Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  

Tây Nguyên khô hạn, chính quyền cùng người dân nỗ lực tìm giải pháp cứu cây trồng

Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024 | 11:27

Những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều ao, hồ, sông, suối nhỏ và các đập thủy lợi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Hiện, chính quyền và người dân địa phương đang tìm mọi cách để chống hạn, cứu cây trồng.

Khô hạn trên diện rộng

Nhìn vườn cà phê rộng hơn 5 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) đang cháy khô lá vì thiếu nước, ông Trần Văn Minh ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vô cùng rầu rĩ. Theo ông Minh, từ đầu tháng 4 tới nay, ông và người nhà thay phiên nhau chầu chực ở hồ chứa nước để tìm nước tưới nhưng tình hình không mấy khả quan. “Chưa năm nào hạn hán đến sớm và nặng như năm nay. Mới tháng 4 mà hồ đã cạn trơ đáy nên dù chúng tôi nỗ lực thế nào cũng không có kết quả. Nếu mấy ngày nữa trời không mưa, chúng tôi đành bất lực nhìn vườn cà phê chết dần thôi”, ông Minh buồn bã nói.

Khô hạn, đồng lúa nứt nẻ đất.

Tại một số huyện như  Đắk R’Lấp, Cư Jút…, tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng cũng đang xuất hiện  ngày một nhiều, gây nên nỗi ám ảnh đối với hàng trăm người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 307 công trình thủy lợi, trong đó, có 31 công trình đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt. Cụ thể, huyện Đắk Mil có 17 công trình, huyện Krông Nô có 3 công trình, huyện Đắk Song có 3 công trình, huyện Đắk R’lấp có 3 công trình, huyện Tuy Đức có 5 công trình…

Tại Kon Tum, theo UBND tỉnh này, tình trạng ít mưa, hạn hán, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 tác động lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha; trong đó, diện tích lúa 780 ha, cà phê 990 ha.

Nhiều tháng nay, trên địa bàn Gia Lai không có mưa, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến cây trồng, nước sinh hoạt của người dân. Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, tại tỉnh này đã có 6 đợt nắng nóng, hơn 275 ha cây trồng các loại bị hạn, thiệt hại nhiều tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều diện tích cây trồng đang thiếu nước tưới như cà phê, hồ tiêu…, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nhiều giếng khoan, giếng đào bị hụt nước, khô cạn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Trong tâm trạng bất an vì hạn hán, ông Hoàng Văn Bảo ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) cùng gia đình đang tìm mọi cách để cứu vườn cà phê. “Hiện, giá cà phê đang tăng cao, nhưng vườn cà phê thì đang dần héo khô. Ao hồ, suối nhỏ cạn nước, gia đình phải đào giếng sâu hơn 15m để tìm nước nhưng mới tưới được 1 đợt đã gần cạn. Cà phê khô héo, rụng trái, mất sức, không có nước thì đành bó tay”, ông Bảo than vãn.

Các hồ nước khô hạn, cạn đáy.

Tại Đắk Lắk, tình hình thiếu nước cũng ngày càng trầm trọng. Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 858 công trình thủy lợi (gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm), phục vụ tưới tiêu cho hơn 262.339 ha cây trồng; trong đó diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi là 151.616 ha; còn lại các nguồn nước mặt sông suối, ao nhỏ, nước ngầm tưới khoảng 114.883 ha. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, trong số 252 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý khai thác, có 28 hồ cạn nước, 83 hồ chứa đạt dung tích dưới 50%, còn lại từ 50 - 90%.

Qua thống kê sơ bộ, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2.055 ha cây trồng thiếu nước tưới đang áp dụng các biện pháp chống hạn.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, cho hay, trong thời gian tới, nếu không có mưa, thời tiết tiếp tục nắng nóng thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ giảm mạnh; đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, lượng nước xuống gần như bằng 0 và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng. Do đó, nguy cơ diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối mùa khô là rất lớn. Dự báo, trong vòng 1 tháng tới, có 5.000 - 8.000ha cây trồng có nguy cơ lâm cảnh khô hạn, thiếu nước.

Tập trung các giải pháp chống hạn

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho hay, trong các tháng đầu năm 2024, lượng mưa phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm.

Theo đó, mực nước trên sông Ba và sông Ayun có xu thế giảm dần, tổng lượng dòng chảy thấp hơn từ 31 - 49% so với trung bình nhiều năm. Dự báo thời gian tới khô hạn còn tiếp diễn và nắng nóng sẽ xuất hiện và mở rộng. Tình hình nắng hạn nguy cơ lan rộng ra ở nhiều địa phương khác dẫn tới hạn hán cục bộ tại một số vùng không chủ động được nước tưới và xa công trình thủy lợi. Do đó, người dân cũng như lãnh đạo các công ty thuỷ lợi các tỉnh phải chủ động điều tiết nước và có các phương án dự phòng để hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.

Người dân Tây Nguyên tìm nguồn nước tưới nước cho cây cà phê.

Trước tình khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến nhiều diện tích cây trồng, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị khai thác vận hành đập, hồ chứa thủy điện có kế hoạch xả nước hợp lý kết hợp phát điện và ưu tiên tưới chống hạn mùa khô. Tổ chức nạo vét kênh mương, lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng, ưu tiên nước cho sản xuất chăn nuôi. Đối với các vùng trồng không đảm bảo tưới tự chảy phải tổ chức trạm bơm dã chiến để bơm tưới cho cây trồng.

Ông Vũ Ngọc An, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết, để đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn, ngành đề nghị các công ty công trình thủy lợi, đặc biệt là thủy điện An Khê - Ka Nát và Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy Lợi 8, đề xuất điều tiết nước tưới cho phù hợp tại các địa phương. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn về nguồn nước để cập nhật tình hình nắng nóng, điều tiết nước của địa phương nhằm tận dụng tối đa nguồn nước.

Còn ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) thì cho hay, tình hình nắng hạn năm nay diễn ra khốc liệt hơn nhiều năm. Mực nước ở các công trình thuỷ lợi đều giảm sâu, một số nơi đã khô kiệt. “Huyện đang chủ động làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, các hồ thuỷ điện phải xả nước về hạ du cả những khi không phát điện”, ông Lộc cho biết thêm.

 

Dương Hùng

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top