Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  

Cần đa dạng sản phẩm từ quả vải để thu hút các thị trường quốc tế

Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024 | 15:53

Chi phí logistics trong xuất khẩu vải thiều nước ta hiện còn cao; qua nhiều khâu trung gian, đẩy giá thành quả vải lên cao. Các hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hơn nữa các sản phẩm từ quả vải, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sở Công Thương Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Vải thiều là 1 trong 8 nhóm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương, chiếm 10% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Hiện nay, tỉnh Hải Dương duy trì diện tích hơn 8.800 ha vải, với sản lượng gần 60.000 tấn/năm. Các diện tích trồng vải của Hải Dương được quy hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GolobalGAP phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Quả vải Hải Dương hiện đã có mặt tại các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, các nước ASEAN và khu vực Trung Đông. Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã xuất khẩu sang được một số thị trường cao cấp như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Anh, các nước EU…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều đã ký kết hợp tác liên kết với các hợp tác xã, đơn vị sản xuất vải của huyện Thanh Hà (Hải Dương).

 

Bên cạnh những thuận lợi, việc tiêu thụ nông sản của Hải Dương nói chung và vải thiều Thanh Hà nói riêng hiện còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích cây trồng được sản xuất theo hợp đồng vẫn còn hạn chế so với quy mô sản xuất; liên kết trong chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ  sản phẩm thông qua hợp đồng chưa nhiều.

Số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn trong nước, trong tỉnh tham gia vào quá trình sản xuất, xuất khẩu nông sản, vải thiều còn ít, năng lực về thị trường xuất khẩu hạn chế.

Theo bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hoá chuyên nghiệp và hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh kết nối giao thương với các thị trường trong nước và quốc tế.

“Tỉnh Hải Dương sẽ chủ động định hướng sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ, đơn vị sản xuất; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp liên hệ, củng cố và duy trì mối quan hệ hợp tác với có các đối tác nước ngoài. Địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao dể xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp” - bà Vũ Thị Kim Phượng nói.

Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vải thiều Hải Dương và một số thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã nêu thực tế xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và quả vải Hải Dương ra các thị trường nước ngoài. Theo các đại biểu, chi phí logistics trong xuất khẩu vải thiều nước ta hiện còn cao; qua nhiều khâu trung gian, đẩy giá thành quả vải lên cao. Khâu bảo quản sản phẩm của một số doanh nghiệp xuất khẩu còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã quả vải khi vào tới thị trường nước ngoài.

Tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhìn nhận thẳng thắn, khắc phục hạn chế, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, không chỉ về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà cả mẫu mã sản phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ cho rằng, các hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hơn nữa các sản phẩm từ quả vải, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Chúng ta mới chỉ nghĩ đến trái vải tươi trong khi đó các nước như Thái Lan hoặc một số nước châu Á, họ lại tập trung vào vấn đề chế biến. Ví dụ, họ chế biến thành những sản phẩm đồ uống, sản phẩm đông lạnh khô, hoa quả khô, mang lại những cái lợi nhuận rất cao. Tôi cho rằng, với những vùng trồng, với năng suất của chúng ta tốt và chất lượng như hiện nay, chúng ta cũng nên mời các nhà chế biến họ đến để họ tư vấn cho mình, hợp tác liên doanh với mình” - ông Nguyễn Mạnh Quyền.

 

Theo vov.vn

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top