Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  

Giải pháp tăng năng suất lao động trong nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ cao và nông dân chuyên nghiệp

Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024 | 9:17

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, việc bắt kịp năng suất lao động của thế giới trong nền kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là lao động có trình độ cao, vốn...

Những năm qua, nông nghiệp được coi là điểm sáng của nền kinh tế, song NSLĐ vẫn là thách thức lớn trong  thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành.

Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới là nâng cao NSLĐ với giải pháp then chốt là nâng cao chất lượng lao động thông qua sản xuất, đào tạo lao động, đổi mới tư duy của nông dân…

Nhiều khó khăn khi làm nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc thiếu quỹ đất, vốn đầu tư, đầu ra không ổn định... đang là những khó khăn mà nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp phải khi muốn đưa mô hình vào sản xuất.

Năm 2023, Thái Nguyên có 560 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 220 hợp tác xã trồng trọt, 73 hợp tác xã chăn nuôi, 7 hợp tác xã lâm nghiệp, 4 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 1 hợp tác xã nước sạch nông thôn và 255 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp.

Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2024 có trên 10% số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao của nhiều hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn gặp khó, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: ITN

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa trên địa bàn xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) thành lập năm 2020 với 7 thành viên, vốn điều lệ 350 triệu đồng, đăng ký kinh doanh các ngành nghề: trồng, chế biến và tiêu thụ rau, củ, quả. Hiện, hợp tác xã có tổng diện tích đất sản xuất trên 5ha, chủ yếu trồng các loại rau màu theo mùa vụ.

Mặc dù cùng tham gia vào hợp tác xã nhưng từ khi thành lập đến nay, các thành viên vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống. Do đó, năng suất, chất lượng cây trồng không cao. Chính vì vậy, hợp tác xã đang có dự định ứng dụng nông nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng.

Ông Miêu Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, chia sẻ: Mong muốn là vậy nhưng do chi phí đầu tư ban đầu về nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, máy làm đất đa năng... khá lớn nên đến nay chúng tôi chưa triển khai được. Hợp tác xã mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để thực hiện mô hình.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao phường Đông Cao (TP. Phổ Yên) đang gặp khó khăn về quỹ đất để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trước đây, hợp tác xã có trên 6ha đất sản xuất các loại rau màu và cây gia vị nhưng đã phải nhường lại phần lớn diện tích để thực hiện Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 và khu dân cư Đông Cao, chỉ còn lại vài sào.

Bà Đinh Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Từ năm 2020, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hợp tác xã đã đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động... trị giá hàng tỷ đồng để sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Giờ diện tích canh tác bị thu hẹp, không muốn lãng phí cơ sở vật chất và trang thiết bị đã đầu tư, chúng tôi muốn thuê lại đất sản xuất nông nghiệp của người dân trong phường nhưng đa phần bà con không đồng ý.

Có thể nêu một số khó khăn, trở ngại trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như: nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tập trung đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tư duy liên kết...

Vấn đề nan giải

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù năng suất lao động của nước ta đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước Top đầu trong khu vực và trên thế giới.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý: Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam thời gian qua mặc dù diễn ra khá nhanh, nhưng đến nay, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn.

Đến năm 2022, nước ta có trên 13,9 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số lao động toàn nền kinh tế (nếu tính cả số lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì có tới trên 18 triệu lao động), trong khi năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 43,1% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế bởi vì đa số lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định, tạo ra giá trị gia tăng thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu rõ, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp thấp là vấn đề nan giải, với phần lớn người lao động chưa qua đào tạo. Cụ thể, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên còn thấp, chiếm khoảng 5% tổng số lao động nông nghiệp. Tỷ lệ người học đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và đổi mới nông nghiệp...

Theo TS. Vũ Xuân Hùng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo có chứng chỉ thấp hơn so với với mức bình quân của các ngành kinh tế. Hệ lụy của tình trạng này khiến cho sản xuất kém hiệu quả, thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, tạo chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực ngày càng lớn.

Bà Nguyễn Quỳnh Trang (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: Dù có cải thiện trong những năm gần đây, song NSLĐ nông nghiệp vẫn thấp nhất trong các ngành kinh tế, đạt hơn 80 triệu đồng/lao động (năm 2022). Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; trong đó, tư duy, cách làm lạc hậu, thủ công của người nông dân là yếu tố bao trùm khiến cho NSLĐ nông nghiệp chậm cải thiện.

Ứng dụng công nghệ cao là cú hích cho nông nghiệp cất cánh

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, ứng dụng công nghệ cao là điều tất yếu khi muốn nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. 

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, xử lý các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của khoa học, công nghệ. Qua đó tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời giúp sớm tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. 

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tình trạng mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo sự cạnh tranh của sản phẩm.

Xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành. Nhờ vào định hướng đúng đắn và nhất quán trong Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 và những chính sách được ban hành trước đó nên việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã mang lại những kết quả rất tích cực. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả, lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng nhanh qua các năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận, bên cạnh các kết quả tích cực thì phải thẳng thắn nhìn nhận là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn khiêm tốn. Theo số liệu của Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), toàn quốc mới có 68 doanh nghiệp trên hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.  

Con số đó cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao còn nhiều “rào cản” do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thiếu công cụ phòng ngừa, thiếu cơ chế thử nghiệm, đầu tư mạo hiểm, còn khoảng trống trong hệ thống pháp luật về thúc đẩy phát triển công nghệ cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kiến thức ứng dụng công nghệ cao, nhận thức, tư duy sản xuất ở một số nơi còn lạc hậu, tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng (lâm nghiệp, khai thác thủy sản) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán. 

Ngoài ra, chúng ta còn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, hỗ trợ người dân tốt hơn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Cần giải pháp đồng bộ xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra các yêu cầu: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản... Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại…

Nói về việc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Hành trình tôi luyện người nông dân chuyên nghiệp là hành trình không có đích đến, không có điểm dừng vì tri thức nhân loại là một kho tàng vô tận. Không còn con đường nào khác, phải tri thức hóa người nông dân. Chúng ta phải là những người giúp người nông dân tri thức hóa bằng những câu chuyện đời thường, bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, những vấn đề nhỏ nhất rồi mới đến vấn đề vĩ mô khác”.

Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhấn mạnh: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn”.

Nghị quyết 19 cũng xác định: Cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII năm 2022, chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, đã làm rõ hơn khái niệm “nông dân chuyên nghiệp” và cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp. Theo đó, nhiều tham luận cho rằng, nông dân chuyên nghiệp là những người nông dân có tư duy kinh tế, có kiến thức tổng hợp về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, thị trường; biết sản xuất ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, bán cái thị trường cần, hiểu được giá trị của liên kết và hợp tác... Và để có người nông dân chuyên nghiệp thì phải đào tạo họ bài bản với cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, con đường ngắn nhất và nhanh nhất để nông dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời với khoa học công nghệ là thông qua viện, trường, chuyển giao tới mô hình khuyến nông, rồi đến người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lõi của khu nông nghiệp công nghệ cao phải từ các viện, trường, bên cạnh đó là các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả nghiên cứu của các viện, trường để nhân ra và chuyển giao.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng kích hoạt thị trường, sau khi kết quả nghiên cứu khả thi thì đưa vào đời sống. “Chúng tôi mong muốn làm ở cấp độ vừa phải, phù hợp với nguồn lực của đất nước. Chúng ta đang trong quá trình mày mò con đường đi. Chúng ta nên có cấp độ nghiên cứu từ trung ương, nghiên cứu tới địa phương đến cộng đồng, kéo dài chuỗi nghiên cứu. Kết hợp với nghiên cứu các đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp, như thế sức mạnh mới tăng thêm và doanh nghiệp sẵn sàng thương mại hóa tất cả sản phẩm nghiên cứu và đưa đến với người nông dân. Vai trò Nhà nước là người kết nối”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Cần hỗ trợ  xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, qua đó tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân.

Cần dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, khoa học công nghệ tiếp tục là then chốt trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp  trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước. Chính vì vậy, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững là rất quan trọng. 

Hiện nay, có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Đó là những thành tựu của công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bộ đã kết hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT để triển khai các biện pháp về khoa học, công nghệ, về đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là công nghệ cao, làm thế nào để có ứng dụng, đạt hiệu quả cao nhất cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng cũng cho hay, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực,… tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. Giải pháp sắp tới là hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khắc phục những khó khăn, hạn chế đã nêu trên.

 

 

D.Thanh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top