Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024  

Lão nông Hải Phòng trồng cỏ nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao

Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024 | 16:1

Đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Vũ Văn Nhĩ (thôn Minh Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vẫn ngày ngày cần mẫn tận dụng đất bỏ hoang, bờ mương ven đường để trồng cỏ nuôi hơn 100 con dê. Mô hình nuôi dê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông thoát nghèo, trở nên khá và từng bước lên hộ giàu.

Trồng cỏ nuôi dê

Sinh ra ở vùng ngoại thành Hải Phòng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hơn ai hết, ông Nhĩ thấu hiểu được những cực nhọc mà người nông dân trải qua. Trong ông luôn có suy nghĩ phải nỗ lực từng ngày, tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Nhĩ đã thử nghiệm nuôi nhiều con vật khác nhau như cá, vịt, bò… nhưng do ít kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi vật nuôi không hiệu quả, ông quyết chọn nuôi dê.

Ông Nhĩ tận dụng đất ruộng bỏ không, bờ mương ven đường trồng cỏ voi  làm thức ăn cho dê.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, ông Nhĩ cho hay: “Khi mà ở địa phương chưa có ai nghĩ đến nuôi dê thì tôi đã đưa giống dê cỏ về nuôi. Tuy nhiên, giống dê này có trọng lượng nhỏ, chậm lớn, nuôi mất nhiều thời gian, hiệu quả kinh tế lại thấp, tôi thấy nó không phù hợp. Qua xem tivi, đọc báo và mạng internet, tôi biết đến giống dê Boer. Đây là giống dê có nhiều ưu điểm như: to con, dễ nuôi, dễ chăm sóc, nhanh phát triển, chi phí đầu tư thấp…, phù hợp với khí hậu địa phương nên tôi quyết định chuyển hướng sang nuôi giống này”.

Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế của giống dê Boer, năm 2017, ông Nhĩ lên Vĩnh Phúc mua 10 con dê tại một trang trại ở đây mang về nuôi. Đồng thời, ông mua giống cỏ voi của họ về trồng. Những ruộng lúa bỏ không, bờ mương ven đường, đều được ông tận dụng trồng cỏ voi để phục vụ cho đàn dê có đủ cỏ ăn quanh năm.

Cỏ voi sau khi thu hoạch, được ông Nhĩ cho vào máy xay, trộn cùng bã đậu làm thức ăn hàng ngày cho dê.

Cỏ voi có khả năng sinh trưởng nhanh, ít bị sâu bệnh phá hoại, chịu được khí hậu khắc nghiệt ở miền Bắc, trồng một lần có thể thu hoạch trong 3 - 4 năm…

Đến nay, diện tích trồng cỏ voi của gia đình ông Nhĩ lên đến 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). Cỏ sau khi thu hoạch về được xay nhỏ, trộn lẫn với bã đậu phụ, cho dê ăn, vừa chóng lớn, vừa được thịt, mùi dê thơm, không gây.

Vào mùa đông thời tiết lạnh giá kéo dài, thức ăn cho dê khan hiếm, ông Nhĩ tự chế thức ăn cho dê bằng cách ủ cỏ voi với men vi sinh hữu cơ. Ông cho hay: Nếu không tính toán kĩ lưỡng về lượng thức ăn cho dê sẽ không có nguồn thực phẩm đủ dùng và an toàn. Trong khi mua thức ăn công nghiệp lại tốn kém, chất lượng thịt không đảm bảo, vì thế tôi mới tìm hiểu và ủ men vi sinh. Cách làm không quá khó mà vẫn đảm bảo nguồn thực phẩm cho dê.

Chuồng dê luôn sạch sẽ, thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m trở lên.

Khấm khá nhờ nuôi dê

Để đảm bảo dê sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, chất lượng con giống đảm bảo,  ông Nhĩ luôn quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m trở lên vì dê không ưa độ ẩm cao.

Đàn dê thương phẩm mỗi ngày được thả đồng khoảng 3 giờ. Ngoài mục đích cho ăn cỏ, dê còn được tắm nắng, vận động. Đó là cách giữ cho đàn dê luôn khỏe mạnh, ít bị bệnh, chất lượng thịt thơm ngon.

Đàn dê của gia đình ông Nhĩ có hơn 100 con, trong đó có 30 con dê sinh sản.

So với nuôi giống dê cỏ truyền thống thì giống dê Boer được ông Nhĩ nuôi sinh sản tốt, chất lượng con giống đạt cao hơn. Hiện nay, đàn dê của gia đình ông Nhĩ có hơn 100 con, trong đó có 30 con dê sinh sản, trung bình mỗi năm dê đẻ 1 lứa, mỗi lứa 2 con.

“Dê đạt trọng lượng khoảng 30 - 40kg/con có thể xuất bán. Mỗi năm, gia đình bán 1 tấn dê thương phẩm với giá bình quân 150.000 - 160.000 đồng/kg.  Mỗi con dê cho thu 6 - 9 triệu đồng”, ông Nhĩ chia sẻ.

Với cách chăn thả khoa học, dê thương phẩm của gia đình ông Nhĩ luôn đắt khách. Nhiều thương lái, khách lẻ tìm đến mua dê Boer của gia đình ông.

Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ dân tại huyện Kiến Thụy (TP. Hải Phòng), tỉnh Thái Bình đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm nuôi dê Boer của gia đình ông Nhĩ. Cũng từ đó, ông có thêm nguồn thu nhập từ việc cung cấp dê giống cho các hộ chăn nuôi, giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Cần cù, chịu khó, ham học hỏi, không ngại thay đổi, đây chính là bí quyết giúp ông Vũ Văn Nhĩ chăn nuôi dê thành công, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Nhĩ đã truyền cảm hứng cho nhiều người muốn vươn nên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình từ nuôi dê.

 

Phạm Trang

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top