Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 16 tháng 5 năm 2024  

Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024 | 19:33

Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

Người cộng sản ưu tú

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi sinh ra và nuôi dưỡng bao lớp người con kiên cường, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất. Hà Tĩnh tự hào là quê hương của vua Mai Hắc Đế, Đặng Tất, Đặng Dung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ - nhà quân sự - nhà kinh tế tài ba Nguyễn Công Trứ, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận… Đặc biệt, Hà Tĩnh là quê hương của 2 đồng chí Tổng Bí thư là Trần Phú và Hà Huy Tập.

Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhưng quê hương là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bằng nghị lực phi thường, đồng chí đã nỗ lực vươn lên học tập, đỗ đầu kỳ thi Thành chung và sớm tham gia các tổ chức yêu nước.

Tổng Bí thư Trần Phú. 

Tháng 6/1926, đồng chí được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí được dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và nhóm bí mật Cộng sản Đoàn. Từ một thanh niên trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Liên Xô). Những năm tháng học tập ở đây đã giúp đồng chí Trần Phú tích lũy những vấn đề lý luận chuẩn bị cho bước trưởng thành vượt bậc. Tại Hội nghị BCH Trung ương tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi.

Bản Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng vượt qua mọi thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man. Với chí khí của người cộng sản kiên trung, đồng chí Trần Phú hiên ngang trước những thủ đoạn hèn hạ của kẻ thù, khẳng định niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do bị tra tấn cực hình, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú chưa đầy 10 năm và giữ cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng chưa đến 1 năm, nhưng đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời của người cộng sản mẫu mực và những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Phát huy chí khí chiến đấu của đồng chí Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối, từ ngày có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi trên các lĩnh vực. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đất nước bị ngoại xâm hay trong thời kỳ hòa bình, Hà Tĩnh luôn là địa phương đi đầu trên nhiều lĩnh vực.

Trong những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là khi Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ra đời (tháng 3/1930), cùng với sức lan tỏa từ tư tưởng, tấm gương cách mạng của đồng chí Trần Phú, Nhân dân Hà Tĩnh đã cùng Nhân dân cả nước thổi bùng ngọn lửa cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp dã man, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, giúp Đảng ta kịp thời đề ra đường lối đấu tranh đúng đắn, giành thắng lợi to lớn trong cao trào cách mạng 1936-1939 và 1939-1945, tiếp tục hoàn thiện đường lối cách mạng theo Luận cương Chính trị (tháng 10/1930) do đồng chí Trần Phú chủ trì khởi thảo.

Trong khí thế cách mạng sục sôi, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 long trời lở đất. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất của cả nước. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Tĩnh đã tập trung củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, đóng góp sức người, sức của, góp phần to lớn cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, hòa bình được lập lại ở Đông Dương.

Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ).

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Hà Tĩnh là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng. Trước khó khăn, thử thách vô cùng cam go, ác liệt, quân và dân Hà Tĩnh đã kiên cường chiến đấu, sản xuất, bảo đảm huyết mạch giao thông với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Những chiến công hiển hách và những đóng góp to lớn của quân và dân Hà Tĩnh đối với sự nghiệp cách mạng đã làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hà Tĩnh trên đường đổi mới

Kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư Trần Phú, những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh bằng nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, bước đầu gặt hái được “quả ngọt”.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thông tin, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng với tinh thần đoàn kết và nỗ lực của toàn Đảng bộ và Nhân dân, đến nay nhiều chỉ tiêu của tỉnh đã vươn lên nhóm khá của cả nước.

Xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) - quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú như một bức tranh quê đẹp và yên bình.

Đơn cử, kinh tế năm 2023 tăng trưởng đạt 8,05%, quy mô nền kinh tế đứng thứ 30; thu ngân sách đạt gần 18 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 18 cả nước. Giải ngân đầu tư công xếp thứ 9/114 địa phương, đơn vị. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 7; chỉ số chuyển đổi số thuộc nhóm trung bình khá; giáo dục - đào tạo thuộc tốp 10 cả nước.

Riêng quý 1/2024 tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh đạt 7,82%, đứng thứ 13 cả nước, thứ 4 trong 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Thu ngân sách đạt trên 5 ngàn tỷ đồng, bằng 33% dự toán.

Toàn tỉnh thu hút được gần 1.500 dự án (gồm 70 dự án FDI và hơn 1.400 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD). Riêng Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh có 150 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 20 ngàn lao động, đóng góp 60% thu ngân sách và trên 93% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh.

“Trong năm nay và sắp tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoàn thành những dự án trọng điểm như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; dự án đường dây 500kv Vũng Áng - Hưng Yên đoạn qua Hà Tĩnh; dự án hạ tầng khu công nghiệp VSIP giai đoạn 1 tại huyện Thạch Hà; nhà máy Pin ô tô điện của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng,... góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, con người Hà Tĩnh”, Bí thư Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, song hành phát triển kinh tế, thời gian qua Hà Tĩnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, hàng chục điểm trường vượt lũ, nhà ở công vụ cho giáo viên; hàng trăm phòng học vi tính và gần 8.000 nhà ở kiên cố cho người dân. Thành lập Quỹ hỗ trợ 318 em học sinh gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đi học đại học.

 

Trà Giang

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top