Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Báo chí góp phần thay đổi tư duy sản xuất - kinh doanh

Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024 | 14:16

Thành công của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có sự góp sức của báo chí, truyền thông. Với ngành Nông nghiệp, sự đồng hành của báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, phát hiện, biểu dương và lan tỏa những mô hình hiệu quả, cách làm hay và kịp thời chỉ ra những vấn đề bất cập, những tồn tại hạn chế cần tháo gỡ, đề xuất những giải pháp...

Đặc biệt là, khi tư duy kinh tế nông nghiệp dần thay tư duy sản xuất nông nghiệp, báo chí đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm, thay đổi tư duy sản xuất - kinh doanh của người làm nông nghiệp.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo ngành Nông nghiệp địa phương, doanh nghiệp, HTX về vấn đề này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương:

Báo chí thay đổi tư duy sản xuất của người dân

Thời gian qua, các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn, đã luôn đồng hành và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ mức độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, báo chí đã giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tích cực thông tin về thị trường tiêu thụ, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, bám sát, phản ánh nhanh chóng, lan tỏa mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm..., giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất - kinh doanh, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương (người ngoài cùng bên phải) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nhờ có báo chí, người dân hiểu biết hơn về nông nghiệp 4.0, vận dụng công nghệ số vào các khâu sản xuất, kinh doanh để thay đổi phương thức điều hành, quản lý trong các hoạt động. Thông qua báo chí, các vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản đã được phản ánh rộng rãi, đa dạng và phong phú hơn, nhờ đó, người dân có thêm hiểu biết, nâng cao nhận thức về thương hiệu nông sản.

Ngoài ra, báo chí còn thông tin những hạn chế, vướng mắc, từ đó đề xuất hướng giải quyết cho một số vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng NTM. Việc làm đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp các địa phương sớm khắc phục khó khăn, giải quyết vướng mắc trong công tác xóa đói giảm nghèo, chủ động phòng tránh mà còn đưa ra những kiến nghị, đề xuất cách giải quyết thiết thực...

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thế Thi:

Cầu nối quảng bá thương hiệu nông sản

Hiện nay, người dân tiếp cận thông tin thông qua các kênh truyền thống đã có sự thay đổi. Qua các báo, đài, đặc biệt là qua các báo, tạp chí điện tử, bà con có thể xem thông tin qua điện thoại thông minh rất nhanh, thuận tiện, ai cũng xem được, đây là xu hướng phát triển tốt. Những năm qua, ở Bắc Giang, nhờ có báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền mà sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản khá tốt. Để có những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, báo, đài có vai trò rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thế Thi phát biểu tại Hội nghị Bàn giải pháp xúc tiến tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu vải thiều năm 2022.

Hiện nay, các cơ quan báo, đài, các nhà báo rất năng động, không cầu kỳ như trước, thậm chí qua thông tin của người dân trên mạng xã hội facekook, zalo, cơ quan báo chí có thể cử phóng viên đến xác minh, thông tin kịp thời, chính xác. Trên mạng xã hội có những thông tin không đúng sự thật, các cơ quan báo, đài đã kịp thời lên tiếng, làm rõ để người dân không hoang mang, chứng minh sản phẩm đó đúng giá trị, mang lại hiệu quả cao.

Trước kia, các cấp chính quyền phải tổ chức các hội nghị trực tiếp, trực tuyến để tuyên truyền; hiện nay, qua báo, đài có thể không cần phải tổ chức nhiều hội nghị, vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Bài phỏng vấn của báo chí lan tỏa rất nhanh, không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài, có thể thu hút nhiều triệu lượt người quan tâm. Thông qua thông tin từ báo, đài,  nhiều doanh nghiệp có thể ký kết các hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Phóng viên, nhà báo có thể giới thiệu để doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh giỏi kết nối với nhau tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó cắt giảm khâu trung gian, tăng phần lợi nhuận cho người sản xuất. Họ cũng là cầu nối vừa quảng bá thương hiệu, vừa bảo vệ thương hiệu khi thấy thông tin không đúng sự thật về sản phẩm, từ đó không gây hoang mang cho người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan báo, đài đã giúp cho địa phương đưa những thương hiệu sản phẩm chủ lực đi xa, kết nối tiêu thụ với giá bán hợp lý.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn - Tuyên Quang) Hoàng Văn Oanh:

Báo chí gỡ khó cho ngành chăn nuôi

Trước đây, xảy ra tình trạng nhập lậu bò từ nước ngoài về Việt Nam có hàm lượng hoóc môn tăng trưởng cực kỳ độc hại. Cùng với sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan đã đẩy chăn nuôi Việt Nam đến bờ vực gần như phá sản. Nhờ  báo chí kịp thời phản ánh mà các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Nếu không được báo chí phản ánh kịp thời thì đó là thảm họa.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (người ngoài cùng bên phải) thăm mô hình bò vỗ béo cùng Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Báo chí đã đánh thức được những góc khuất đối với thực phẩm bẩn, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng. Ở góc độ khác, báo chí đã góp phần tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp Việt, đặc biệt là ngành chăn nuôi.

Báo chí đã kịp thời phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, tôn vinhđiển hình tiên tiến ở các vùng, miền; cùng với đó, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị nông sản trên đơn vị diện tích. 

Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (kiến thụy - hải phòng) Nguyễn Thị Hà:

Báo chí có tầm ảnh hưởng sâu đến nông dân

Tuy còn khá trẻ nhưng chị Nguyễn Thị Hà rất đam mê làm nông nghiệp, luôn gắn bó với ruộng đồng quê hương.

Với phương châm “Một cánh đồng, một giống lúa”, 10 năm qua, chị Hà miệt mài vận động nông dân cho chị thuê lại những thửa ruộng bỏ hoang, để canh tác lúa. Cùng với đó, chị đã thành lập HTX Thụy Hương và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm “gạo ruộng rươi”. HTX Thụy Hương hiện đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hà gắn với với nông nghiệp Hải Phòng 10 năm nay.

Trò chuyện cùng P.V Kinh tế nông thôn, chị Hà cho biết, từ khi thành lập  đến nay, HTX luôn có sự đồng hành, gần gũi của các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn. Tôi nhận thấy vai trò của báo chí rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn trong việc định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp cho người nông dân.

Thông qua các bài báo, chuyển tải những thông tin mới nhất về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, giúp nông dân bắt kịp thời đại. Định hướng phát triển mô hình cho nông dân và HTX, giúp gắn kết và chia sẻ để có đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Báo chí cũng là diễn đàn để người nông dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kết nối hiệu quả giữa nhà nông và người tiêu dùng.

Tạp chí Kinh tế nông thôn giới thiệu nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sáng tạo, tiềm năng với những cách làm hay của nhiều đơn vị, cá nhân, HTX Thụy Hương có thể học tập, áp dụng. Các bài báo phản ánh chân thực, lan tỏa những mô hình và cách làm hiệu quả, từ đó giúp thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

Hải Yến - Hoàng Văn - Phạm Trang (ghi)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top