Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Báo chí có vai trò quan trọng trong thành tựu của ngành Nông nghiệp Tuyên Quang

Thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2024 | 10:55

Nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-2024), phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang về những kết quả mà ngành Nông nghiệp địa phương đạt được cũng như sự đóng góp của báo chí trong công tác phối hợp tuyên truyền, truyền thông.

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về kết quả này?

Ngành Nông nghiệp Tuyên Quang phát triển trong điều kiện thuận lợi và thách thức đan xen: Kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản của người dân, doanh nghiệp; thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang vẫn đạt được những kết quả quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang (người thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình trồng bưởi tại huyện Yên Sơn.

Thứ nhất, chúng tôi đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, giá trị sản xuất giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 5,2%/năm. Các vùng sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh được duy trì, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu như: chè (trên 8.200ha), gỗ rừng trồng (193.655,65ha). Đặc biệt, đã có sự chuyển dịch rõ nét sang sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn với trên 3.600ha các cây trồng chủ lực của tỉnh (cam, chè, bưởi) được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; gần 40 cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng, tăng về số lượng, quy mô sản xuất với 76 liên kết của nhiều loại sản phẩm, tỷ lệ giá trị sản phẩm thông qua hình thức liên kết ước đạt trên 20%.

Thứ hai, xác định lâm nghiệp là một lợi thế của tỉnh (luôn duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng trên 8%/năm, diện tích quản lý rừng bền vững đạt trên 49.000ha), ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” trình Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt.

Thứ ba, xác định chuyển đổi số sẽ giúp công tác quản lý, điều hành tốt hơn, chúng tôi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử (WebGIS) phục vụ quản lý ngành Nông nghiệp và PTNT; đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn điện tử (WebGIS) phục vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Sở đã triển khai thực hiện Dự án: “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025”, toàn tỉnh đã cấp được trên 20 mã số vùng trồng, trong đó 14 vùng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU và thị trường Trung Quốc; cấp 02 mã số cơ sở đóng gói chè đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU.

Thứ tư, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhất là Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng NTM. Đến nay, kinh phí hỗ trợ đạt 88.372 triệu đồng/8.153 tổ chức, cá nhân. Tuyên Quang hiện có 248 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trên địa bàn 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP, đạt 86,96%.

Nhiều sản phẩm OCOP ở Tuyên Quang xây dựng được thương hiệu mang lại giá trị cao.

Thứ năm, Chương trình xây dựng NTM được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Hết năm 2023, tỉnh có 74 xã đạt chuẩn NTM, bằng 87% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tuyên Quang đang tập trung huy động nguồn lực để triển khai Đề án xây dựng huyện Hàm Yên và huyện Sơn Dương đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu đến 2025, tỉnh có 3/7 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM.

Theo ông, các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế nông thôn nói riêng có đóng góp như thế nào trong công tác tuyên truyền, truyền thông về ngành Nông nghiệp Tuyên Quang?

Trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế nông thôn nói riêng có vai trò và đóng góp hết sức quan trọng đối với những kết quả, thành tựu của ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đạt được trong những năm qua.

Với mức độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, báo chí đã chuyển tải những thông tin mới nhất về khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, xu hướng thị trường, giúp nông dân có thông tin chính thống để định hướng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua báo chí, tiềm năng, thế mạnh của địa phương được quảng bá, góp phần quan trọng vào việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế nông thôn nói riêng giúp nông sản Tuyên Quang kết nối tốt hơn với thị trường, nâng cao giá trị. Nhờ việc phản ánh các nội dung về nhu cầu, xu hướng của thị trường, về sự cấp thiết của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, báo chí đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh nông sản của người dân, doanh nghiệp, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm. Báo chí đã thực sự trở thành cầu nối thông tin giữa Nhà nước - nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Bằng những thông tin xác thực và kịp thời, báo chí đã tạo ra dư luận xã hội và định vị sản phẩm nông nghiệp trong lòng công chúng, góp phần quảng bá nông sản của tỉnh.

Hiện nay, các nền tảng xã hội phát triển mạnh mẽ, khó kiểm định những thông tin, nhiều thông tin không chính thống gây hoang mang trong dư luận làm ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất. Báo chí trở thành nguồn tin chính thống đáng tin cậy, phản ánh đúng sự thật, định hướng cho người dân, trở thành diễn đàn của nông dân về các vấn đề sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp. Trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, báo chí cũng đóng vai trò nòng cốt, kịp thời đưa ra những cảnh báo để người dân chủ động chuẩn bị và phòng tránh, đặc biệt là trong những thời điểm bất thường về thời tiết, thiên tai gây ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống.

Trong kết quả chung của báo chí, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người nông dân, tuyên truyền, cổ vũ những mô hình làm tốt, hiệu quả, cũng như những tồn tại, vướng mắc cần giải quyết... Chính những nội dung đó đã giúp cho ngành có cái nhìn đa chiều, để xây dựng các kế hoạch, định hướng phát triển các lĩnh vực phù hợp với thực tiễn.

Theo ông, các cơ quan báo chí và ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đang gặp khó khăn gì trong công tác phối hợp tuyên truyền?

Thời gian qua, các cơ quan báo chí và ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền và đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho ngành Nông nghiệp nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong công tác phối hợp.

Đặc thù của sản xuất nông nghiệp là tính thời vụ, công tác thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ nông sản qua chế biến của tỉnh còn khiêm tốn. Tuy nhiên, giữa cơ quan báo chí và ngành Nông nghiệp cũng chưa có kế hoạch truyền thông trước, trong và sau quá trình sản xuất, để giúp người dân cơ cấu thời vụ, phân phối sản phẩm ra thị trường, có thời điểm thu hoạch ồ ạt, giá bán thấp...

Với điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện có của Tuyên Quang, số lượng mô hình sản xuất thực sự tiêu biểu, ứng dụng khoa học công nghệ mang tính đột phá, những cách làm hay, nổi bật để cung cấp thông tin tuyên truyền trên báo chí còn ít. Một số mô hình, dự án sản xuất còn nhỏ lẻ, rải rác nên việc tiếp cận, phản ánh trực tiếp còn hạn chế, thông tin được cung cấp thông qua báo cáo đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện.

Nội dung, lĩnh vực được truyền thông của các cơ quan báo chí đối với ngành Nông nghiệp chưa đồng đều (có thời điểm có nội dung được phản ánh bởi một vài báo, tạp chí). Truyền thông, giới thiệu quảng bá nông sản chủ lực còn hạn chế, chưa được thường xuyên, rộng rãi.

Để làm tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, theo ông, thời gian tới, các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế nông thôn nói riêng, cần phải thay đổi như thế nào? Ngành Nông nghiệp Tuyên Quang có xây dựng kế hoạch để công tác phối hợp được thực hiện tốt hơn?

Để làm tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế nông thôn nói riêng, sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức chuyển tải thông tin dựa trên nguyên tắc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan và minh bạch. Truyền thông phát huy vai trò kết nối trong các quy trình thúc đẩy đầu tư, sản xuất, trao đổi thị trường,... Để báo chí thực sự là cầu nối giữa Nhà nước với Nhân dân, trở thành công cụ tuyên truyền cơ chế, chính sách, đưa chính sách của tỉnh vào thực tiễn hiệu quả.

Tích cực, tăng cường hơn nữa thông tin, tuyên truyền về những mô hình, cách làm hay, sáng tạo để truyền tải kinh nghiệm. Tăng cường truyền thông trước, trong và sau quá trình sản xuất. Đẩy mạnh truyền thông về tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quảng bá giới thiệu các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyên vọng, khó khăn, vướng mắc của Nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh.

Đối với ngành Nông nghiệp Tuyên Quang, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế nông thôn nói riêng, để thường xuyên, đa dạng hình thức chia sẻ nội dung thông tin, đảm bảo thiết thực, đúng quy định của pháp luật...

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Văn (thực hiện)

Xem thêm

4[5] 6
Top