Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024  

Xuất khẩu rau quả: Dư địa thị trường lớn, cần nâng cao chất lượng xứng tầm

Thứ hai, ngày 10 tháng 6 năm 2024 | 19:29

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng cao, đạt 2,59 tỷ USD. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của mặt hàng này còn chưa cao thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, nên cần có giải pháp để xử lý để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững xứng tầm.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Dư địa thị trường rất lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối... còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính riêng Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu một số loại quả đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sầu riêng tăng 63,3%, đạt gần 251,94 triệu USD; thanh long tăng 4,9%, đạt 171,85 triệu USD; chuối tăng 25,6%, đạt 142,37 triệu USD... Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu nhiều loại trái cây ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: dừa tăng 112,6%; nhãn tăng 159,9%; hạt mắc-ca tăng 113,9%.

Thị trường xuất khẩu chính của các loại rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan... Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã vượt Thái Lan và Philippines, trở thành nhà cung cấp sầu riêng và chuối lớn nhất cho thị trường này. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.

Cụ thể như, tại thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, thị phần hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Ngoài thị trường Trung Quốc, những tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận bước phát triển mới trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều loại sản phẩm tương đồng với Việt Nam.

Với thị trường EU, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Văn Công cho biết, hàng năm, EU nhập khẩu rau quả khoảng 101,9 tỷ USD, chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu. Trong đó rau 36,4 tỷ USD và trái cây đạt 65,5 tỷ USD. EU nhập khẩu rau quả từ các nước bên ngoài khối khoảng 35 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam là 228 triệu USD trong năm 2023. Đây được xem là dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Cần giám sát nâng cao chất lượng các sản phẩm

Có thể thấy, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường thì hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Nguyễn Thanh Bình, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.

Cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cũng cho hay, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; rủi ro khi nội lực của ngành còn yếu vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp...

Công nhân Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng) sơ chế rau quả xuất khẩu. (Ảnh: Quang Hiếu).

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm khi thu hoạch.

Đồng thời, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả và quản lý tốt mã số vùng trồng cũng là hoạt động cấp thiết nhằm duy trì chất lượng rau quả Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam với nhiều thị trường khác nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, bộ sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Hiện nay, bộ đang xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều mặt hàng giảm mạnh, ngành rau quả trong 5 tháng qua, đã tăng khoảng 26% so với cùng kỳ. Ngoài những tín hiệu lạc từ thị trường, để có được mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ các nhà máy rau quả mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc chuyển từ xuất khẩu hàng thô sang các sản phẩm chế biến sâu đã phát huy hiệu quả.

Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho biết, mỗi ngày nhà máy này thu mua từ 30 - 40 tấn xoài nguyên liệu. Nhờ đầu tư hệ thống cấp đông, tăng cường chế biến, đa dạng sản phẩm, nên đơn vị luôn ký được các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và châu Á.

Sản xuất ống hút từ rau củ phục vụ xuất khẩu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). (Ảnh: Trọng Tùng ) 

"Chế biến sâu là mình tạo những sản phẩm đi đến các thị trường xa, rộng rãi, lưu trữ được. Thành ra sản lượng sẽ được nhiều", ông Trịnh Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho hay.

Nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đặc biệt chinh phục được các thị trường khó tính nên nhiều sản phẩm rau quả tại đây có giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm thông thường. Quan trọng đây là hướng đi bền vững cho ngành hàng tỷ đô này.Bền vững là vì chế biến sâu sẽ giúp các nhà máy có thể chủ động nguồn hàng nhờ bảo quản lâu hơn. Từ đó, xóa dần áp lực bán nhanh và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nó còn tiêu thụ hiệu quả nguyên liệu cho bà con nhà vườn khi vào mùa thu hoạch.

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang cho biết: "Chế biến sâu giúp bà con giải quyết được sản lượng lớn tại thời điểm mùa vụ. Nếu như trong trường hợp chúng ta tiêu thụ tươi, có thể sẽ không tiêu thụ hết, dễ xảy ra tình trạng bị mất giá".

"Vừa qua, chúng tôi đã có hai lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sắp tới đây, tiếp tục sẽ mở rộng hơn nữa và mời gọi các doanh nghiệp để tham gia việc kết nối, liên kết sản xuất, trong đó quan tâm hơn nhiều vấn đề chế biến sâu", ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin.

Mỗi năm, sản lượng rau quả Việt Nam đạt khoảng 31 triệu tấn, thế nhưng tỷ lệ chế biến sâu chưa tới 20%. Qua đó cho thấy, dư địa để phát triển lĩnh vực này còn khá lớn. Nếu làm tốt hơn nữa khâu chế biến sẽ giúp ngành rau quả nước ta sớm vượt mốc 5,6 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu.

Giải pháp  tăng cạnh tranh và xuất khẩu bền vững

Theo Hiệp Hội Rau quả Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế 1 triệu tấn nguyên liệu 1 năm, tuy nhiên con số này mới chỉ chiếm hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Hiện ngành rau quả rất cần sự quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa nhất là nguồn vốn để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và cạnh tranh xuất khẩu bền vững.

 

Hiện, ngành rau quả rất cần sự quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa nhất là nguồn vốn để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chánh Thu bày tỏ: "Mong muốn Chính phủ xem xét hỗ trợ nhiều hơn nữa vấn đề vốn cho các nhà máy rau quả dạng tiên phong bao tiêu nông sản cho bà con và chuyển đổi sang chế biến sâu để có nhiều đơn vị tham gia".

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: "Chế biến sâu là yếu tố sống còn của ngành nông sản. Riêng An Giang sẽ rà soát các chương trình tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp làm sao chuyển đổi công nghệ, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm cạnh tranh trên thị trường"./.

 

Thanh Tâm (t/h theo VTV, Kinhtedothi...)

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top