Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024  

Cần Thơ: Thu hoạch lúa hè thu thuận lợi, giá lúa bấp bênh

Thứ tư, ngày 12 tháng 6 năm 2024 | 15:7

Hiện nay, nông dân Cần Thơ đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, thời tiết diễn biến phức tạp, thường xuyên có mưa, gây nhiều khó khăn cho việc thu hoạch lúa. Song, với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng và chủ động của nông dân, nên lúa hè thu được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời.

Bước đầu vào thu hoạch vụ lúa hè thu

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nắng nóng gay gắt trong thời gian qua đã có nhiều tác động tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa làm ảnh hưởng đến năng suất vụ hè thu bên cạnh đó việc thu hoạch cũng nhiều khó khăn, song phần bảo quản cũng không dễ.

Ngay khi bắt đầu thu hoạch lúa, thời tiết lại chuyển sang mùa mưa. Do vậy, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ không khỏi lo lắng về tình hình thời tiết mưa nắng thất thường có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa. Nhưng được sự quan tâm hỗ trợ và có các khuyến cáo kịp thời từ ngành chức năng, đồng thời nông dân cũng chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nên nhìn chung việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của bà con khá thuận lợi và kịp thời.

Nông dân đã kết nối với các doanh nghiệp và thương lái để thỏa thuận giá bán lúa từ trước ngày thu hoạch. Đồng thời, chú ý chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa, cũng như chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa từ sớm để đồng ruộng khô ráo, không cản trở cho thu hoạch bằng các thiết bị cơ giới.

Theo anh Nguyễn Văn Bạc ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết. Vụ này 8,5 công ruộng của tôi sạ giống OM 18 đã thu hoạch với năng suất đạt 800kg lúa tươi/công, bán được giá 8.000 đồng/kg, ước tính có thể kiếm lời khoảng 3 triệu đồng/công.

Thu hoạch vụ lúa hè thu tại Phường Trung An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ

Thu hoạch vụ lúa hè thu tại Phường Trung An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ

Năm nay, dù thời tiết có nhiều bất lợi nhưng nhờ thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp trong áp dụng các giải pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, thực hiện tốt các khâu làm đất, chọn giống tốt và bón phân cân đối... nên ruộng lúa của tôi phát triển khá tốt. Những tuần qua, dù trời thường xuyên có mưa nhưng ruộng lúa của tôi vẫn khá khô ráo nhờ được chủ rút nước sớm, từ đó lúa đã được thu hoạch khá nhanh chóng bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH)”.

Nhờ nông dân cũng chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa từ khá sớm để đồng ruộng khô ráo, giúp các loại máy có thể vận hành nhanh trên đồng ruộng. Đồng thời, phối hợp với các chủ máy GĐLH và các thương lái tranh thủ những thời điểm trời nắng để thu hoạch và cân bán lúa. Để tránh tình trạng đốt bỏ rơm rạ trên đồng sau thu hoạch, nông dân tại địa phương cũng tăng cường đưa máy móc thu gom rơm để trồng nấm hoặc bán rơm cho những hộ dân có nhu cầu sử dụng, việc đó không những tạo thêm được thu nhập mà còn giảm được lượng khí thải tránh ô nhiễm môi trường, anh Bạc cho biết thêm.

Việc mua bán khá thuận lợi nhưng nông dân cần được hỗ trợ thêm

Vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ gieo trồng được 71.280ha, đạt 103% so với kế hoạch, thấp hơn 1.676ha so với cùng kỳ. Vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn thành phố chủ yếu gieo trồng các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm, nhất là giống OM 18, OM 5451 và OM 380...

Nhiều loại lúa tươi đang được nông dân ở TP Cần Thơ bán ra ở mức từ cao hơn ít nhất từ 500-1.300 đồng/kg so với cùng kỳ 2023. Hiện, giá các loại lúa tươi IR 50404, OM 380, OM 5451 và OM 18 được nông dân bán ra ở mức 7.200-8.000 đồng/kg trở lên. Nhìn chung, việc tiêu thụ lúa cũng khá thuận lợi, lúa thu hoạch xong được nông dân bán ngay tại ruộng. Tuy nhiên, giá nhiều loại lúa đang có chiều hướng giảm so với những tuần trước, nên nhiều nông dân có lúa chưa thu hoạch lo lắng về giá cả đầu ra trong thời gian tới.

 Ông Nguyễn Văn Dũng ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt cho biết, đa phần nông dân đều nhận tiền cọc và có thỏa thuận chốt giá bán cho thương lái trước thời điểm thu hoạch lúa từ 1-2 tuần lễ trở lên. Tuy nhiên, mức nhận tiền cọc thường thấp, chỉ 300.000-500.000 đồng/công. Đến lúc thu hoạch, nếu giá lúa trên thị trường có biến động giảm mạnh, nông dân có thể không bán được mức giá đã thỏa thuận do thương lái đòi hạ giá, thậm chí có trường hợp bỏ luôn tiền cọc, không đến thu mua đúng ngày như thỏa thuận.

Điều này đã xảy ra rất nhiều trong các vụ lúa trước. Còn hiện nay, đầu ra xuất khẩu gạo tiếp tục có nhiều thuận lợi và có lẻ do lúa hè thu tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng chưa thu hoạch rộ nên nông dân chưa gặp khó trong tiêu thụ lúa dù giá có giảm so với trước.

Thu hoạch lúa ở P. Tân Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ

Thu hoạch lúa ở P. Tân Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ

Cũng theo ông Dũng, để giúp nông dân tiếp tục có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ lúa trong thời gian tới, rất mong ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp ổn định giá lúa và tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường. Thúc đẩy các thương lái và doanh nghiệp thực hiện thu mua lúa kịp thời và đúng theo các thỏa thuận và hợp đồng đã ký với nông dân.

Theo nông dân trồng lúa tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ, hiện nay, việc thu hoạch lúa được tiến hành một cách thuận lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí khi lúa ít bị đổ ngã, đồng ruộng khô ráo, thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển lúa bằng máy móc cơ giới. Hầu hết các ruộng lúa đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, với giá thuê máy chỉ ở mức trên dưới 300.00 đồng/công, tùy theo đồng lúa lớn hay ruộng đất manh mún.

Song, do mới có một phần nhỏ diện tích lúa hè thu 2024 được thu hoạch nên nông dân vẫn còn lo lắng tình hình thời tiết và mưa gió diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa. 

 

Võ Dương

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top