Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2024 | 15:20

Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Biến đất cằn nở hoa

Gần 15 năm trước, Dự án Làng TNLN A Lưới (xã Hương Phong) được Trung ương Đoàn TNCS HCM phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng, quy hoạch trên 40ha đất. Làng được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông, điện, nước sinh hoạt, đập thủy lợi...

Dự án đã kêu gọi, thu hút nhiều gia đình trẻ đến với vùng đất mới. Với sức trẻ, trí tuệ và nghị lực, sẵn sàng thử thách với mọi gian khó, những chàng trai, cô gái từ nhiều vùng quê đã đem nhiệt huyết tuổi trẻ, với quyết tâm lập làng, lập nghiệp trên vùng đất biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vùng đất cằn cỗi ở Làng TNLN A Lưới giờ đây đã được phủ xanh bằng các mô hình sản xuất của thanh niên.

Sinh ra và lớn lên ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động, cuộc sống vợ chồng anh Trần Quốc Linh cũng chẳng khá khấm hơn được bao nhiêu. Sau khi biết thông tin về Làng TNLN A Lưới, anh chị liền đăng ký, quyết đi khai phá vùng đất mới.

“Ngày đầu mới lên, nhìn cảnh rừng hoang vu cằn cỗi, tôi cũng ngán lắm, nhưng vợ chồng đã xác định, chỉ còn cách phải tiến lên thôi. Vậy là, vợ chồng em lao vào làm ngày làm đêm. Giờ nhìn lại cũng không hiểu vì sao lúc ấy mình khỏe thế....”, anh Linh tâm sự.

Hơn 14 năm gắn bó ở mảnh đất mới, giờ đây, vợ chồng anh Linh xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Anh chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và kinh tế gia đình ổn định, con cái được ăn học tới nơi tới chốn.

Anh Hiếu quê ở A Lưới, chị Điệp quê ở Nghệ An, họ là những trí thức trẻ tình nguyện quen nhau, rồi nên vợ, thành chồng. Trong ngôi nhà khang trang, chị Điệp tự hào: “Căn nhà này, do một tay chồng chị xây nên, nhờ rứa mà đỡ tốn kém bao nhiêu”. Hiện nay, cuộc sống của gia đình anh chị đã ổn định hơn nhờ trồng trọt, chăn nuôi và mở cửa hàng tạp hóa, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ bà con địa phương. Những ngày khó nhọc đã qua đi, hạnh phúc đang mỉm cười với họ.

Hay như anh Trần Văn Nam chuyển từ xã Hồng Thượng lên Làng TNLN A Lưới từ năm 2011. Ban đầu mới đến làng, gia đình được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, 5 triệu mua giống vật nuôi, 2ha đất rừng sản xuất cùng 2.000m2 đất ở và đất vườn. Với số tiền dành dụm tích góp, vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà khang trang để an cư lạc nghiệp và quyết tâm xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình bằng kinh nghiệm vốn có của con nhà nông.

Những thanh niên lên vùng đất mới lập nghiệp phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, phải tự thân vận động. Ban đầu đều thiếu vốn sản xuất và kinh nghiệm làm ăn. Tuy nhiên với ý chí và sức trẻ họ đã biến vùng đất cằn cỗi thành những khu vườn, rừng xanh ngát.

Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Làng TNLN biên giới A Lưới đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Làng đã khoác lên mình một diện mạo mới; giữa màu xanh bạt ngàn của rừng keo, cao su là những công trình xây dựng kiên cố như điểm trường, trạm y tế, điện lưới, nhà cộng đồng…. Nhà cửa của các hộ gia đình cũng được xây dựng khang trang, các gia đình đều sắm sửa rất đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, máy giặt... Nơi vùng đất cằn cỗi xưa kia ngày càng nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, với nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đường giao thông được bê tông hóa hoàn toàn, thuận tiện việc đi lại và phục vụ sản xuất của người dân.

Với 7ha cây keo đang thời kỳ khai thác, vườn cây ăn quả cùng với công việc tài xế xe tải, thu nhập bình quân của gia đình anh Trần Văn Nam giờ đây đạt khoảng 20-30 triệu đồng/tháng, trở thành hộ có “của ăn của để” ở làng.

“Từ những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, các hộ gia đình cũng đã động viên nhau chịu khó tăng gia sản xuất. Nên sản xuất nông nghiệp ở làng mới cũng đa dạng, phong phú với nhiều cây - con hơn và cuộc sống nhiều nhà cũng ngày càng khá hơn. Dù vẫn còn đó những khó khăn nhất định, nhưng điều quan trọng là những thanh niên của làng đều cùng chung một chí hướng: Quyết tâm làm giàu quê hương mới, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương”, anh Nam hồ hởi chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hải Thúy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho biết: Thời gian qua, các hộ dân ở Làng TNLN đã được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.  Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp để các hộ dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới. Trong đó, huyện A Lưới hỗ trợ mô hình trồng chuối 7 triệu đồng/ha; trồng cây cao su được hỗ trợ 50% tiền cây giống và 100% tiền phân bón lót, thuốc bảo vệ thực vật ban đầu..

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thị Hải Thúy cho biết, ở LTNLN A Lưới vẫn có nhiều hộ còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu đất sản xuất, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Mong rằng, chính quyền các cấp và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để bà con xây dựng cuộc sống mới được sung túc hơn.

Anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, Tỉnh đoàn hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho các hộ thanh niên bảo vệ 1.503 ha rừng, mỗi hộ thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Ban quản lý dự án cũng phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật nông - lâm nghiệp cho các hộ dân trong làng, tận dụng một số diện tích thấp trũng hoặc dốc cao cho các hộ thanh niên xây dựng mô hình trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn cho các hộ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế.

Việc các xã viên góp vốn thành lập Hợp tác xã Lâm nghiệp Bền vững Hương Phong tại Làng TNLN đã phát huy sức mạnh tập thể của các hộ dân trong việc huy động nguồn vốn, khai thác nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời sử dụng có hiệu quả các sản phẩm do chính các hộ thanh niên trồng trọt để chế biến, xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Công cũng mong muốn các hộ thanh niên tại Làng TNLN tiếp tục mạnh dạn đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn, áp dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, từng bước xây dựng làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Dự án Làng TNLN A Lưới chính thức khởi công  tháng 9/2009, với diện tích 50ha. Mỗi hộ lên lập nghiệp được cấp 2000m2 đất ở và đất vườn, 20 triệu đồng hỗ trợ di dân tái định cư, 2ha đất rừng để sản xuất, 5 triệu đồng tiền mua con giống... Dự án xác định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng khó khăn biên giới; khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, tài nguyên, phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng kinh tế hộ bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên và Nhân dân tại làng thanh niên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Xây dựng mô hình hoạt động Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương. Làng TNLT biên giới A Lưới đã thu hút gần 100 hộ thanh niên đến sinh sống, lập nghiệp làm ăn.

 

 

T. Thành

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top