Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  

Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024 | 13:45

Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hoá thống nhất đề xuất nâng hạng 5 sao đối với 3 sản phẩm OCOP 4 sao từ cây cói của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh.

Mới đây, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức Hội nghị để thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP (đợt 1) năm 2024.

Hội nghị để thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP  tỉnh Thanh Hoá (đợt 1) năm 2024.

Theo đó, đợt này có 6 sản phẩm OCOP được đánh giá lại và đề xuất nâng nâng hạng gồm: sản phẩm mắm tôm Lê Gia (Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia) đề nghị đánh giá, công nhận lại sản phẩm 5 sao; sản phẩm Gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh 4 sao (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ xã Vĩnh Thịnh) đề nghị đánh giá công nhận lại; 3 sản phẩm 4 sao (Rổ cói Nga Sơn, Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn) của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đề nghị đánh giá, công nhận lại, đề xuất nâng hạng 5 sao; sản phẩm Miến gạo Thăng Long 3 sao (HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long) đề nghị đánh giá công nhận lại, nâng hạng lên 4 sao.

Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ giúp việc, các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu, đánh giá và thống nhất thông qua 6/6 sản phẩm đều đạt xếp hạng và nâng hạng.

Các sản phẩm từ cây cói của của Công ty CP sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh được đề xuất nâng hạng 5 sao.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm OCOP, các thành viên Tổ giúp việc cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuận tiện nhất; đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo đúng tiêu chí. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng chủ thể sản xuất nhằm tạo động lực, lan tỏa ý nghĩa, tinh thần của chương trình OCOP trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ thể có sản phẩm được đánh giá, xếp hạng lần này tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, chú trọng việc quảng bá, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhất. Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình UBND tỉnh công nhận các sản phẩm trong thời gian sớm nhất.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hoá cho biết, sau khi Hội đồng đánh giá, xếp hạng chấm điểm và thông qua, Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục trình UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp Quốc gia.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hoá, đến thời điểm hiện tại, Thanh Hoá có 485 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2023, Thanh Hóa có thêm 153 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, sau TP. Hà Nội.

 

Lê Thức

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top