Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Một số điểm mới trong Luật Đất đai 2024 về bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp

Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024 | 10:20

Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới quy định việc hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng đất nông nghiệp, bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.

(Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa khai mạc ngày 20/5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề nghị Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới).

Quy định bồi thường về đất 

Khoản 1, Điều 96, Luật Đất Đai 2024 quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 của Luật này thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp, bằng tiền, bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.

Theo quy định tại Điều 95, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia thì được bồi thường về đất khi đáp ứng được các điều kiện như:

Có giấy CNQSDĐ (chứng nhận quyền sử dụng đất), có quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật từ người có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai. Được sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Luật Đất đai 2024 có một số quy định mới về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.

Việc bồi thường được quy định cụ thể như: Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức quy định tại các Điều 176, 177 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế. Với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày 01/7/2014 thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không đủ điều kiện để được cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì việc bồi thường được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Những điểm này có sự khác biệt so với quy định hiện hành, tại Điều 74, Điều 77 Luật Đất đai 2013 quy định đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Hạn mức bồi thường

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì hạn mức bồi thường về đất nông nghiệp được quy định:

Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại các Điều 176, 177 của Luật Đất Đai 2024 và diện tích đất do được nhận thừa kế. Cụ thể, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác).

Đối với hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Đối với hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30ha đối với mỗi loại đất (rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng). Cá nhân được giao nhiều loại đất trong các loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05ha.

Trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi (trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 ha).

Mặt khác, hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 (UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân).

Đối với đất nông nghiệp của cá nhân sử dụng ngoài địa phương nơi cư trú thì cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân.

Đối với diện tích đất nông nghiệp của cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định.

Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi

Theo các khoản 1,2,3,4,5 Điều 103 Luật Đất đai 2024 về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi thì khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng, việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

Đối với cây hằng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch đối với cây trồng đó. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của loại cây trồng đó tại địa phương và đơn giá bồi thường;

Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây.

Đối với cây lâu năm là loại cho thu hoạch nhiều lần mà đang trong thời kỳ thu hoạch thì mức bồi thường được tính bằng sản lượng vườn cây còn chưa thu hoạch tương ứng với số năm còn lại trong chu kỳ thu hoạch và đơn giá bồi thường;

Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.

Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển thì được bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do UDND cấp tỉnh quy định…

 

Mạnh Tiến

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top