Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024  

Bắc Giang: Nhiều vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao

Thứ tư, ngày 12 tháng 6 năm 2024 | 9:57

Từ việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có liên kết, giờ đây đây tỉnh Bắc Giang hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế cao.

Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, để phát triển nông nghiệp đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng NTM, thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất.

Giờ đây, ở Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trong tái cơ cấu lại ngành trồng trọt, tỉnh từng bước chỉ đạo nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo lợi thế từng địa phương, có liên kết, tạo thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá so sánh 2010) đạt 2,6%/năm, giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 140 triệu đồng. Liên tục 4 năm liên tiếp, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang duy trì đà tăng trưởng phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng đầu năm 2024 tăng 1,82%.

Tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 đạt 2,63% (năm thứ tư liên tiếp ngành nông nghiệp giữ đà tăng trưởng). Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, giá trị sản xuất/1ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm. Quy mô sản xuất (giá hiện hành) đạt 40.516 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,63%.

Hiện nay, Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: Vùng cây ăn quả gần 52 nghìn ha, trong đó vùng vải thiều quy mô gần 30 nghìn ha, doanh thu hàng năm gần 7.000 tỷ đồng; vùng cây ăn quả có múi (cam, bưởi) quy mô 8.900 ha; vùng na dai với quy mô 2.132 ha; vùng sản xuất lúa chất lượng với quy mô 45.500 ha; vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến quy mô 12.800 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được trên 1.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, Bắc Giang đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt như: xây dựng bản đồ số hoá các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó đã có 139 vùng sản xuất lúa tập trung, tổng diện tích 18.446 ha; 78 vùng rau, tổng diện tích 7.254 ha; 42 vùng vải, tổng diện tích 21.186 ha; 9 vùng sản xuất cam, tổng diện tích 2.750 ha...

Tỉnh đã xây dựng được trên 1.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng CNC bình quân đạt từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với sản xuất thông thường. Đối với mô hình sản xuất rau, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng, nhà lạnh doanh thu đạt từ 700 triệu -1 tỷ đồng/ha/năm, tăng từ 7 - 10 lần so với sản xuất thông thường. Điển hình có những mô hình sản xuất hoa cao cấp, cây cảnh và dưa lưới doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

Phát triển nông nghiệp “làm đâu chắc đó”

Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, song song với phát triển công nghiệp và dịch vụ, tỉnh Bắc Giang rất coi trọng phát triển nông nghiệp, coi đây là nền tảng bảo đảm, trụ đỡ cho nền kinh tế, hỗ trợ công nghiệp và dịch vụ cùng phát triển. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh, song lại mang tính an sinh xã hội cao, cung cấp nguồn lương thực lớn cho địa phương. Do đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai, đảm bảo năng suất, cây trồng vật nuôi phát triển ổn định, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Nhiều sản phẩm được sản xuất đạt tiêu chuẩn đảm bảo điều kiện xuất khẩu.

Ông Pích khẳng định, trong những năm gần đây, Bắc Giang tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây liên tục tăng cao, song chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; dư địa phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn rất lớn.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp “làm đâu chắc đó”, mang tính ổn định, bền vững, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực và công tác xúc tiến thương mại, từ đó tạo tiền đề, cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn, tiếp tục được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc giải bài toán về thương hiệu và tính bền vững giá trị nông sản, đồng thời tháo gỡ câu chuyện “được mùa mất giá”. Đồng thời, đề nghị Bộ giới thiệu doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh, tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở quy định của pháp luật.

Đến việc đưa khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để cho na ra quả trái vụ đem lại giá trị cao cho người trồng.

Trong buổi làm việc mới đây với tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung đánh giá cao kết quả sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đạt được thời gian qua. Để có kết quả này, Bắc Giang có nhiều cách làm hay như quan tâm, chỉ đạo sát sao ngành nông nghiệp, bám sát chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra chương trình, đề án bài bản, nhất là thực hiện tái cơ cấu đúng hướng.

Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới tỉnh Bắc Giang cần làm tốt công tác chỉ đạo bảo vệ sản xuất vụ chiêm xuân; tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa; đưa cơ cấu giống cây trồng đảm bảo hợp lý nhằm đem lại năng suất, chất lượng tốt nhất. Làm tốt công tác bảo vệ thực vật từ khâu chọn giống, quản lý giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.

Đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất, tiết giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho người dân. Nâng hiệu quả quản lý giống cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn. Quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng được cấp. Tiếp tục thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh.

Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp nhằm tránh tình trạng nhập lậu các giống, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, làm ảnh hưởng tới năng suất, cây trồng vật nuôi và an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp. Tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là vấn đề quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quản lý các mã vùng trồng, duy trì những điều kiện cần thiết các mã vùng trồng đã được cấp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm mã vùng trồng mới.

 

Hoàng Văn

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top