Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024  

Cơ hội để nông sản Việt tham gia chuỗi cung ứng quốc tế

Thứ bảy, ngày 8 tháng 6 năm 2024 | 12:11

Dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam trong hệ thống phân phối quốc tế là rất lớn, song chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường hay xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ.

Cần chú trọng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Nông sản thô còn chiếm tỷ lệ cao

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin: Mặc dù, nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm, tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD; trong đó, nhiều mặt hàng nông sản tăng cả về giá trị và lượng như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều.

Bước sang năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định: kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng dương như sang Hoa Kỳ (tăng 23,9%), Trung Quốc (tăng 8,6%), Nhật Bản (tăng 6,6%) và cùng với đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong ngành nông nghiệp cũng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như: cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%), gạo đạt 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%), rau quả đạt 2,59 tỷ (tăng 28,1%), tôm đạt 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%)…

Mặc dù, đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thắng, trên thực tế Việt Nam vẫn chủ yếu xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao; và đây không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả.

Ngoài ra, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức từ việc tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường hay xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm: Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất cả nông, lâm và thuỷ sản. Sản lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như năm 1990, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD, đến nay đã vượt mốc 53 tỷ USD/năm.

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu; thứ hai thế giới về cà phê và lớn thứ ba về gạo. Thuỷ sản Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc khi vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để tham gia chuỗi cúng ứng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.

Theo ông Lê Thanh Hoà, cùng với việc phát triển sản xuất, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh của Việt Nam nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, trái ngược với mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nhanh như lương thực, rau, quả thì sản phẩm chăn nuôi (gia súc, gia cầm) của Việt Nam dù có năng lực sản xuất lớn nhưng còn gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu do hạn chế về đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Xây dựng chuỗi cung ứng có liên kết, kiểm soát chặt chẽ

Thông tin về thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản nhưng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong số đó. Điều này cho thấy, dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam tại đây là rất lớn. Tuy nhiên, EU là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng và cập nhật thường xuyên các quy định nhập khẩu.

Muốn tránh các rủi ro về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được chuỗi cung ứng có liên kết, kiểm soát chặt chẽ.

"Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, gia tăng khả năng đáp ứng các tiêu sản xuất – vận chuyển – tiêu dùng bền vững. Việc quản lý chất lượng sản phẩm không chỉ nằm ở khâu sản xuất mà còn là vấn đề từ nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản… Do đó, muốn tránh các rủi ro về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được chuỗi cung ứng có liên kết, kiểm soát chặt chẽ”, ông Trần Ngọc Quân khuyến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn Vinamilk cho biết, trước đây, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia không có lợi thế ngành sữa, nhưng hiện nay sản phẩm sữa mang thương hiệu Vinamilk đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia khác nhau. Bí quyết của Vinamilk là chủ động lựa chọn chiến lược phát triển bền vững và tìm kiếm đối tác phù hợp.

Theo đó, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ mới đề cập đến sản xuất xanh, giảm phát thải carbon trong vài năm trở lại đây thì Vinamilk đã triển khai thực tế tại trang trại và nhà máy cách đây hơn chục năm. Việc đạt được chứng nhận nhà máy và trang trại trung hoà carbon đầu tiên tại Việt Nam giúp Vinamilk trở thành tiêu chuẩn nguồn cung cho các đối tác đề cao tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Về thị trường, sau khi xây dựng và khẳng định được thương hiệu tại thị trường nội địa, Vinamilk tập trung vào thị trường Trung Đông nơi có nhu cầu sản phẩm từ sữa cao và tìm kiếm đối tác am hiểu thị hiếu khách hàng. Vinamilk cũng đầu tư phát triển sản phẩm liên tục, đáp ứng nhiều phân khúc, đối tượng khách hàng khác nhau. Ngoài các thị trường truyền thống, Vinamilk đang hướng đến khu vực châu Phi và Nam Mỹ, nơi còn nhiều dư địa cho sản phẩm sữa.

“Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bán hàng, bán những sản phẩm khách hàng cần và yêu thích. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần sự kiên trì trong tìm hiểu nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng. Việc xây dựng mạng lưới đối tác cũng vô cùng quan trọng vì đây chính là cánh tay nối dài của doanh nghiệp trong chiến lược mở rộng thị trường", ông Võ Trung Hiếu chia sẻ.

Doanh nghiệp quyết không bỏ lỡ cơ hội

Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin rằng, hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới.

Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu, gia cầm… là danh sách nối dài có thể được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Nông sản Việt Nam lại có thêm cơ hội thu thêm nhiều tỷ USD từ thị trường này.

Bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vĩnh Khang, cho hay doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc từ năm 2022. Từ khi ký Nghị định thư, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh.

Sầu riêng đã trở thành ngành hàng tỷ USD nhờ xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. 

Trong năm, Việt Nam có nhiều vụ thu hoạch sầu riêng. "Mỗi một vụ, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 60 container, mỗi công hàng khoảng 18 tấn sầu riêng tươi", bà Giang cho biết.

Theo nhận định của bà Giang, giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan nên hấp dẫn các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô về Việt Nam mua hàng.

Chờ đón cơ hội từ sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Trung Quốc, bà Giang khẳng định doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để có thể được tham gia xuất khẩu sản phẩm này. Với kỹ thuật rải vụ, tính chất mùa vụ phân bố ở các vùng, Việt Nam gần như quanh năm có sầu riêng.

Năm 2022, công ty CP Ameii Việt Nam không ghi nhận doanh thu xuất khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên sau khi thị trường 1,4 tỷ dân này mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng, theo đó Ameii đã chuyển hướng về Trung Quốc.

Ngay trong vụ vải thiều 2024, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Ameii cho biết doanh nghiệp này sẽ có những container đi thị trường Trung Quốc, tập trung vào phân khúc cao cấp.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá nhu cầu sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái, trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hơn, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm.

Tuy vậy, ông Bình lưu ý cần đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới chất lượng sản phẩm. Theo đó, cần giám sát việc thực hiện các quy trình trong quá trình sản xuất từ việc sử dụng vật tư đầu vào, trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch (theo dõi, giám sát thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch của các mã số vùng trồng) để đảm bảo đủ chất lượng, an toàn và dễ dàng thuận tiện cho công tác truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, cần cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho công nghiệp chế biến để vừa đa dạng hóa các sản phẩm trái cây xuất khẩu vừa góp phần giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tươi, sản phẩm thô đặc biệt là giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm mùa vụ./.

 

Thanh Tâm (t/h theo bnews.vn, Congthuong, business.vn...)

Xem thêm

4 5[6]
Top