Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  

Gia Lai “định vị” nông sản đặc trưng của địa phương

Thứ ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 | 11:19

Phát huy lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, một số địa phương khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đã vận động, hướng dẫn người dân đầu tư trồng cây ăn quả, đưa giống lúa mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Việc “định vị” đúng nông sản đặc trưng đã giúp nhiều vùng đất khó trở nên trù phú, người dân có thu nhập cao.

Ngọt lành cam Kbang

Huyện Kbang được xem là “thủ phủ” cam, quýt của tỉnh Gia Lai với diện tích trên 110 ha, trong đó, riêng xã Sơn Lang có tới 59 ha. Sau nhiều năm bén duyên vùng đất mới, loại cây có múi này đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá - giàu.

Anh Nguyễn Duy Chuyển (làng Hà Nừng) cho biết: Trước đây, gia đình trồng cà phê. Sau nhiều năm khai thác, cây cà phê già cỗi, năng suất giảm, thu nhập giảm mạnh. Năm 2016, gia đình chuyển sang trồng cam Vinh và quýt đường theo quy trình VietGAP. Năm 2023, 400 cây cam Vinh và 50 cây quýt đường cho thu hoạch 13,5 tấn quả.

Trong khi đó, gia đình ông Trần Thanh Mai (thôn Thống Nhất) dự tính thu về gần 300 triệu đồng từ tiền bán cam. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất sạch nên 200 cây cam Cara ruột đỏ và 50 cây cam sành của gia đình ông phát triển khá tốt, quả sai, chất lượng tốt.

Ông Mai cho biết: “Cam Cara khi chín có ruột đỏ, vỏ màu vàng tươi, bóng láng rất đẹp và độ dày trung bình, rất dễ bóc. Bên trong ruột là những tép có màu đỏ óng ánh, vị ngọt thanh và đặc biệt là không hạt. Trọng lượng bình quân 300 g/quả, có quả đạt 1 kg. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, nhiều thương lái đã đến tận vườn đặt hàng với giá 30 ngàn đồng/kg. Nhờ được giá nên gia đình trúng vụ cam Tết”.

Nhiều nông dân huyện Kbang đầu tư trồng cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: N.S

Theo ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, những năm gần đây, cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Riêng ở xã Sơn Lang, hầu hết nhà vườn trồng cam, quýt đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Cam đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam cũng tốt hơn nhờ canh tác đúng quy trình kỹ thuật. Tết năm nay, hàng chục hộ nông dân ở Sơn Lang thu về hàng trăm triệu đồng từ bán cam. Đây là động lực để người trồng cam nỗ lực nhiều hơn trên hành trình nâng cao chất lượng nông sản, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng”, ông Tình khẳng định.

Đặc sản na Thái ở Kông Chro

Đến nay, huyện Kông Chro đã phát triển được 700 ha cây ăn quả các loại, trong đó, chủ lực là cây nhãn, na Thái. Riêng xã Yang Trung có hơn 90ha cây ăn quả, riêng na Thái có trên 40 ha, trồng tập trung tại thôn 9 và thôn 10. Hơn 6 năm kể từ khi bén rễ vùng đất cằn Kông Chro, na Thái đã khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, trở thành cây đặc sản của địa phương.

Quả na Thái ở Kông Chro khi chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Sang

Những ngày cuối năm, đến vườn na Thái của gia đình ông Vũ Văn Nhất (thôn 9, xã Yang Trung), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cây nào cũng lúc lỉu trái. Theo ông Nhất, phần đất 3 ha này trước đây được luân phiên trồng mía, mì và đậu đỗ các loại nhưng hiệu quả không cao do đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt.

Năm 2016, nhận thấy cây na Thái cho thu nhập ổn định nên ông đã lặn lội vào Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống về trồng. Giống na này cho thu hoạch 2 đợt/năm vào tháng 6 và tháng 12, trung bình mỗi đợt cho 5 tấn quả/ha, giá bán 35-50 ngàn đồng/kg. Vụ na Tết này, nhiều thương lái các nơi gọi điện đến đặt hàng với giá 40-45 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 150 triệu đồng”, ông Nhất phấn khởi cho hay.

Tương tự, gia đình bà Vũ Thị Hồng (cùng thôn) cũng trở nên khá giả nhờ trồng na Thái. Bà Hồng cho biết: “Để đạt năng suất, chất lượng cao, người trồng phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tỉa cành tạo tán đúng cách. Với 600 cây na, năm nào gia đình cũng thu hoạch gần 14 tấn quả, giá bán bình quân 30-40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Vụ na Tết này, nhiều thương lái đến tận vườn mua với giá 40 ngàn đồng/kg để xuất bán đi các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Định”.

Ông Nguyễn Quang Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, cho biết: “Năm 2023, huyện hỗ trợ kinh phí giúp người dân đăng ký sản xuất nhãn và bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2024, huyện tiếp tục hỗ trợ người trồng na Thái nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thời gian tới, huyện vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: na Thái, nhãn T6 và bưởi da xanh. Đây là những cây trồng phù hợp với diện tích hạn chế về nguồn nước tưới. Cụ thể, thông qua các chương trình hỗ trợ của Trung ương và địa phương, huyện sẽ xây dựng những mô hình trình diễn để từ đó nhân rộng cho bà con học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các chính sách về hỗ trợ giống cây trồng cũng sẽ được tập trung cho các cây ăn quả chủ lực”.

Đưa giống lúa mới về Ia Pa

Vụ mùa 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Đồng (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) hỗ trợ giống lúa mới TBR97 cho 6 hộ dân gieo trồng thí điểm trên diện tích 5 ha. Từ thành công của vụ lúa này, HTX đã mở rộng liên kết với 500 hộ dân trên địa bàn xã trồng 130ha lúa TBR97, trong đó có 140 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hà Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Đây là giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của địa phương. Năng suất bình quân đạt 9,5-11 tấn/ha đối với vụ đông xuân và 8-9 tấn/ha vụ mùa. Với chất lượng gạo thơm ngon, cơm trắng, mềm, đậm vị, sản phẩm gạo TBR97 của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, khiến bà con rất phấn khởi”.

Gia đình ông Ra Lan Thoan (thôn 1, xã Pờ Tó) là một trong những hộ tham gia liên kết trồng lúa TBR97. Ông cho biết: “Nhờ gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật nên 4,5 ha lúa của gia đình phát triển tốt. Năng suất đạt 8,5-10 tấn/ha, cao hơn  các giống lúa trước đây gia đình từng canh tác. Đặc biệt, vụ mùa năm nay, giá bán lúa tươi là 7,8 ngàn đồng/kg,   trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 40 triệu đồng/ha”.

Ia Pa là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Gia Lai với khoảng 3.000ha vụ đông xuân và khoảng 5.700 ha vụ mùa. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ giống lúa mới, liên kết phát triển sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo địa phương.

Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, thông tin: “Năm 2023, huyện đã triển khai dự án hỗ trợ các giống lúa mới gồm: TBR97, ĐT100, Đài Thơm 8, BC15 liên kết phát triển sản xuất trên diện tích 2.090 ha với 5.051 hộ dân của 9 xã tham gia, trong đó có 4.068 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng địa phương để xây dựng thương hiệu gạo Ia Pa. Từ đó, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng lúa cũng như khẳng định thương hiệu gạo Ia Pa trên thị trường cả nước”.

Phạm Ngọc - Hà Phương

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top