Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Kinh tế nông thôn - Bạn đồng hành của chúng tôi

Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024 | 9:57

Tạp chí Kinh tế nông thôn/kinhtenongthon.vn đã cung cấp cho người làm vườn nhiều thông tin bổ ích, quý báu trong phát triển kinh tế VAC cũng như tiêu thụ nông sản.

Nhờ những kiến thức được Kinh tế nông thôn cung cấp, người làm vườn đã chủ động lựa chọn cây - con giống phù hợp, có thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng...

“Tư liệu quý” của những người làm vườn

Ông Dương Kim Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), cho biết: Là người quản lý và là độc giả thường xuyên của Kinh tế nông thôn trong nhiều năm qua, tôi rất ấn tượng với các bài viết được Tạp chí đăng tải, nhất là các bài viết liên quan đến việc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào phát triển kinh tế VAC, chế biến sau thu hoạch...

Vườn mẫu của gia đình ông Dương Kim Huy đã tiếp sức, làm điểm cho hàng trăm mô hình vườn mẫu của xã Tượng Sơn.

Tạp chí Kinh tế nông thôn là cơ quan ngôn luận của Hội Làm vườn Việt Nam, là người bạn đồng hành của những người làm vườn trên cả nước nói chung và người dân Tượng Sơn nói riêng. Những thông tin, bài viết được đăng tải trên Tạp chí rất bổ ích, là tư liệu quý giá, bổ ích để người làm vườn các địa phương vận dụng vào sản xuất sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả, năng suất và chất lượng cao.

Đặc biệt, những bài viết giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) ở các tỉnh, thành luôn được hội viên của Hội Làm vườn xã Tượng Sơn đón đọc; nhiều mô hình phát triển kinh tế nông thôn trên cả nước được hội viên, nông dân áp dụng và đã cho những kết quả đáng phấn khởi; nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ việc áp dụng những mô hình kinh tế nông thôn phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của mình, khí hậu, thỗ nhưỡng địa phương.

Đến nay, xã Tượng Sơn có 38 vườn đạt 5/5 tiêu chí vườn mẫu; ngoài ra, có 850 vườn hộ diện tích trên 500m2, chủ yếu sản phẩm là rau, củ, quả, mức thu nhập bình quân 60 - 70 triệu đồng/năm, có vườn cho thu nhập 80 - 120 triệu đồng/năm. Các khu vườn mẫu tại Tượng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao như: tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; thu nhập; môi trường… Nhờ đó, năm 2019, Tượng Sơn đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2021 đạt xã NTM kiểu mẫu.

Có thể nói, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là cơ quan ngôn luận của Hội Làm vườn Việt Nam, là cầu nối giữa Hội với các cấp Hội và với hội viên. Thông qua Tạp chí Kinh tế nông thôn, chính quyền và người dân Tượng Sơn có điều kiện để nói lên tiếng nói của mình, chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn để người dân cả nước cùng tham khảo, học tập kinh nghiệm, áp dụng mô hình phát triển kinh tế VAC vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Gần 40 năm xây dựng, trưởng thành, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã tạo được uy tín của mình trong lòng bạn đọc, được các cấp, ngành đánh giá cao trong thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế VAC, vườn mẫu, xây dựng nông thôn mới... Đây là nền tảng để Kinh tế nông thôn tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Kính chúc cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn tâm sáng, bản lĩnh, Tạp chí Kinh tế nông thôn ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong lòng bạn đọc, luôn là người bạn đồng hành của người làm vườn trên cả nước.

Chia sẻ với nhà vườn và lan tỏa mô hình thành công

“Đã nhiều năm qua, Kinh tế nông thôn thường xuyên về với bà con trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh (Hà Nội), nhất là thời điểm khó khăn nhất, khi dịch bệnh Covid 19 hoành hành. Lúc đó người trồng quất  chúng tôi như “ngồi trên đống lửa”, quất đã vào vụ thu hoạch chín vàng trên cây nhưng người mua thì thưa thớt. Phóng viên Kinh tế nông thôn đã về chia sẻ những khó khăn, vất vả, động viên người Tàm Xá,  hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm”, anh Lê Đức Trung, ở thôn Đông, xã Tàm Xá, chia sẻ.

Ngay sau khi dịch Covid -19 được kiểm soát, cuộc sống của người dân dần đi vào ổn định, nhưng khó khăn do dịch bệnh gây ra thì chưa thể hết ngay được, vì vậy, nhu cầu chơi quất cảnh trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền giảm đi rất nhiều.

“Bỏ công sức, vốn liếng cho ruộng quất nhà mình, mong muốn có mùa thu hoạch bội thu, nhưng điều mong muốn đó lại không đơn giản chút nào. Phóng viên Kinh tế nông thôn đã về đây, như người bạn chia sẻ khó khăn, vất vả và đã có những bài viết về phương pháp trồng quất tại đây. Rất vui là những năm sau đó, lượng khách có nhu cầu chơi quất cảnh tìm về đây ngày một đông, nhờ thế mà bà con bán được nhiều hơn, giá cao hơn và có thu nhập ổn định hơn”, anh Trung nói.

“Bên cạnh đó, Kinh tế nông thôn còn cung cấp cho người làm vườn nói chung và nông dân trồng quất cảnh nói riêng những kiến thức rất bổ ích trong sản xuất nông nghiệp, những mô hình trồng cây ăn quả sử dụng các loại phân bón hữu cơ cho năng suất cao và người dân ở Tàm Xá dần thay đổi phương pháp canh tác”, anh Trung chia sẻ thêm.

Hiện nay, người trồng quất Tàm Xá đã áp dụng phương pháp chăm sóc hữu cơ, không bón phân hóa học, mà bón hoàn toàn bằng “phân hữu cơ thông minh”. Đó là loại phân bón được sản xuất hoàn toàn bằng các chất hữu cơ, sau đó viên thành những hạt nhỏ. Hạt phân sau khi rải vào gốc quất và tưới nước lên sẽ nở ra và tan trong đất. Nhờ sử dụng loại phân hữu cơ này mà cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và ít sâu bệnh.

Giúp nông dân tìm ra hướng đi mới

Giám đốc HTXNN Thụy Lâm (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho biết, Kinh tế nông thôn đã cho chúng tôi tư duy mới về bao bì cho sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao.

Tại Hội chợ Xúc tiến Thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương huyện Đông Anh cuối năm 2023, phóng viên Kinh tế nông thôn đã về tham quan và đưa tin hoạt động của hội chợ.

Cùng với hơn 100 gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương từ khắp các tỉnh, thành, gian hàng của HTX NN Thụy Lâm  trưng bày gạo nếp cái hoa vàng, được bà con nông dân trồng từ lâu đời, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Cúc là người trực tiếp bán hàng và giới thiệu sản phẩm.

“Qua trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn đến tham quan và đưa tin hội chợ, chúng tôi thấy rằng, sản phẩm OCOP đã được công nhận rồi, nhưng nếu không có bao bì bắt mắt, không có kênh kết nối để tiêu thụ thì sản phẩm chỉ là sản phẩm của làng, xã mà thôi”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Từ những định hướng và chia sẻ của Kinh tế nông thôn điện tử, chúng tôi biết mình cần phải làm gì, thay đổi cái gì. Muốn tiêu thụ được sản phẩm, cần mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ ở đâu, kết nối với các thị trường trong và ngoài nước như thế nào để sản phẩm nông sản truyền thống có mặt ở khắp mọi nơi. Kinh tế nông thôn đã cho chúng tôi những suy nghĩ mới, định hướng mới cho sản phẩm của mình.

Chủ vườn nho Quang Nam chia sẻ về ấn phẩm Tạp chí Kinh tế nông thôn.

Anh Nguyễn Ngọc Quang, chủ của trang trại nho Quang Nam ở Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ, Kinh tế nông thôn thực sự là người bạn đồng hành với những người làm vườn và nông dân chúng tôi. Các bài viết trên Kinh tế nông thôn mà tôi đọc, đều là những thông tin bổ ích về kinh nghiệm, mô hình phát triển VAC trên cả nước đang hoạt động  hiệu quả và cho giá trị kinh tế cao.

“Bài viết của Kinh tế nông thôn về tôi và vườn nho của tôi đã có tác động rất tích cực đến khách du lịch, họ đến đây để tham quan vườn nho và thưởng thức sản phẩm nho hữu cơ, kết hợp với du lịch nông thôn. Nhờ thông tin trên Tạp chí, tôi thấy lượng khách đến đây có sự gia tăng rõ rệt”, anh  Quang nói.

Với gần 40 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã có những bước đi vững vàng trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam, không những là kênh thông tin truyền tải những kinh nghiệm hay, kinh nghiệm quý trong phát triển kinh tế VAC mà còn là kênh thông tin đồng hành và chia sẻ với bà con nông dân, những người làm vườn.

 

Trà Giang - Ngọc Thủy (ghi)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top