Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  

An Giang nâng cao giá trị sản phẩm xoài

Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024 | 11:12

Hiện, diện tích xoài của An Giang khoảng 12.000 ha; trong đó, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 200 ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm, tỉnh được cấp trên 20 mã code với tổng diện tích gần 300 ha phục vụ xuất khẩu. Để nâng cao giá trị địa phương đã triển khai nhiều giải pháp.

Nâng cao chất lượng

Mặc dù xoài An Giang đa dạng về giống, trong đó một số loại xoài đặc biệt thơm ngon như: xoài keo, xoài hạt lép; thế nhưng xoài này lại chủ yếu tiêu thụ nội địa, số lượng xuất khẩu lại rất khiêm tốn. Mấy năm trở lại đây, các vùng trồng xoài của địa phương đã và đang hướng đến tiêu chuẩn chất lượng, liên kết trong sản xuất… để chinh phục nhiều thị trường trên thế giới.

Cán bộ Ngành Nông nghiệp dẫn nông dân chăm sóc xoài (Ảnh: VOV).

Để có những vùng nguyên liệu xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc… và chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã nỗ lực phấn đấu rất lớn với quá trình hơn 10 năm đàm phán gian nan và thử thách. Hiện, trái xoài đã đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác như hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ…

Chợ Mới là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang, với tổng diện tích gần 6.500 ha. Để trái xoài này được xuất khẩu, huyện đã hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển vùng sản xuất xoài, tập huấn, tuyên truyền vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng… nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường. Hiện diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 700 ha và đã cấp được 41 mã số vùng trồng cho 6.000 ha xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.

Ông Lâm Anh Tú, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Mới cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân không ngừng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ tích cực cho nông dân trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển vùng sản xuất xoài, tập huấn, tuyên truyền vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn, Vietgap, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng… nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường.

An Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng để phục vụ xuất khẩu.

Ông Lâm Anh Tú cho biết thêm, để nâng cao năng lực của các HTX, trong năm 2024 này và cũng như trong thời gian tới, Phòng nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh… tập huấn, nâng cao năng lực cho HTX về quản trị bộ máy cũng như các kỹ năng về kinh doanh, đàm phán về kinh doanh khi ký kết hợp đồng; bên cạnh đó, hỗ trợ HTX xây dựng thêm các vùng nguyên liệu rộng mở, chất lượng, cụ thể như là xây thêm các mã số vùng trồng…từ đó để xuất khẩu sang thị trường của nhiều nước; để có thêm nhiều thị trường xuất khẩu, giúp việc thu thụ sản phẩm rộng và ổn định hơn.

Ông Huỳnh Thanh Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú) cho biết, hiện nay, HTX có khoảng 90ha diện tích liên kết trồng xoài Keo trên địa bàn huyện An Phú. Các nông dân tham gia liên kết với HTX đều tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, đảm bảo trái xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất cấm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu. Chúng tôi đang nâng cao tay nghề của bà con thành viên, nâng cao chất lượng, hướng đến làm sao sản xuất ra đơn hàng vừa chất lượng và nâng cao giá trị trên 1 ha xoài.

Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới chia sẻ, hợp tác xã có kế hoạch, thứ nhất là tuyên truyền trong các thành viên và thứ hai là các thành viên liên kết; tiếp đó thì phía HTX sẽ phối hợp với UBND, nành nông nghiệp của huyện… tuyên truyền cho tất cả bà con nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Sản xuất làm sao đáp ứng được chất lượng và sản lượng đầy đủ cho các công ty liên kết.

Sản phẩm tiêu thụ tốt

Giờ đây, hoạt động sản xuất xoài xuất khẩu đã có nhiều khởi sắc khi chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, An Giang đã làm lễ công bố xuất khẩu 2 lô xoài đầu tiên sang các thị trường khó tính. Lô xoài tượng da xanh đầu tiên xuất khẩu hôm 5/1, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang) và Công ty Vina T&T xuất khẩu sang thị trường Australia và Mỹ; trong đó, xuất 6 tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất sang thị trường Australia và 1 tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất sang thị trường Hoa Kỳ.

6 tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Ôxtrâylia và 1 tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Hoa Kỳ, (Ảnh: VOV).

Tiếp đến ngày 27/3, UBND huyện An Phú phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô xoài keo sang Hàn Quốc. Lô xoài xuất khẩu đợt này là 18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc đã được Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Ngoài ra, Hợp tác xã còn liên kết với Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (ANTESCO) trong việc tạo vùng nguyên liệu xoài keo phục vụ cho chế biến.

Ông Nguyễn Đình Mười, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Vina T&T, đơn vị liên kết với nông dân sản xuất xoài xuất khẩu của tỉnh An Giang cho rằng: “Chúng tôi đánh giá rất là cao về trái xoài của tỉnh An Giang. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối với An Giang mang tính bền vững, lâu dài hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với nông dân, kết nối với tổ hợp tác; để chúng tôi có những hợp đồng liên kết để chúng tôi mở rộng vùng trồng. Mỗi nước nhập khẩu đều có những rào cản kỹ thuật khác nhau, chúng tôi phải tuân thủ rào cản của họ; cho nên khi bà con nông dân tham ra chương trình này cần phải tuân thủ kỹ thuật. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, để chúng tôi tiếp tục đua trái xoài sang nhiều nước hơn”.

Lễ công bố xuất khẩu lô xoài Keo đầu tiên sang Hàn Quốc, (Ảnh: VOV).

Ở một diễn biến khác, mùa chính vụ, vụ đông xuân 2023 - 2024, Công ty Antesco liên kết Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh An Khánh (huyện An Phú) và nông dân các huyện sản xuất, tiêu thụ xoài keo, xoài cát chu, hòa lộc và xoài tượng xanh, xoài hạt lép trên diện tích 1.160ha, sản lượng đạt 29.000 tấn (trong đó huyện An Phú 5.000 tấn, còn lại ở các vùng khác), sản lượng vượt kế hoạch 4.000 tấn. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP 180ha ở xã Khánh An và Phú Hữu (huyện An Phú).

Giờ đây, Công ty Antesco liên kết HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh An Khánh tạo vùng nguyên liệu xoài keo phục vụ chế biến. Qua đó, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xoài theo chuỗi giá trị, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường có lợi thế cạnh tranh cao thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Antesco cho biết, mùa trái vụ năm 2024, từ nay đến cuối năm, Công ty Antesco tiếp tục liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ 300ha xoài ở huyện An Phú, thị xã Tân Châu và địa bàn khác, sản lượng khoảng 7.500 tấn. Hiện, Công ty Antesco xuất khẩu xoài đông lạnh số 1 thế giới, với tổng sản lượng tiêu thụ 29.000 tấn. Công ty tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nông dân với diện tích lớn, giá cả ổn định hơn, để nông dân yên tâm sản xuất. Qua đó, góp phần nâng tầm vị trí, giá trị xoài keo của An Giang trên thị trường thế giới.

Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang cho biết, trên thực tế, nông dân canh tác xoài đạt lợi nhuận cao hơn nhiều mô hình khác. Ðối với những vùng chuyên canh xoài như Cù Lao Giêng ở huyện Chợ Mới, tỉnh hỗ trợ hạ tầng, hệ thống thủy lợi, hướng nông dân trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ nông dân đạt chứng nhận chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Ðồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ xoài theo hướng bền vững, hạn chế rủi ro khi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đến thời điểm này, diện tích xoài trong toàn tỉnh An Giang khoảng 12.000 ha; trong đó diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 200 ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm. Hiện vùng xoài tại An Giang đã được cấp mã code đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là trên 20 mã, với tổng diện tích gần 300 ha. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiêu thụ xoài phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa và Trung Quốc. Gần đây xoài An Giang có thêm thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc… nhưng số lượng không đáng kể.

Để phát triển thương hiệu xoài An Giang xuất khẩu, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng xoài (mã code) tại những nơi chưa có mã code và các vùng cần cấp tại các huyện: Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu và TP. Long Xuyên...

Với diện tích 12.000ha, ngành nông nghiệp cũng đang khuyến cáo các địa phương đi vào chất lượng, trồng những giống xoài mà doanh nghiệp người ta yêu cầu; để từ đó vận động bà con nông dân tham gia vào HTX nơi tiểu vùng mình trồng xoài; thông qua HTX để thương thảo với các doanh nghiệp, mà UBND tỉnh, Ngành nông nghiệp và HTX đã ký kết; để từ đó, có đủ vùng nguyên liệu thuận lợi nhất, để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu, theo từng thị trường các nước khó tính mà doanh nghiệp đang mong muốn, ông nói.

Việc phát triển vùng xoài chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu bền vững, bước đầu khẳng định vị thế trái xoài An Giang trên thị trường quốc tế khó tính. Đây là bước ngoặt, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp địa phương, không chỉ mang lại cơ hội kinh tế lớn mà còn giúp thúc đẩy hình ảnh và uy tín của nông sản địa phương trên thị trường quốc tế.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức lại sản xuất, phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với vùng nguyên liệu xoài; để từ đó liên kết được ngày càng nhiều hơn diện tích xoài của địa phương; đồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nhằm chuyển đổi sản xuất, thích nghi với điều kiện thực tế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cây ăn trái tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, dự kiến vào quý III/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang sẽ tổ chức Hội nghị “xúc tiến liên kết và tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang năm 2024”. Đây là cơ hội kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp và các hợp tác xã sản xuất cây ăn trái, vừa là chặng đường đồng hành trong việc tạo ra chuỗi giá trị phát triển ngành hàng trái cây, đáp ứng nhu cầu thị trường. An Giang cam kết là điểm đến tin cậy, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

 

Tổng hợp từ nguồn: VOV; Baoangiang.

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top