Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  

Hiệu quả bước đầu từ nuôi hươu lấy nhung ở Quế Thuận

Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024 | 16:14

Anh Đinh Đức Phú, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đang có hướng đi đầy triển vọng khi mạnh dạn đầu tư một đàn hươu rừng thuần chủng từ Lào về quê nuôi lấy nhung.

Mang hươu về nước

Năm 2020, anh Phú bắt đầu tìm hiểu về "tứ đại danh dược" của phương Đông, có sâm - nhung - quế - phụ. Quảng Nam đã có sâm và quế (còn phụ ở đây là phụ tử, rễ con của cây ô đầu, loài này không phù hợp với khí hậu Quảng Nam), chỉ còn có nhung hươu là khả thi chưa thấy ai đầu tư.

Ban đầu anh Phú nghĩ rằng, hươu là loài động vật hoang dã, nên việc nuôi rất khó, cần nhiều giấy phép. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018, cho phép đưa hươu sao vào danh mục gia súc chăn nuôi. Đây là cơ sở quan trọng để anh mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi hươu lấy nhung của mình.

Đến nay mô hình của anh Phú đã lên 20 con hươu.

Đến nay, mô hình của anh Phú có 20 con hươu.

Với số vốn tích lũy được sau khi vừa học, vừa làm ở Nhật Bản thời gian trước dịch, anh Đinh Đức Phú đã cải tạo khu vườn của gia đình, xây dựng trang trại đảm bảo tiêu chuẩn đối với hươu sao và mua 15 con giống thuần chủng có nguồn gốc từ Lào về nuôi thử nghiệm với giá khoảng 25 triệu đồng/con.

Theo anh, hươu tương đối dễ nuôi, nếu chọn được giống tốt, sức đề kháng cao, con vật này ít mắc bệnh. Trên diện tích gần 2ha vườn, anh trồng bắp, sắn, khoai và cỏ để làm thức ăn cho hươu.

Hươu sao ăn các loại thức ăn đơn giản nên nuôi tương đối dễ.

Hươu sao ăn các loại thức ăn đơn giản nên nuôi tương đối dễ.

"Trong đàn có 5 con cái, sau 3 năm, mình đã có 20 con. Mặc dù là giống thuần chủng nhưng bản năng hoang dã của hươu vẫn còn khá mạnh. Hươu tự phân đàn với nhau, tranh giành con cái nên những con đực đầu đàn hay húc nhau. Vì vậy, chuồng trại cũng phải kiên cố hơn các mô hình chăn nuôi khác", anh Phú chia sẻ.

Sản phẩm tuyệt vời từ nhung hươu

Theo anh Phú, nhung hươu khi đến lúc thu hoạch chỉ có thời hạn trong 45 ngày, đây là lúc nhung giàu dược chất nhất. Sau đó, nhung sẽ già và tự rụng. Mỗi con hươu trưởng thành sẽ cho thu hoạch một năm từ 2 - 3 lứa nhung. Mỗi con thu hoạch được hơn 1kg nhung/lứa. Nhung hươu trên thị trường có giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg và luôn được các thương lái tìm mua.

Trước đây, anh Phú cũng bán nhung hươu tươi cho khách hàng, nhưng tìm hiểu các bài thuốc, anh tự sản xuất thử nghiệm các sản phẩm như cao nhung hươu, nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu kết hợp với đẳng sâm, kỳ tử ngâm rượu...

Nhung hươu sau ít nhất 6 tháng lại đến thời gian khai thác.

Nhung hươu sau ít nhất 6 tháng lại đến thời gian khai thác.

Sản phẩm dù đang trong quá trình thăm dò thị trường và hoàn thành các tiêu chuẩn, kiểm định, bảng tự công bố,... nhưng cũng được anh Phú đầu tư bao bì nhãn mác bài bản.

"Thời gian qua, nhiều khách hàng đã hỏi mua sản phẩm nhưng mình vẫn chưa bán chính thức, đợi các thủ tục hoàn tất sẽ ra mắt thị trường sản phẩm từ nhung hươu. Mình sẽ cố gắng hoàn thành một số thủ tục để đủ giấy phép thương mại các sản phẩm này trước dịp Tết Nguyên đán năm nay" - anh Phú nói.

Ông Đinh Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho biết, từ lúc mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Phú  hình thành, xã đã tìm hiểu và tìm cách hỗ trợ. Bởi đây là mô hình khởi nghiệp mới, có tiềm năng phát triển của nông dân trên địa bàn.

Thời gian qua, xã Quế Thuận đã hỗ trợ tư vấn các thủ tục pháp lý trong xây dựng chuồng trại, hướng dẫn lập hồ sơ tiếp cận các chương trình, cơ chế của Nhà nước về hỗ trợ đối với mô hình chăn nuôi này.

 

Anh Vũ

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top