Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  

Chuyện giảm nghèo ở Điện Biên

Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 | 11:10

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, với sự chung tay của cả cộng đồng và sự chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo tại Điện Biên đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Cùng với đó, tỉnh nhân rộng các mô hình tạo sinh kế hiệu quả, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Hiện nay, trồng cây mắc-ca là hướng làm giàu, thoát nghèo của nhiều địa phương ở Điện Biên.

Chung tay xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là quyết tâm của Việt Nam suốt chặng đường 79 năm qua, đặc biệt là sau 38 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Bên cạnh thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng được minh chứng bằng những thực tế thuyết phục và toàn diện. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

Tại Điện Biên, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được sự qua tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của cộng đồng và trực tiếp người nghèo, cận nghèo. Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên thực hiện Đề án vận động, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Sau hơn 9 tháng phát động, chương trình đã vận động ủng hộ được trên 278 tỷ đồng. Từ đó, hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Điện Điện.

Đánh giá về kết quả này, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, với nỗ lực to lớn, quyết tâm cao, vượt qua nhiều khó khăn, trong vòng chưa đầy 9 tháng, Điện Biên đã tập trung chỉ đạo, huy động nhiều lực lượng tham gia để hoàn thành được việc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát.

Bên cạnh số tiền do MTTQ Việt Nam vận động hỗ trợ, nhiều gia đình đã có thêm sự tiếp sức từ nguồn tín dụng chính sách xã hội, ngày công, vật liệu của các đoàn thể, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn. Kết quả này không chỉ là sự nỗ lực của MTTQ Việt Nam, tỉnh Điện Biên, sự đóng góp của xã hội, cộng đồng dân cư mà còn cho thấy tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình để có được những căn nhà mới cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người dân hưởng lợi

Với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, hiện nay Điện Biên có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả, mang tính bền vững. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa). Người dân được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đồng thời được ký kết hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm.

Mô hình trồng lê vàng trên địa bàn xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông phát huy hiệu quả kinh tế cho người dân tham gia.

Năng suất khoai hiện đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg; trừ chi phí, thu về 50 triệu đồng/ha. Sản phẩm khoai sọ ở xã Trung Thu được Hợp tác xã H’Mông Tủa Chùa cam kết tiêu thụ.

Theo anh Thào A Làng, khi tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ đó mà năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm công sức lao động. Dự kiến thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích khoai sọ.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa, cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ trồng khoai sọ, những năm gần đây, người dân trong và ngoài mô hình đã mở rộng diện tích. Từ 4ha ban đầu, đến nay toàn xã có hơn 300 hộ dân liên kết sản xuất với diện tích hơn 40ha. Khoai sọ không chỉ được trồng ở Trung Thu mà còn mở rộng sang nhiều địa bàn khác của huyện. Cuối năm 2023, Hợp tác xã H’Mông tiếp tục triển khai cấp giống khoai sọ cho người dân trên địa bàn các xã: Trung Thu, Sính Phình, Tủa Thàng với diện tích trên 20ha.

Cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao là Dự án hỗ trợ giống ong nội, vật tư nuôi ong trên địa bàn 2 xã Chà Nưa và Chà Cang, huyện Nậm Pồ (hỗ trợ 300 đàn ong cho 30 hộ dân 2 xã). Tham gia dự án, các hộ dân được Hợp tác xã Nuôi ong rừng Chà Nưa cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm và quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mật ong. Từ năm 2020 - 2023, thực hiện liên kết mô hình, số đàn ong tăng lên 346 đàn, lượng mật khai thác  1.786 lít/năm, doanh thu  447 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân gần 15 triệu đồng/hộ/năm.

Hỗ trợ kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 125 mô hình liên kết được hỗ trợ triển khai thực hiện. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, chính sách liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Thông qua liên kết, người dân được tiếp cận kiến thức chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, từng bước thay đổi phương thức, tổ chức sản xuất.

Các mô hình liên kết hỗ trợ sinh kế đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó, nhiều người nghèo  không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với báo chí, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, năm 2023, toàn tỉnh còn 35.922 hộ nghèo, chiếm 25,68%, giảm 4,6% so với năm 2022, là năm thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 11,29%, tổng số hộ cận nghèo là 15.793 hộ. Trong đó, tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,73% so với năm 2022.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 2 huyện Mường Ảng và Tuần Giáo thoát nghèo. Tỉnh  đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ 2 huyện này bằng nhiều giải pháp như tập trung nguồn lực, sắp xếp thứ tự ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp...

Với các huyện khác, sẽ vẫn được hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Cùng với đó, khoảng 23,7% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiếp cận phương thức sản xuất mới, kỹ thuật sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực.

Giai đoạn 2021-2025, Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên.

Năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%.

 

 

Hoàng Văn

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top