Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Thanh niên ngành Nông nghiệp đồng hành xây dựng văn hóa nông thôn

Thứ ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 | 14:49

Ngày 26/3, đã diễn ra Chương trình gặp gỡ Tháng Thanh niên giữa Bộ trưởng với đoàn viên, thanh niên mang chủ đề: Thanh niên ngành Nông nghiệp và PTNT xung kích và đồng hành xây dựng văn hóa nông thôn từ hưởng ứng Cuộc vận động “Đọc sách cùng Xích Lô”.

Toàn cảnh chương trình.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2024) mà Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.

Phát biểu tại chương trình ông Tạ Hồng Sơn, Bí thư Đoàn bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc, xây dựng nên một truyền thống lịch sử rất vẻ vang. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, Đảng ta đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn.

Ông Tạ Hồng Sơn, Bí thư Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại chương trình.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 họp từ ngày 20 - 26/3/1931, Trung ương đã giành 1 ngày để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng. Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được sự đồng ý của Bộ chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22-25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3 là ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hàng năm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tặng hoa chúc mừng Đoàn bộ nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2024).

Phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Đoàn, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Ban Cán sự Đảng Bộ, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong những năm qua công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Bộ tiếp tục có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, có sự chuyển biến tích cực trong toàn hệ thống. Chất lượng tổ chức được củng cố, kiện toàn. Phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, gắn công tác đoàn với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, gắn với việc đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống. Tính kỷ cương, nề nếp, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ đoàn có nhiều tiến bộ. Công tác tham mưu cho Đảng ủy Bộ và phối hợp với cấp ủy của cơ quan, đơn vị được thực hiện tốt hơn. Trong chỉ đạo đã thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có tính kế hoạch, chiến lược.

Tự hào về truyền thống vẻ vang 93 năm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói chung và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nông nghiệp và PTNT nói riêng, trong niềm vui của ngày hội lớn, cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên Bộ càng ý thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm của mình. Nhiệm vụ đặt ra cho Đoàn Bộ là phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT vững mạnh, có bản sắc riêng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Bộ; trở thành đơn vị Đoàn xuất sắc.

Tại chương trình, Đoàn Bộ Nông nghiệp nghiệp và PTNT đã trao đổi các nội dung xoay quanh chủ đề: Thanh niên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  xung kích và đồng hành xây dựng văn hoá nông thôn từ hưởng ứng Cuộc vận động “Đọc sách cùng Xích Lô”.

Tại chương trình đã diễn ra gặp gỡ các gương thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Văn hóa đọc cho phép mỗi cá nhân có thể làm giàu vốn kiến thức của mình, bồi bổ trí thông minh và năng lực tư duy, phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo; giúp rèn luyện khả năng diễn đạt bằng lời nói và chữ viết, giúp tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Vì vậy, một con người có thể thành đạt mà không nhất thiết phải qua trường lớp, nhưng một con người không thể thành đạt nếu không đọc.

Hưởng ứng cuộc vận động “Đọc sách cùng Xích lô”, Đoàn Thanh niên Bộ cũng tổ chức nhiều phong trào thiện nguyện vì cộng đồng, trong đó có phong trào đưa sách về nông thôn: Trao tặng 9 tủ sách “Chắp cánh ước mơ” và hơn 5.000 cuốn sách (tại xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; Chi cục Kiểm ngư vùng I, TP. Hải Phòng, điểm trường Làng sinh thái Thái Hải, Thái Nguyên; trường tiểu học Quảng Chu, trường tiểu học cao kỳ, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn…).

Gặp gỡ gương mặt thanh niên tiêu biểu trong tham gia, hưởng ứng cuộc vận động “Đọc sách cùng Xích Lô”.

Ngoài ra, Đoàn Bộ cũng đã tổ chức cuộc thi “Đọc sách để thay đổi”; Chương trình "Thiếu nhi đọc sách cùng Xích Lô" nhằm hình thành văn hóa đọc sách cho thanh niên, thiếu nhi là con, em cán bộ đang công tác tại Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề: Thanh niên với văn hóa đọc, duy trì các tủ sách, kệ sách thanh niên tại các trụ sở cơ quan, đơn vị thuộc Bộ… đã góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trau dồi kiến thức của đoàn viên, lan tỏa tình yêu sách đến với thanh niên và cộng đồng.

Các đơn vị Đoàn trực thuộc bộ ký giao ước đăng ký công trình phần việc thanh niên góp phần nâng cao văn hóa nông thôn.

Để xây dựng văn hóa đọc dần hình thành văn hóa nông thôn, Đoàn thanh niên Bộ xin đề xuất một số giải pháp như: phải có cơ chế chính sách hợp lý; vận động sự đồng tình của toàn xã hội; phát huy truyền thống gia đình Việt Nam; thay đổi phương pháp dạy và học ở nhà trường; phát triển hệ thống thư viện phục vụ nông thôn.

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Đọc sách cùng Xích Lô”, từ những giải pháp đề xuất trên, trong trời gian tới, Đoàn thanh niên Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai hiệu quả các hoạt động.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ tại chương trình.

Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tâm sự, chia sẻ về các mô hình đã thành công từ sách, thành công từ sự vất vả, thành công từ mọi ngành, nghề trong xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng cho hay, sách dạy người ta cảm xúc, sách dạy mình thăng hoa, sách dạy mình cách sống, dạy mình cách nói, dạy mình cân bằng cảm xúc trong cuộc sống… Tại sao các bạn phải đọc sách, nếu chưa trả lời được câu này thì tốt nhất đừng đọc. Tôi mới viết bài: đọc sách để làm gì?. Đọc để thấy mình nhỏ bé, để mình trưởng thành, lớn mạnh hơn. Tại sao người ta làm được mà mình không làm được?.

 

Hoàng Văn

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top