Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  

ĐBSCL triển khai giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024 | 10:34

Do tác động của biến đổi khí hậu, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều tác động cực đoan như: hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt; sụt lún, sạt lở đất... Trước thực trạng trên nhiều giải pháp ứng phó đã được đưa ra.

Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vùng đất thấp, bằng phẳng, cao độ trung bình phổ biến từ 1 đến 2 m so với mực nước biển. Vùng đồng bằng có diện tích gần 4 triệu ha (39.734 km2), trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng đất này cung cấp 55% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.

Sạt lở bờ sông ở Tiền Giang ảnh hưởng đến nhà ở của người dân.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, lũ lụt thất thường, xâm nhập mặn, nước biển dâng... Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, tác động của biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con.

Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…Hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500 ha đất do lở bờ sông, bờ biển.

Theo thống kê của Cục quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, năm 2023 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. Tổng mức sụt lún trung bình trong giai đoạn từ 2005 đến năm 2017 cho toàn vùng là 12,3cm (từ 3,45 cm đến 23,27 cm). Tốc độ sụt lún trung bình hàng năm cho toàn khu vực trong giai đoạn này là 1,07cm/năm (từ 0,38cm đến 1,99 cm/năm).

Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con. Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm 2024 tới nay, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng nước ngọt tại đây sớm hơn trước 1-1,5 tháng.

Từ tháng 4/2024 đến nay, xâm nhập mặn vùng ven biển gia tăng, một số thời điểm độ mặn tăng cao đột biến. Như ngày 18-22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) độ mặn hơn 3-4 g/lít, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/lít, ảnh hưởng đến lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Vùng đệm U Minh Thượng Kiên Giang xảy ra sụt lún, sạt lở.

Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất. 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Khoảng 73.900 hộ (2,1% số hộ dân nông thôn) bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thấp hơn so với năm 2019-2020 (96.000 hộ).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, trong gần 1 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần ra văn bản giao bộ có giải pháp tổng thể về tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và nước sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khẩn trương xây dựng “Đề án Phòng chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Đề án).

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, ĐBSCL hiện có 94% diện tích có cao độ dưới 2m, rất nhạy cảm với ngập nước, triều cường và xâm nhập mặn. ĐBSCL có địa chất mềm yếu nên rất dễ xói lở.

Hạn mặn vào sâu hàng chục km tại một số địa phương vùng ĐBSCL.

Thời gia qua, có 3 yếu tố đang tác động mạnh tới ĐBSCL là phát triển ở thượng nguồn sông Mekong; biến đổi khí hậu - nước biển dâng; lún sụt, hạ thấp lòng dẫn. Trong đó, phát triển ở thượng nguồn sông Mekong đang góp phần làm gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng xói lở bờ biển, thiếu nước ngọt. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ngập úng và làm gia tăng xâm nhập mặn. Lún sụt, hạ thấp lòng dẫn cũng làm gia tăng xâm nhập mặn, tăng ngập và khó tiêu thoát nước.

Do tác động từ phát triển ở thượng nguồn sông Mekong, dòng chảy mùa lũ ở ĐBSCL đang biến động theo xu thế giảm so với trước đây. Cụ thể, từ năm 2011 trở về trước, cứ khoảng 4 - 5 năm sẽ xuất hiện 1 trận lũ vừa hoặc lớn. Nhưng từ năm 2012 đến nay, lũ nhỏ liên tục xuất hiện và không có đỉnh lũ nào vượt báo động 3. Trong tương lai xa, khoảng 30 - 50 năm tới, số năm xuất hiện lũ lớn sẽ gần như không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ, thậm chí không có lũ.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Phát biểu tại buổi báo cáo “Đề án Phòng chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” mới đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Đề án phải tiếp cận theo hướng quản lý rủi ro thiên tai ở ĐBSCL, quan tâm tới các giải pháp phi công trình như tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo…

Ông Phạm Văn Sỹ, chuyên viên Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất một số giải pháp, như cần xây dựng chiến lược tổng thể, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long; giảm tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm. Bởi sụt lún làm gia tăng tác động của nước biển dâng. Ngoài ra, xây dựng hệ thống công trình trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô; hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn; chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các tuyến dân cư, nhà ở để chủ động hỗ trợ người dân trong các trường hợp cần thiết.

Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả cao ở một số tỉnh tại ĐBSCL. Mô hình thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam khuyến nghị, việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Cụ thể, cần chú trọng xây dựng các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỷ m3. Trữ nước trên ruộng (đối với lúa), trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng. Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khan trong mùa khô.

TS Sepehr Eslami, Trung tâm nghiên cứu về đồng bằng châu thổ (Deltares) nhấn mạnh, sẽ cần các giải pháp tổng hợp thay vì giải pháp đơn lẻ. Trong đó, liên kết vùng rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác cát. Bởi xói mòn đáy tác động rất lớn đến xâm nhập mặn. Hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, đặc biệt là với Biển Hồ (Campuchia) trong việc điều tiết, quản lý nguồn nước.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn, như thực phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; Xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận và đặc biệt TP. Hồ Chí Minh.

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Cửu Long, từ năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định kỳ cập nhật và công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, được xây dựng dựa trên các công bố mới nhất của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Nội dung Kịch bản đã sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quẩn đảo của Việt Nam.

Trữ nước bằng lu, kiệu để sử dụng trong mùa khô là cách làm truyền thống rất hiệu quả của nông dân vùng hạn, mặn.

Tại Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long” mới đây, các đại biểu nhận định, để bảo vệ vùng đồng bằng trù phú này, các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng quan tâm bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, hợp lý, phù hợp đặc điểm từng vùng sinh thái với từng loại cây trồng vật nuôi “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ; quan tâm đến việc trữ nước ngọt vào mùa khô hạn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; sử dụng nước tuần hoàn, hạn chế khai thác nước ngầm để giảm tình trạng sụt lún, sạt lở đất.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư những dự án tỷ đô để ứng phó với sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán. Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã cấp 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, vùng kinh tế quan trọng này cần được đầu tư các dự án lớn hàng tỷ USD để ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Đề án Phòng chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải giải quyết tổng thể giữa sạt lở, sụt lún, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và nước sinh hoạt. Với những vấn đề này, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn để giải quyết từng bước, nhưng có những việc phải giải quyết dứt điểm như sạt lở bờ biển Tây, thiếu nước sinh hoạt… Ngoài các giải pháp công trình, các giải pháp phi công trình cũng phải được đưa vào đề án, nhất là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và theo nguồn nước. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo ở các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; đưa ra các giải pháp về khoa học, công nghệ…

 

Tổng hợp từ nguồn: Nongnghiep.vn; Kinhtemoitruong; Dangcongsan.vn

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top