Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Giữ hồn cánh đồng cói Nga Sơn

Thứ năm, ngày 23 tháng 5 năm 2024 | 10:16

Trải qua hơn 100 năm với bao biến cố, cây cói vẫn được người dân Nga Sơn (Thanh Hóa) dốc sức, nỗ lực giữ gìn. Tuy nhiên, diện tích trồng cói nơi đây hiện đã giảm đi đáng kể.

Cánh đồng cói Nga Sơn được bao thế hệ người nông dân nơi đây đẫm ướp mồ hôi níu giữ.

Những giọt mồ hôi mặn mòi níu giữ

Nhắc đến Nga Sơn, ai trong chúng ta cũng biết, đó là nhắc tới cây cói của vùng đất mặn mòi. Nơi những giọt mồ hôi của người nông dân đã ướp mặn những thân cói bao đời nay để gìn giữ màu xanh của cây cói trên cánh đồng.

Đi dọc vùng triều, gặp những người dân chân chất nơi đây, ai cũng tự hào khi nhắc về cây cói. Bởi loài cây này không chỉ nuôi sống bao gia đình mà còn là “nhân chứng sống” chứng kiến bao thế hệ người dân bươn chải trên cánh đồng, góp phần xây dựng mảnh đất Nga Sơn phát triển như ngày nay.

Theo lời kể của các cụ cao niên, ngày xưa, cây cói vùng biển này làm nên những chiếc chiếu cói Nga Sơn, là một trong những sản vật cống tiến triều đình. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, với biết bao thăng trầm, diện tích trồng cói bị thu hẹp, không còn xanh mướt như xưa.

Chúng tôi đến thôn 2, xã Nga Thanh, gặp bà Trần Thị Mơ (71 tuổi) đang ngồi trước cửa dóc quại, người mà cả cuộc đời gắn bó với cây cói. Bà chia sẻ: Cói Nga Sơn dệt nên những chiếc chiếu truyền thống từng vang vọng khắp muôn nơi, được người xưa đúc kết câu ca “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Những đứa trẻ vùng đất quê tôi 11-12 tuổi đã theo chân bố mẹ ra đồng chăm sóc cói. Đến mùa thu hoạch, già trẻ, trai gái cùng nhau trên cánh đồng cắt cói phơi rồi mang về chẻ, dệt chiếu, vui như trẩy hội.

“Gia đình tôi có truyền thống trồng cói nhiều đời. Cói được xem như máu thịt làng quê, vì là cây chủ lực giúp nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa và nhiều gia đình thoát được cái nghèo, xây dựng vùng quê phát triển. Ngày trước, chiếu cói được giá, người dân thu hoạch cói về tự dệt chiếu cung ứng cho thị trường nên có thu nhập, bây giờ bà con chủ yếu bán sợi, giá trị thấp, dù khó khăn như thế nhưng quê tôi vẫn giữ được nghề”, bà Mơ nói.

Gặp ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn 2, xã Nga Thanh với thân hình gày gò trong bếp lên mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt. Ông nói: Gia đình có truyền thống 5-6 đời trồng cói. Trồng cây cói này rất vất vả, thời tiết càng nắng, người dân như tôi lại  càng phải gồng mình trên cánh đồng để cắt cói phơi. Ở vùng đất này, không làm cói thì biết làm gì. Năm 2023, giá cói thô ở mức 6.000 - 8.000 đồng/kg, 16.000 đồng/kg lõi cói. Tuy cây cói giúp những đứa con của tôi được đến trường học như bạn bè cùng trang lứa, gia đình có căn nhà để ở nhưng chưa bao giờ tôi thấy cây cói có đầu ra ổn định.

Theo ông Tuấn, những năm gần đây, chất lượng cây cói giảm, kéo theo diện tích cói của gia đình cũng như bao hộ dân trên địa bàn giảm theo, từ 2,5ha xuống còn 1,7ha. 

“Làm ruộng thì phải nhất nước, nhì phân nhưng nguồn nước mấy năm nay quá kém, dẫn đến chuột làm hại, mà kế hoạch diệt chuột của huyện lại không phù hợp với vùng đất trồng cói này”, ông Tuấn nói.

Giải pháp giữ sản vật địa phương

Theo bà Vũ Thị Hương, cán bộ địa chính xã Nga Thanh: Cói vẫn là cây chủ lực của địa phương, trồng 1 lần thu hoạch 4-5 năm, sau đó mới phải tiến hành cải tạo, đảo mống trồng lại. Tuy nhiên, diện tích trồng cói trên địa bàn hiện giảm còn 100ha, do một phần quy hoạch và một phần hệ thống thủy lợi không đảm bảo cung cấp nguồn nước cho ruộng đồng.

Bên cạnh đó, giới trẻ nay chuyển dịch sang ngành nghề khác, lao động chủ yếu là lớn tuổi. Để phát triển nghề cói, chính quyền địa phương vận động người dân cải tạo ruộng đất bằng cách hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đảo mống khi chất lượng cây cói giảm.

Bà Trần Thị Mơ (xã Nga Thanh) đang đan quại để bán.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn, cho biết: Xưa kia, cói được trồng tại 8 xã ven biển của huyện. Những năm trở lại đây, diện tích cói giảm dần, chỉ còn trồng ở 6 xã. Theo con số thống kê, niên vụ năm 2015, toàn huyện có 858 ha cói, niên vụ 2023 giảm còn 750 ha. Nguyên nhân do đầu ra của sản phẩm cói không đảm bảo.

Mặt khác, các khâu trong sản xuất thâm canh cây cói hoàn toàn thủ công, từ khâu làm đất đến thu hoạch và sơ chế, do vậy, tốn nhiều nhân công, tăng chi phí sản xuất, đầu ra của cói  lại phụ thuộc vào nhu cầu thị trường: chủ yếu sử dụng vào việc xe lõi, dóc quại, dóc thảm, dệt chiếu, dùng làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một phần bán sản phẩm dưới dạng cói thô (cói chẻ).

Để giữ diện tích cói ổn định trên địa bàn, năm 2023, huyện Nga Sơn ban hành chương trình hỗ trợ cải tạo, hạ thấp mặt bằng trồng cói với mức 40 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 3 huyện phát triển nghề trồng cói (Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống). Cói không phải là loại cây làm nguồn thu nhập chính mà chỉ là tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài giá trị về kinh tế, giá trị xã hội, cây cói còn có vị trí quan trọng góp phần chống biến đổi khí hậu, cân bằng hệ sinh thái vùng biển và bảo vệ môi trường.

Theo ông Trung, giai đoạn 2006-2008, toàn tỉnh có 4.500ha cói, nay xuống còn 3.000ha, nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thủy lợi, kho tàng, máy móc phục vụ chế biến chưa được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, giống cói đang bị thoái hóa, sản xuất cói còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo tập quán, thiếu đồng bộ và bền vững; việc liên kết với các làng nghề mới dừng ở tổ hợp tác và hợp tác xã, các sản phẩm còn khá đơn giản.

Để phát triển cây cói, cần phải đẩy mạnh việc thúc đẩy phục hồi tự nhiên thâm canh cây cói, lựa chọn giống phù hợp với điều kiện canh tác, bổ sung phân bón hữu cơ để tăng độ mùn, đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối vùng nguyên liệu và khu sản xuất, khai thác nguồn lợi thủy sản không để ảnh hưởng đến phát triển cây cói.

Ngoài ra, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tạo thành chuỗi giá trị, hình thành khu sơ chế, sản xuất trang bị đầy đủ các trang thiết bị và dây chuyền đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tuyên truyền, mở lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật khai thác về cói, tổ chức giao lưu nghề truyền thống...

 

Thanh Duyên

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top