Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  

Chương trình MTQG dân tộc và miền núi: Điều chỉnh nguồn vốn không làm tăng vốn

Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024 | 16:12

Điều chỉnh nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai.

Tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại thảo luận ở hội trường sáng 17/6, về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc điều chỉnh nguồn vốn của Chương trình để phù hợp với tình hình thực tiễn, trong quá trình triển khai.

Cụ thể, tại Nghị quyết 120 quy định, nguồn vốn thuộc đầu tư công trung hạn nhưng trong thực tế hàng năm, Chính phủ đã xây dựng phương án phân bổ vốn, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư công và vốn chi thường xuyên. Chương trình MTQG cũng được tích hợp rất nhiều các chính sách giai đoạn trước, trong đó có cả vốn đầu tư, vốn chi thường xuyên và thực tế triển khai hiện nay không có gì vướng mắc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp thu và làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm 

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định pháp luật, để đảm bảo sự thống nhất giữa chủ trương đầu tư của Quốc hội, quyết định phân bổ nguồn vốn hàng năm, quyết định giao vốn của Chính phủ đảm bảo thống nhất, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh nội dung của Nghị quyết 120 để đảm bảo tính phù hợp thống nhất giữa các văn bản pháp luật. 

Đối với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Chương trình có 4 nội dung, 4 nhóm đối tượng được điều chỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, sẽ tham mưu cho Chính phủ cùng với các Bộ, ngành rà soát cụ thể các địa phương, từng danh mục công trình để đảm bảo phù hợp với tiêu chí mục tiêu, phạm vi, đối tượng của Chương trình, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. 

Đồng thời, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Dự án 6 vẫn tập trung phân bổ nguồn lực để ngành văn hóa chủ trì cùng với các địa phương tổ chức thực hiện nội dung này nên hiện chưa có điều chỉnh. Ủy ban hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Quốc hội đề ra, cần phải rà soát để đảm bảo giữa hai Chương trình không trùng lắp về đối tượng, nội dung và nguồn vốn.

“Nguồn vốn để thực hiện Chương trình hơn 4.000 tỷ đồng (không tăng thêm) đã được phân bổ trong tổng nguồn vốn và Quốc hội đã phê chuẩn. Bao gồm 50.000  tỷ đồng cho vốn đầu tư công và 54.000  tỷ vốn chi thường xuyên của Chương trình giai đoạn 2021- 2025. Các nội dung này đã được phân bổ cho các địa phương lựa chọn các danh mục”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm rõ và cho biết, vướng mắc hiện ở chỗ các danh mục các địa phương lựa chọn rất mong muốn được đầu tư, nhưng vì không nằm ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn hay ở địa bàn thôn bản nên đề nghị điều chỉnh về địa bàn để tổ chức thực hiện.

Về tiến độ thực hiện Chương trình trong bối cảnh còn hơn 1 năm, Bộ trưởng cho biết, trong danh mục các công trình được lựa chọn chủ yếu là cải tạo,  nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị với quy mô nhỏ, thời gian ngắn có thể tiến hành được ngay. Sau khi Quốc hội đồng ý điều chỉnh nội dung này, các địa phương lựa chọn và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, các địa phương đều cam kết đảm bảo để hoàn thành đến năm 2025.

Về hình thức thể hiện Nghị quyết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, vì nội dung không lớn nên trong tờ trình Chính phủ và được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình sẽ đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội, ngay tại kỳ họp thứ 7 lần này.

Đối với các nhóm ý kiến khác có liên quan trực tiếp đến nội dung tổ chức điều hành, cũng như thực hiện Chương trình MTQG, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện việc điều chỉnh Quyết định 1719 về điều chỉnh quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết này, Chính phủ sẽ cập nhật để hoàn thiện Quyết định 1719 ngay trong tháng 7/2024.

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm, cần phải có tổng kết đánh giá để rút kinh nghiệm đẩy mạnh phân cấp để cho các địa phương lựa chọn các danh mục đối tượng địa bàn, nội dung đầu tư để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, hiện nay Ủy ban đang phối hợp với các Bộ, ngành trong năm 2024 sẽ tiến hành Hội nghị tổng kết, đánh giá nắm tình hình ở các địa phương. “Ủy ban đang tham mưu để xây dựng kế hoạch tổ chức 3 hội nghị của 3 vùng, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến nay trong việc thực hiện cũng như dự báo từ nay đến năm 2025, đồng thời xác định khung chương trình cho giai đoạn 2026 - 2030.

Vấn đề thực hiện Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung để triển khai. “Trong Nghị quyết 111 đưa ra một nguyên tắc, đó là chỉ điều chỉnh nguồn vốn của các dự án đã hoàn thành mục tiêu, sang các dự án có chung nguồn vốn nhưng chưa và đang thiếu nguồn vốn để thực hiện. Đối với những dự án không thể có khả năng để triển khai trong cùng một nguồn vốn sẽ được điều chỉnh sang các dự án khác, để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của Chương trình”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm rõ.

 

Theo VOV.VN

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top