Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  

Cơ hội "vàng" cho cà phê Việt Nam

Thứ ba, ngày 5 tháng 3 năm 2024 | 15:0

Thời gian gần đây, giá cà phê trong nước liên tục lập đỉnh. Những ngày đầu tháng 3, tại Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá 86.000 đồng/kg. Đây cũng là cơ hội để người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm 2024 của tỉnh này đạt 45.000 tấn, trị giá 115 triệu USD, tăng 7,14% về lượng và tăng 17,35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những điểm sáng của thị trường cà phê đầu năm 2024 là có sự bứt phá về giá. Giá xuất khẩu bình quân của cà phê trong tháng 1 đạt 3.050 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, từ tháng 2 đến nay, giá cà phê liên tục tăng mạnh và đã cao gấp đôi so với 1 năm trước.

Ngày 29/2, khi thị trường thế giới đảo chiều tăng giá thì giá cà phê Việt Nam ở Tây nguyên tăng tới 1.600 - 1.800 đồng/kg. Cao nhất là Đắk Nông lên tới 84.100 đồng/kg, kế đó là Đắk Lắk 84.000 đồng/kg, thấp hơn một chút là Gia Lai 83.800 đồng/kg và Lâm Đồng 83.500 đồng/kg.

Đầu tháng 3, giá cà phê trong nước tiếp tục tăng và lập đỉnh giá mới, mức tăng khoảng 500 - 600 đồng/kg. Giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 85.700 đồng/kg; giá thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá khá cao với 85.700 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 86.000 đồng/kg; giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng thu mua với giá 85.100 đồng/kg.

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng hai, cả nước xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/02, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,8%. Theo đó, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê trong nước tăng mạnh.

Giá cà phê Robusta trên sàn London ngày 4/3/2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê bất ngờ vượt qua thủy sản khi đạt 1,38 tỷ USD và là lần đầu tiên trong lịch sử cà phê vượt qua thủy sản, vươn lên đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ.

Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Indonesia…Trong đó, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất với 87.700 tấn, kim ngạch đạt hơn 263 triệu USD.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, năm 2024 xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay, giá cà phê đang tăng mạnh, nên dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. VICOFA dự kiến xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỉ USD trong năm 2024.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,62 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 4,24 tỷ USD, dù giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về kim ngạch so với năm 2022.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, cà phê Robusta thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam - nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Các thương nhân Việt Nam vẫn đang giữ lại hạt cà phê với kỳ vọng giá cao hơn.

 

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho rằng, do nguồn cung trên thị trường đang thiếu nên gần như Việt Nam đang “một mình một chợ”. Cùng với đó, việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino thường gây mưa lớn ở Brazil và hạn hán ở Ấn Độ, tác động tiêu cực đến sản lượng cà phê. Nhiều nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10-15%.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,38 tỷ USD.

Báo cáo mới nhất của ICO cho biết, lượng tồn kho Robusta tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục ở 19.600 tấn, thấp trong 10 năm qua. Ngược lại, tại Tây nguyên, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng giá để gom hàng trả nợ hợp đồng. Đó là lý do giá cà phê Tây Nguyên vẫn tăng bất chấp giá thế giới giảm.

Không chỉ các thị trường Âu - Mỹ mà ngay cả Trung Quốc cũng đang tăng nhập khẩu cà phê. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 3 của Brazil, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Với xu hướng sử dụng cà phê ngày càng phổ biến tại Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới ngày càng tăng.

 

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch hiệp Hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, giá cà phê tăng giúp đời sống của người sản xuất được tăng lên. Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác. Hoặc nếu chạy theo những cây trồng khác thì vẫn giữ cây cà phê.

Đó là yếu tố rất quan trọng để duy trì tính bền vững của ngành hàng. Nếu người nông dân không mặn mà với cây cà phê thì ngành hàng cà phê ngày càng suy giảm theo hướng xấu đi.

Giá cà phê tăng cao, đấy là mặt tích cực. Tuy nhiên, mặt ảnh hưởng thì có mấy vấn đề lớn: Kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Và ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất, nghĩa là người ta nhận thấy rằng, không làm cà phê chất lượng cao thì vẫn có giá tốt.

Ông Minh cho biết thêm, để duy trì được chất lượng, sản lượng và giữ vững tính bền vững của ngành hàng cà phê, cần có chính sách, đầu tư thích đáng để cho mối liên kết giữa người sản xuất - nhà rang xay - nhà thương mại bền vững, thực chất và giờ ngành cà phê đặc sản đang đi theo hướng đó.

Giá tăng cao, tạo thêm niềm tin, động lực cho người trồng cà phê.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, ngành cà phê thế giới đã qua rồi thời kỳ cà phê giá rẻ. Giờ việc tăng giá như vậy là lẽ công bằng thì người nông dân mới ở lại được với cây cà phê, người ta mới sống thịnh vượng được. Có lẽ sau đợt này, chuyện cà phê giá rẻ sẽ không còn nữa. Cũng có thể lên xuống nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa rồi. Và giải pháp quan trọng nhất là quảng bá, xúc tiến thương mại ở thị trường thật tốt để người tiêu dùng biết đến câu chuyện cà phê của mình", ông Minh nói.

 

Dù đang bán với giá cao, thế nhưng, để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, ngành Nông nghiệp và các địa phương ở Tây Nguyên cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc tốt vườn cây, không ồ ạt mở rộng diện tích, mà thay vào đó là chú trọng canh tác  theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tập trung đầu tư chế biến sâu để nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm và thu nhập cho người trồng cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này.

Ở một diễn biến khác, việc Liên minh châu Âu siết chặt kiểm soát nguồn gốc cà phê, sản lượng cà phê tiếp tục giảm trong niên vụ 2023 - 2024, các doanh nghiệp Việt đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh. Thay vì chạy theo sản lượng thì giờ nhà sản xuất tập trung vào việc nâng cao chất lượng, qua đó gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phê trong năm 2024.

Ngay từ đầu niên vụ 2023-2024, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng, chứng chỉ các-bon của Liên minh châu Âu… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra, đồng thời, tận dụng tốt cơ hội về giá trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu để phát triển cà phê bền vững.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cho biết, Công ty đánh giá tình hình thiếu hụt và mất mùa cà phê từ nông dân nên đã lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo sản lượng niên vụ này và giữ chặt mối liên hệ hợp tác xã - nông dân liên kết để đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu đối tác cho thị trường.

Giữa khó khăn thiếu hụt nguồn cung cà phê trên thị trường,  các doanh nghiệp xuất khẩu lại nhìn thấy cơ hội lớn trong việc nâng cao giá trị, nhất là các thị trường châu Âu, châu Á đang gia tăng nhập khẩu cà phê Robusta của Việt Nam. Cà phê Việt ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Xuất khẩu cà phê hướng đến mốc 5 tỷ USD.

Không chỉ bà con nông dân được hưởng lợi, thu về thành quả cao trong sản xuất, mà sự gia tăng về giá trị cho thấy sự khởi sắc của ngành hàng tỷ đô này. Đây sẽ là động lực để nông dân cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết nâng cao hơn nữa chất lượng, thương hiệu cà phê Việt, cán mốc kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm 2024.

 

Nội dung: Hoàng Văn; đồ họa: Phạm Trường

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top