Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  

Hạn mặn kéo dài, hơn 7.000ha chanh ở Long An có nguy cơ bị giảm năng suất

Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024 | 10:11

Thời gian qua, trước tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, cùng những điều kiện bất lợi của thời tiết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng nhiệt độ cao nắng nóng, đã làm ảnh hưởng đến hàng ngàn hecta chanh trên địa bàn tỉnh Long An.

Ở “thủ phủ” trồng chanh tại huyện huyện Bến Lức (Long An), nơi có khoảng 7.000ha, hầu hết đã cho thu hoạch trái. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều diện tích thiếu nước tưới.

Đặc tính sau khi thu hoạch, cây chanh cũng bị suy nhược nên đang rất cần được chăm sóc, dưỡng sức trở lại. Tuy nhiên, trước tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn và thiếu nước tưới như hiện nay nhiều cây chanh bị chết.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, hiện độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên trong mùa khô này đã có khoảng 7.000ha chanh cùng các loại cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh, đơn vị có liên quan, nhất là các địa bàn đang bị ảnh hưởng nặng của hạn hán, xâm nhập mặn để tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cấp nước sinh hoạt cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin.

Liên quan đến vấn đề trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng cường kiểm tra, rà soát và phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện những biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó, khắc phục thiên tai, xâm nhập mặn trên phạm vi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề theo tình huống khẩn cấp.

Trước tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, hàng ngàn ha diện tích trồng chanh tại tỉnh Long An đứng trước nguy cơ bị giảm năng suất, sản lượng.

Chỉ trong tháng Tư,tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ Đông ranh giới mặn 1‰ và 4‰ đã vượt qua lần lượt 88km và 72km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, ranh giới mặn 1‰ và 4‰ đã vượt qua lần lượt là 110km và 86km.

Do tác động nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn nên hiện nay, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP. Tân An, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.

Cũng theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An trên bản đồ độ mặn đo được tại các điểm đo từ ngày 23-26/4/2024, ranh giới mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sẽ xâm nhập sâu 90 - 100km.

Trước tình trạng này, ngành chuyên môn khuyến cáo nếu sử dụng nước tưới bị nhiễm mặn, cây chanh sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và làm giảm năng suất cho nhiều vụ sau.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến nghị người trồng chanh không sử dụng hoá chất hoặc chất kích thích tăng trưởng tưới rễ, phun lên lá, không xử lý ra hoa trái vụ, không để nhiều trái và neo trái thời gian dài, không bón nhiều phân vô cơ, không nhổ cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ. . .

Để bảo vệ cây chanh trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn, người dân nên tưới tiết kiệm nước ngọt hoặc có thể dùng cỏ khô, rơm rạ, xơ dừa phủ xung quanh gốc cây chanh để làm giảm bốc thoát nước và mát rễ; cắt tỉa cành, giảm sự bốc thoát nước qua lá và giảm mất cân đối giữa tán lá và rễ.

Được biết, nguồn nước sử dụng tưới cho cây chanh trên địa bàn huyện được lấy từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông vào. Sau những năm xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, người trồng chanh ở huyện cũng có nhiều kinh nghiệm (đào ao trữ nước ngọt). Khi có dự báo ngoài sông Vàm Cỏ Đông sắp bị nhiễm mặn thì tiến hành đóng chặn nguồn nước từ ngoài sông chảy vào để ngăn nước mặn xâm nhập vườn cây trồng.

Trên địa bàn nhiều huyện, trong đó có huyện Bến Lức, cây chanh được xem là cây trồng chủ lực trong thời gian qua, làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Ở địa phương đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do điều kiện bất lợi của thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao nắng nóng, hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây chanh.

 

Mạnh Tiến

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top