Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024  

Sơn La xây dựng nhiều mô hình sản xuất gắn với chuỗi liên kết

Thứ ba, ngày 11 tháng 6 năm 2024 | 10:51

Sau 3 năm triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022-2024, đã góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Cán bộ Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình hỗ trợ trồng thâm canh chanh leo tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.

Là đơn vị trực tiếp triển khai các mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã rà soát, lựa chọn các hộ nông dân tự nguyện, đủ điều kiện, có vùng trồng tập trung để hỗ trợ tham gia. Đến nay, đã thực hiện 5 mô hình trồng thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: 20 ha xoài tại huyện Yên Châu, Sông Mã; 5 ha chanh leo tại huyện Mai Sơn, 20 ha dứa tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã và Thuận Châu.

Trong 3 năm qua, Trung tâm đã tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh xoài, dứa, chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ quản lý kinh doanh HTX trồng cây ăn quả. Ngoài ra, tổ chức tập huấn lợi ích của liên kết sản xuất với nhà máy chế biến cho 30 hộ ở huyện Quỳnh Nhai không nằm trong mô hình trồng dứa VietGAP. Bên cạnh đó, hỗ trợ 945.000 chồi dứa, trên 47.000 cây dứa trồng dặm, 3.400 cây giống chanh leo, 980 túi bao quả...

HTX dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã tại xã Nà Nghịu được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh xoài an toàn, thời điểm này, các thành viên HTX đang vào mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 10 ha xoài đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, mặc dù thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, năng suất trung bình chỉ đạt 20 tấn/ha, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sản phẩm vẫn đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh thu năm nay đạt khoảng 1,4 tỷ đồng.

Cán bộ khuyến nông tỉnh trao đổi kỹ thuật chăm sóc dứa với cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 20 ha tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Mường La. Tham gia mô hình, năm đầu tiên, các hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật; năm thứ 2 được hỗ trợ chứng nhận VietGAP và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La, chia sẻ: Sau hơn 1 năm tham gia mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi thay đổi phương thức sản xuất từ kinh nghiệm truyền thống, sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến khi thu hoạch, còn được cán bộ khuyến nông kết nối với đơn vị thu mua sản phẩm theo giá thị trường; năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng. 

Việc xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng thâm canh xoài an toàn tại huyện Sông Mã.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Các mô hình được triển khai đã chứng minh hiệu quả công tác khuyến nông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phương pháp canh tác của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các mô hình trồng, thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP là những mô hình điểm để nông dân học tập, nhân rộng, góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư nông nghiệp cho các mô hình trồng thâm canh cây ăn quả an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trồng dưa lê vàng trên cao nguyên

Đến thăm Trang trại DooHo Mộc Châu tại bản Lùn, xã Mường Sang, đúng thời điểm thu hái dưa lê vàng. Nổi bật, trong hệ thống nhà kính hiện đại là những luống dưa lê vàng sai trĩu quả, trông rất bắt mắt. Thú vị hơn khi chủ nhân của mô hình này là anh Park DooHo, một nông dân đến từ đất nước Hàn Quốc.

Trang trại có 2 nhà kính rộng khoảng 10.000m2, mái lợp màng nilon trong suốt, xung quanh bao bọc bằng lưới chắn côn trùng, bên trong có hệ thống điện thắp sáng, thông gió, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Hàn Quốc... Từ mô hình này, mỗi năm anh Park DooHo trồng được 2 vụ. Với diện tích khoảng 1 ha hiện có, mỗi năm trang trại có thể thu được 30 tấn quả, bán được hơn 1 tỷ đồng.

Mô hình trồng dưa lê vàng trong nhà kính của Trang trại DooHo Mộc Châu.

Anh Park DooHo cho biết: Trước đây tôi cũng là nông dân chuyên trồng dâu tây bên Hàn Quốc. Khi sang Mộc Châu du lịch, tôi thấy khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Được Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương của Việt Nam giới thiệu và hỗ trợ kỹ thuật trồng dưa lê vàng, tôi quyết định thuê đất để trồng. Bước đầu mô hình của tôi khá thành công, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Trang trại DooHo Mộc Châu đang tạo việc làm cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Từ những nông dân chân chất, sau một năm đã biết làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, chăm sóc cây trồng...

Anh Đinh Tuấn Anh, cán bộ kỹ thuật Trang trại DooHo Mộc Châu, thông tin: Mô hình dưa lê trồng trên giá thể trong nhà kính là mô hình đầu tiên của Mộc Châu. Ưu điểm của mô hình này là tận dụng tối đa dinh dưỡng trong giá thể và đảm bảo nhiệt độ cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng của cây dưa.

Dưa lê vàng có thời gian sinh trưởng từ 70-80 ngày. Quả dưa có hình bầu dục, nặng xấp xỉ 400-500 gam/quả, vỏ màu vàng tươi, vị giòn, ngọt thanh; được cung cấp trên thị trường với giá bình quân khoảng 45 -50 nghìn đồng/kg. Giống dưa này thích hợp với đa dạng vùng miền, như: Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ. Đặc biệt, cây không chỉ phát triển tốt trong môi trường nhà kính, nhà lưới mà còn có thể trồng đại trà ở ngoài đồng ruộng. Do đó, đây là cơ hội mới, mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân Mộc Châu trong phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thái Thịnh, Phó trưởng bộ môn rau và cây gia vị, Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, chia sẻ: Dưa lê vàng Happy 6 được các nhà khoa học tại Viện lai tạo và chọn lọc từ giống dưa lê Hàn Quốc. Viện phối hợp với Trang trại DooHo Mộc Châu triển khai mô hình thí điểm trồng dưa lê vàng tại bản Lùn, xã Mường Sang từ năm 2023. Chúng tôi đã xây dựng mô hình dưa lê vàng thí điểm tại Mộc Châu với diện tích khoảng gần 2 ha, cây đang phát triển rất tốt. Do đây là cây trồng mới, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động bà con nông dân phát triển mô hình này, đồng thời sẽ hỗ trợ giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.

Nhờ sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, sau một năm trồng thử nghiệm, mô hình dưa lê vàng trồng trên giá thể trong nhà kính tại Mộc Châu đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.

Hiện nay, mô hình trồng dưa lê vàng đang được nhân rộng trên 20 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Đông Sang và Mường Sang, trong đó, có khoảng 10 ha đã và đang sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Dưa lê vàng trồng trong nhà kính, nhà màng có thể sản xuất được 2-3 vụ dưa/năm; bình quân 1 ha cho thu hoạch khoảng 30 tấn/năm với giá bán khoảng 45-50 nghìn đồng/kg tại vườn.

Hiệu quả kinh tế cao của mô hình trồng dưa lê vàng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân, góp phần đa dạng các sản phẩm nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Đồng thời, tạo ra sản phẩm mới chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp.

Mở rộng vùng chuyên canh rau theo hướng an toàn

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, cùng kinh nghiệm canh tác của nông dân, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất rau an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nông dân xã Mường Bon đã chuyển đổi diện tích ruộng lúa một vụ sang chuyên canh trồng các loại rau, củ. Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon, thông tin: Hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, tăng vụ, khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao thu nhập. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn sản xuất theo quy trình an toàn; ngoài ra, thành lập 3 HTX để liên kết tiêu thụ rau cho nông dân.

HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên, xã Mường Bon, có 21 thành viên tham gia liên kết trồng gần 7 ha rau màu, sản lượng trên 560 tấn/năm. Ông Phạm Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Khi tham gia theo chuỗi liên kết, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sơ chế rau sau thu hoạch đúng quy trình, nên chất lượng sản phẩm nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, việc trồng rau theo quy trình VietGAP, các hộ thành viên tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu kỹ thuật đối với giống, nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ, ghi chép đủ quy trình chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra ổn định. Hằng năm, mỗi hộ thành viên HTX thu nhập từ 300-400 triệu đồng.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, sản xuất rau theo quy trình VietGAP.

Còn tại xã Cò Nòi, với 459 ha rau màu các loại, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng nghìn tấn sản phẩm. Trong đó, phải kể đến HTX rau an toàn Vạn Phúc, có 17 thành viên, trồng gần 10 ha rau màu. Trước mỗi vụ sản xuất, HTX đều tìm hiểu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng theo yêu cầu các đơn vị đã ký kết bao tiêu sản phẩm. Bà Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX, nói: Với cách làm khoa học, hiệu quả, nên sản phẩm của HTX luôn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường; từ đầu năm đến nay, HTX đã tiêu thụ gần 200 tấn rau các loại, doanh thu trên 500 triệu đồng.

Gia đình anh Tòng Văn Thu, bản Mé, xã Chiềng Ban, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, làm mái che trồng 3.000 m² giống cà chua bi nhập khẩu Hà Lan, dưa chuột và rau cải theo hướng an toàn, hữu cơ. Anh Thu chia sẻ: Ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, gia đình còn phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, gắn với dịch vụ ẩm thực. Trung bình mỗi tháng gia đình đón khoảng 200 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, ăn uống.

Hiện, huyện Mai Sơn có 3.749 ha rau, đậu, cây gia vị các loại, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Chiềng Ban, Hát Lót, Mường Bằng, Mường Bon, Chiềng Mai, Chiềng Mung, Chiềng Sung; trong đó, 35,8 ha được cấp VietGAP. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Huyện đang duy trì 3 chuỗi cung ứng rau an toàn, tổng diện tích 450 ha. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khảo sát, quy hoạch loại cây trồng phục vụ nguyên liệu chế biến. Đến nay, có 9 HTX, tổ hợp tác và các hộ liên kết sản xuất hơn 260 ha rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương với Công ty.

Thực hiện Đề án “Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030”, huyện Mai Sơn đang rà soát, ưu tiên phát triển vùng chuyên canh rau theo hướng an toàn, hữu cơ, phấn đấu đến năm 2030, diện tích rau toàn huyện đạt 5.000 ha. Đồng thời, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, kinh phí xây dựng nhà kính, nhà lưới tại vùng chuyên canh rau an toàn cho các HTX và nông dân.

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top