Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Viết tiếp câu chuyện vốn liếng

Thứ năm, ngày 30 tháng 5 năm 2024 | 10:1

Vốn liếng có thể được giải nghĩa rất rộng, bao hàm tất cả những yếu tố cần thiết nhất để hoạt động hiệu quả.

Viết tiếp là vì đề tài này đã viết cách đây gần 5 năm nhưng giờ đọc lại vẫn thấy còn nhiều điều cần trao đổi thêm. Viết tiếp là vì vừa nhận được thông tin một vài doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí có thể ngưng hoạt động, do gánh nặng lãi suất, vốn liếng cứ thiếu trước hụt sau.

Viết tiếp là vì càng đồng hành càng thấu hiểu con đường khởi sự lập nghiệp, sản xuất kinh doanh luôn tiềm ẩn bao chướng ngại, có tính phức tạp và độ rủi ro cao, sự thành công trên thương trường đầy sóng gió đôi khi thật mỏng manh.

Trước hết, đúng là muốn làm gì cũng cần đến vốn liếng, không ít thì nhiều, vốn của mình hay vay mượn hoặc từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ tài trợ. Ở đâu cũng vậy, mà thời nào cũng vậy. Vậy mới có câu vừa đùa vừa thật: “Đầu tiên là tiền đâu”.

Vậy vốn liếng là tiền mà tiền đích thị là vốn liếng, có phải vậy không? Hình như là vậy, mà hình như cũng không hẳn là vậy! Không phải vậy vì nguồn vốn đo lường bằng tiền hay tiềm lực tài chính chỉ là một trong những nguồn vốn khác: vốn con người, vốn xã hội, vốn văn hoá…

Vốn liếng có thể được giải nghĩa rất rộng, bao hàm tất cả những yếu tố cần thiết nhất để hoạt động hiệu quả.

 

 

Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhà trống thì gió vừa vào cửa trước đã vội vàng thoát ra hết cửa sau. Nhà khó thì bao nhiêu nhu cầu cần chi tiêu, không biết tính toán thì tiền bao nhiêu vẫn không đủ, dễ lâm vào cảnh “bóc ngắn cắn dài”.

Trong xã hội, không ít người hôm trước trúng số độc đắc, hôm sau đã khánh kiệt gia sản. Vấn đề không phải ở việc tiền ít hay tiền nhiều, mà là sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ. Cần biết suy tính, xếp đặt cách thức làm ăn, xác định thứ tự ưu tiên việc cần làm.

Cần biết lường trước rủi ro, biết cách sử dụng nguồn tiền, để “tiền ra khỏi cửa, tiền đẻ; tiền ở trong nhà, tiền chửa”. Cần biết cân đối chi phí, lợi nhuận, không để “lãi mẹ đẻ lãi con”, dẫn đến cụt vốn, cùng đường.

Tựa đề một quyển sách gợi lên nhiều điều suy nghĩ: “Người nghèo nghèo cái túi. Người giàu giàu cái đầu”. Mỗi cách tư duy ứng với mỗi cách thức hành động, đem đến kết quả khác hẳn nhau. Trong nghịch cảnh, thay vì trông chờ, ỷ lại, vẫn luôn vững tin rằngMọi việc dù khó khăn đến mấy, vẫn có thể làm được nếu mình có một khối óc biết nghĩ suy, một trái tim biết rung cảm, một tinh thần biết kiên trì, nhẫn nại”.

“Cho nhau bạc vàng không bằng trỏ đàng đi buôn”. Vốn liếng được tạo dựng từ các mối quan hệ xã hội gắn kết bền chặt. Quan hệ liên kết, hợp tác với những bạn hàng cung cấp nguyên liệu. Quan hệ liên kết, hợp tác với những khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng.

Quan hệ liên kết, hợp tác với đối tác lẫn đối thủ trên tinh thần tôn trọng, ai cũng được lợi. Quan hệ liên kết, hợp tác với những người chung quanh, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, chứ không phải chỉ nghĩ đến mình, biết đến mình.

Buôn có bạn, bán có phường”, sống, kinh doanh, làm ăn mà cứ lẻ loi, lủi thủi một mình, thì khó mà thành công, hoặc nếu thành công cũng chỉ là nhất thời, ngắn hạn mà thôi!

 

 

 

 

Vốn liếng đến từ “chữ tín làm đầu” trong sản xuất, kinh doanh. Đó là biết định hình cách làm người, rồi mới đến cách làm ăn, cách làm ra tiền. Đừng vì lợi nhuận trước mắt, mà quên đi lợi ích dài hạn. Sản xuất, kinh doanh đâu phải chỉ “chốt lời” qua một mùa một vụ, thương vụ. Uy tín, nhân cách mới tạo dựng thương hiệu bền lâu, đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công. Bây giờ người ta lựa chọn sản phẩm, dịch vụ không chỉ vì giá cả, chất lượng, mà còn bằng cả cảm xúc, niềm tin dành cho người sản xuất, kinh doanh, bán hàng tử tế.

Vốn liếng gắn với tư duy rộng mở và lạc quan, giúp con người luôn giữ cân bằng trong cuộc sống. Con người mà mãi chìm đắm trong bi quan, chán nản, hay quy trách nhiệm cho người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh, thì khó mà tập trung tinh thần để vươn tới thành công. Con người mà luôn xét nét thiệt hơn vì phần lợi nhỏ trước mắt, thì khó lòng đạt nghiệp lớn lâu dài.

Ông bà mình thường nhắc nhở: “Đã thương thì thương cho trót; đã vót thì vót cho tròn”“Của cho không bằng cách cho”. Các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đoàn thể, các chuyên gia đã và đang tận tâm với các chương trình khởi nghiệp, phát triển hợp tác xã, nông trại, du lịch nông nghiệp… cần quan tâm thêm đến nhu cầu mở mang kiến thức, nâng cao năng lực, kết nối vòng tròn các mối quan hệ, bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ hữu hình.

Nếu chỉ dừng lại ở bàn thảo về cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền, về vốn sản xuất, kinh doanh ban đầu, thì rất dễ rơi vào tình huống “mất cả chì lẫn chài”. Không chỉ là con cá, mà còn là cần câu. Không chỉ cần câu, mà còn là hướng dẫn cách thức câu cá. Không chỉ là cách thức câu cá, mà còn là kiên trì tạo dựng tinh thần, thái độ câu cá.

Trước khi hỗ trợ vốn liếng, cần ngồi lắng nghe đối tượng thụ hưởng chia sẻ, giãi bày, để đánh giá đâu là điểm mạnh, nhận ra đâu là điểm yếu, chỗ nào là khó khăn trước mắt, chỗ nào là khó khăn lâu dài, biết rõ trí lực đối tượng thụ hưởng như thế nào, năng lực ra sao. Mỗi người mỗi câu chuyện mỗi hoàn cảnh. Mỗi một bài toán mỗi một cách giải. Đâu thể nào có một đáp số chung cho tất cả. Phân tích thấu đáo từ nhiều nguồn thông tin sẽ giúp cho đối tượng thụ hưởng trước hết cần nhìn đúng thực lực của mình, biết so sánh để biết mình đang đứng ở đâu, không rơi vào huyễn hoặc tự cho mình đã đủ kiến thức, kỹ năng trong khi “Điều mình biết chỉ là hạt cát. Điều mình chưa biết là cả một đại dương”.

 

 

 

 

Trước khi hỗ trợ vốn liếng bằng tiền, bằng vật chất cụ thể, cần giúp cho đối tượng thụ hưởng hiểu rằng con người muốn thành công không chỉ cần tiền, mà còn cần biết huy động những “nguồn vốn” đa dạng và vô hạn. Đó là “vốn con người”muốn thành công cần suy nghĩ khác, tính kiên trì, có niềm tin rằng mình có thể làm được. Đó là “vốn văn hoá”, muốn thành công phải là người có văn hoá, yêu thích học hỏi, khiêm nhường, kiên trì và có niềm tin vào việc mình làm. Đó là “vốn xã hội”, muốn thành công phải là người biết kết nối, tạo ra một vòng tròn các mối quan hệ cho mình. Vòng tròn càng rộng khả năng thành công càng cao. Đó còn là cách chúng ta tư duy lại về hỗ trợ vốn liếng, làm theo đúc kết của tiền nhân: “Của cho không bằng cách cho!”.

Thế giới bao la vô cùng, không ai có thể một mình thay đổi thế giới, thay vì vậy, hãy thay đổi chính mình trước. Nên nhớ rằng, không có con đường nào trải đầy hoa hồng. “Đừng buồn vì trong bụi hồng có gai, mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng!”.

“Đi buôn không lỗ thì lời. Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng”.

Lời lãi lúc đầy lúc vơi, sản xuất, kinh doanh lúc thuận lúc khó. Tục ngữ “Buôn tài không bằng dài vốn” phải chăng là nhắc đến vốn liếng bền bỉ tích lũy từ những va vấp, trải nghiệm “biết mặt trời mặt trăng”, “thua keo này ta bày keo khác”?

Nội dung: 
Lê Minh Hoan
Thiết kế: 
Trương Khánh Thiện
Ảnh: 
TL
 
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top