩm cá tra làm phân bón của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn

Công ty Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp hàng đầu về chế biến, xuất khẩu cá tra; có quy trình nuôi trồng – sản xuất cá tra khép kín, có thể kiểm soát từ khâu giống – nuôi trồng – thu hoạch – chế biến – sản xuất – tiếp thị – bán hàng.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, Vĩnh Hoàn không bỏ bất cứ bộ phần nào của con cá tra, điển hình như: Da – mỡ – nội tạng cá, những thứ được xem là phế phẩm như trước đây. Ngoài sản phẩm fillet cá, Vĩnh Hoàn đã tận dụng từ phụ phẩm của cá tra. Những năm qua, doanh nghiệp đã sản xuất thành công những sản phẩm giá trị gia tăng như các sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm (collagen – gelatin), thực phẩm dinh dưỡng (da cá chiên giòn, bong bóng và bao tử cá đông lạnh) v.v. cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Những phần phụ phẩm khác như: Đầu, ruột, xương, đuôi cá được sử dụng làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi hoặc được chế biến để thành phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng.

Việc tận dụng phụ phẩm chế biến từ cá tra có thể gia tăng 15 - 25% giá trị cho toàn bộ chuỗi ngành hàng. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp đã biến được chất thải thành tài nguyên: Nước thải của vùng nuôi cá có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh; cá chết và một phần bùn thải, chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản được xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây trồng; bao bì thải ra được làm nguyên liệu cho nhà máy xử lý chất thải – sản xuất phân bón.

Bên cạnh nhà máy chế biến cá tra, Vĩnh Hoàn còn xây dựng nhà máy sản xuất collagen và gelatin, nhà máy thức ăn thủy sản công suất 350.000 tấn/năm và Công ty Mai Thiên Thanh chuyên sản xuất phân bón hữu cơ để phục vụ cho các loại cây trồng.

 

* Mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt

Đây là mô hình khởi nghiệp của anh Võ Duy Khánh - Công ty TNHH Công Nghệ ENDOTA, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, từng đạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2020. Nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt là quy trình chế biến phụ phẩm xoài theo vòng tuần hoàn từ chế biến, nuôi trồng mang lại hiệu quả cao.

Mô hình có quy mô khoảng 5.000 m2, tận dụng một số phế phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu là phụ, phế phẩm ngành hàng xoài (Vỏ, cùi, trái xoài) để nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn cho vịt, gà hoặc chế biến thành các chế phẩm sinh học dịch thủy phân cung cấp dinh dưỡng cho trồng trọt, thủy sản.

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình bước đầu còn góp phần tích cực xử lý môi trường, nhất là phụ phẩm từ xoài, rau, củ quả khác; trong quá trình xử lý phân hủy nó không gây ra mùi hôi hoặc là các tác dụng phụ như hiệu ứng nhà kính, nước thải, đặc biệt tiết kiệm chi phí trong xử lý rác thải so với cách xử lý rác thải khác.

 

 * Mô hình tái chế vỏ trấu của Công ty TNHH MTV Mai Anh Đồng Tháp (huyện Cao Lãnh)

Việc tái chế vỏ trấu thành nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao (Gỗ ép viên, trấu viên, than sinh học, phân sinh học Biochar) giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo.

Đối với trấu viên: Vỏ trấu sau khi đưa vào bồn chứa được xay nhuyễn, sấy qua hệ thống lọc bụi được chuyển đến máy nén áp suất cao. Trấu được nén thành viên tiếp tục được cho vào hệ thống làm lạnh để tạo thành các viên nén rắn chắc và được đóng gói đưa vào sử dụng. Công dụng của trấu viên dùng để lót chuồng trại thú nuôi, trang trại; làm nhiên liệu đốt thay thế than củi, than đá, khí đốt, v.v.

Đối với than sinh học: Vỏ trấu, rơm rạ thông qua phương pháp đốt trong môi trường yếm khí giúp hạn chế tối đa việc thải khí CO và CO2 ra môi trường, đồng thời vẫn giữ nguyên các chất dinh dưỡng có trong phế phẩm nông nghiệp.

Sản phẩm giúp cải thiện độ tơi xốp của đất, làm cho đất thông thoáng khí, tăng khả năng hô hấp của vi sinh vật và rễ cây trồng; tăng cường khả năng giữ ẩm của đất, giúp tiết kiệm nước và giúp cây trồng chống hạn trong mùa khô; cung cấp nguồn hữu cơ cho đất, tăng cường khả năng giữ và trao đối chất dinh dưỡng giữa đất với cây trồng; cung cấp một môi trường sống an toàn cho cây và các vi sinh vật có lợi trong đất, v.v.

 

* Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ ấu

Mô hình được anh Nguyễn Trường An thực hiện từ năm 2020 tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò nhằm mục đích tận dụng phần vỏ ấu phế phẩm để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, góp phần tăng thêm thu nhập từ trồng ấu, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị vỏ củ ấu của huyện Lấp Vò.

Hằng tháng, khoảng 30 tấn vỏ ấu được thu gom từ các cơ sở chế biến để ủ thành phân hữu cơ vi sinh với thành phần dinh dưỡng thành phẩm qua kiểm tra đạt mức trung bình khá.

Hiện nay, anh Nguyễn Trường An chế biến ra 02 dòng sản phẩm phân bón dạng bột và dạng viên, bán theo túi 2 kg và bao 25 kg. Dạng viên nén thường được nhà vườn ưa thích bởi sử dụng tốt cho hoa kiểng, cây ăn trái.Với nhà xưởng rộng 200m2 để sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã mang lại doanh thu gâng 250 triệu đồng/năm. Thời gian tới, anh Nguyễn Trường An sẽ đầu tư mở rộng sản xuất để nâng sản lượng lên 100 tấn/tháng.

 

 

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc

Mô hình thực hiện liên tục 06 vụ/ 02 năm tại Hợp tác xã Phú Thọ, ấp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, với quy mô 10 ha. Kết quả ghi nhận trong vụ hè thu 2022 như sau:

Rơm sau khi thu hoạch lúa được thu gom phục vụ sản xuất nấm rơm, sau khi kết thúc vụ nấm thì rơm lại được thu gom để sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng. Mô hình mang lại hiệu quả nhờ tận dụng được tối đa lợi ích của rơm rạ cho sản xuất nấm và lợi nhuận từ phân bón hữu cơ giá rẻ (Ước tính giá thành sản xuất phân bón hữu cơ chỉ từ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg).

Kết quả phân tích đất, nước trước khi thực hiện mô hình cho thấy vùng sản xuất lúa hữu cơ đảm bảo được các yêu cầu theo quy định; đồng thời, kết quả phân tích 02 mẫu lúa trong mô hình đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Về hiệu quả kinh tế: Mô hình cho lợi nhuận từ sản xuất lúa trung bình đạt 18 triệu đồng/ha, cao hơn 03 triệu đồng/ha so với tập quán nông dân.

Mô hình tạo tiền đề tích cực để từng bước tiến đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất, cộng đồng xung quanh, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đồng thời giúp cải tạo hệ sinh thái trong môi trường sản xuất, giúp cho đất đai tơi xốp, tăng độ mùn, kích thích hệ sinh thái phát triển.

 

 

* Mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”

Mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” nhằm giúp hội viên nông dân và nhân dân tái sử dụng rác sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ; góp phần tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại xã điểm An Nhơn, có 32 hội viên nông dân tham gia mô hình điểm áp dụng việc chuyển giao công nghệ sinh học, đặc biệt là giải pháp IMO và sử dụng vi sinh vật bản địa có lợi tại khu vườn của mình với diện tích là 23.320m2.

Nguyên liệu để nông dân tự làm men IMO, làm phân thuốc trừ sâu rầy từ những nguyên liệu quen thuộc với con người như: Men tiêu hóa probio, sữa chua, đường, men rượu, nước, trái cây ngọt như chuối, mít v.v. được chuyên gia Hoàng Sơn Công tập huấn, hướng dẫn cho nông dân thực hành, dễ làm, dễ hiểu.

Sản phẩm từ chế phẩm sinh học được sử dụng hiệu quả về kinh tế, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và giải quyết ô nhiểm môi trường. Bên cạnh đó còn giúp xử lý mùi hôi của nhà vệ sinh trong trường học. Nhìn chung, khi thực hiện giải pháp men vi sinh IMO, chi phí đầu vào giảm, giá thành trên 01 sản phẩm so với sản xuất áp dụng phân bón hoá học trước đây, mang lại lợi nhuận cao hơn.

 

 

* Làm phân vi sinh từ lục bình tại huyện Cao Lãnh

Mô hình được nông dân xã Bình Thạnh và thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) thực hiện và thành lập các Tổ liên kết sản xuất phân vi sinh lục bình.

Cây lục bình được lấy từ các kênh rạch, xay nhuyễn, sau đó cho lục bình đã xay lên mặt ni lông khoảng 20 - 25 cm, rồi tưới đều dung dịch chế phẩm sinh học lên cho ướt, đậy kín khoảng 01 tuần để các vi sinh vật phát triển, phân hủy hết lục bình thành bùn. Tùy vào các loại chế phẩm được sử dụng, sau 01 đến 02 tháng, đống ủ hết nóng, phân hoai mục hoàn toàn thì có thể bón cho cây trồng.

Phân hữu cơ từ lục bình có tác dụng phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng. Trong phân hữu cơ từ lục bình có chứa lượng lớn vi sinh vật có ích và chi phí rẻ hơn phân bón hóa học và hữu cơ hiện có rất nhiều lần.

 

* Nuôi thuỷ sản kết hợp trồng rau thuỷ canh (Aquaponics)

Đây là những mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra nông sản sạch, an toàn, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, do anh Nguyễn Tiến Thành - Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA (huyện Lấp Vò) thực hiện.

Mô hình Aquaponics tại Công ty Nông sản Đồng Tháp AQUA là sự kết hợp giữa nuôi thuỷ sản (cá) và trồng rau thuỷ canh trong hệ thống nhà kính. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, mô hình này sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hỏa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi nó bị mất do bay hơi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ lồng ghép nội dung kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình sản xuất hữu cơ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, giảm sử dụng các vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học, trong đó, tận dụng tối đa chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác nhằm giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sinh thái thông qua phát triển đội ngũ giảng viên TOT.

Phối hợp với viện, trường và các đơn vị liên quan trong chuyển giao công nghệ: Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nông nghiệp, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm giá trị gia tăng.

Tham mưu tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách hiện có như: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ, Thông tư số 75 /2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính, Nghị quyết 43/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, phát triển công nghiệp tái chế, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Năm mới 2024, kinh tế tuần hoàn là một trong 04 nội dung của slogan về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện trách nhiệm của địa phương trong giải quyết những thách thức do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân.

 

Nội dung: Nguyệt Ánh; Đồ họa: Thanh Toàn

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top