Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 27 tháng 6 năm 2024  

Ứng dụng chuyển đổi số vào công tác phòng chống cháy rừng

Thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2024 | 15:24

Trong những ngày vừa qua do thời tiết diễn biến bất thường, ở các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng xảy ra là rất lớn. Một số địa phương đã ứng dụng chuyển đổi số trong việc quản lý rừng, phát hiện đám cháy để kịp thời chữa cháy, giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại Nghệ An

Trong số các tỉnh có rừng trên cả nước hiện nay, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất với hơn 1 triệu ha, trong đó có 790 ngàn ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng.

Do đó công tác quản lý và đặc biệt là công tác phòng, chống cháy rừng là công việc hết sức quan trọng không chỉ đối với ngành kiểm lâm, đây còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp và cả người dân.

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nơi đặc biệt gay gắt, kết hợp với độ ẩm không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Nghệ An thường xuyên cảnh báo để giảm thiểu các vụ cháy rừng

Vì thế ngày 18/6, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025 đã ban hành Thông báo số 610/TB-BCĐ về việc cảnh báo cháy rừng. Theo đó Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng ở địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 17/6/2024 đến ngày 23/6/2024: Từ Cấp IV - Cấp nguy hiểm đến Cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện nghiêm túc quy định tại các Nghị định, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, Khu lâm viên núi Quyết, Khu vực Đền Cuông...).

Kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức PCCCR kịp thời, hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống cháy rừng ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh hiện có hàng chục nghìn ha rừng thông, giang nứa, đây  rất dễ 'bắt' lửa, nhưng mùa nắng nóng năm nay do được bảo vệ tốt nên cơ bản chưa để xảy ra vụ cháy nào.

Vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm là thời kỳ cao điểm của nắng nóng gay gắt, có những ngày nhiệt độ ở  Hà Tĩnh luôn đạt mức 42 – 43 độ C kết hợp gió Lào thổi mạnh khiến nhiều diện tích thông, keo, giang nứa ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) rất dễ xảy ra cháy rừng, nếu như có sự bất cẩn thì nguy cơ cháy rừng là rất lớn.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh liên tục ban hành công điện, công văn, yêu cầu ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và chủ rừng tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Quan điểm xuyên suốt lấy phòng là chính. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò, tính chủ động “4 tại chỗ”.

Ứng dụng chuyển đổi số vào công tác PCCCR đạt hiệu quả tại Hà Tĩnh

Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, địa hình lại phức tạp, lực lượng làm công tác kiểm lâm và phương tiện không có nhiều, nếu xảy ra sự cố cháy rừng việc huy động lực lượng và phương tiện chữa cháy rất khó khăn, nhiều khi không hiệu quả. Chính vì vậy một số địa bàn có rừng thông, keo, nứa đã áp dụng chuyển đổi số vào công tác PCCCR.

Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, huyện Hương Sơn quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng dễ cháy gần 5.000 ha thuộc các xã vùng hạ huyện như Sơn Lễ, Sơn Trung, Sơn Giang, Kim Hoa…

Theo ông Đàm Nam Giang, Phó Giám đốc ban, trong 2 năm vừa qua việc áp dụng chuyển đổi số vào công tác PCCCR được đơn vị đặc biệt ưu tiên. Ngoài phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hương Sơn trực bảo vệ rừng qua camera giám sát đặt tại xã Sơn Châu, Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố huy động nguồn xã hội hóa từ nhân dân lắp đặt thêm camera tại các cửa rừng.

“Đến nay, các xã trọng điểm có diện tích rừng nguy cơ dễ cháy lớn cơ bản đã có camera giám sát tại cửa rừng. Việc đưa chuyển đổi số vào PCCCR không chỉ giúp chủ rừng phát hiện sớm điểm phát lửa; huy động lực lượng chữa cháy kịp thời mà còn hỗ trợ công tác điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng”, ông Giang nói.

“Mắt thần” do nhà nước đầu tư được lắp tại xã Sơn Phúc, có thể quan sát 3/4 tổng diện tích rừng toàn huyện Hương Sơn. Lực lượng kiểm lâm phối hợp chủ rừng trực tại Hạt Kiểm lâm chỉ cần quan sát trên màn hình ti vi có thể phát hiện nhanh các điểm phát lửa thông qua cột khói. Từ đó kịp thời thông báo, huy động lực lượng chữa cháy rừng khi có sự cố, góp phần giảm áp lực rất lớn về mặt con người, sức lao động, hiệu quả quan sát cho lực lượng trực chòi canh trực tiếp, nhất là những ngày nắng nóng đỉnh điểm 42 đến 43 độ C.

“Phát huy hiệu quả tích cực, sắp tới chúng tôi tiếp tục khảo sát để lắp đặt thêm 1 “mắt thần” tại xã Quang Diệm nhằm giám sát hết diện tích rừng vùng thượng huyện Hương Sơn. Đồng thời, khuyến khích chủ rừng tiếp tục lắp đặt thêm mắt camera tại các cửa rừng để nâng cao năng lực bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn nhấn mạnh.

Nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành có diện tích rừng lớn, với địa hình phức tạp và nhân lực còn hạn chế, khi xảy ra cháy các lực lượng chức năng mặc dù đã thực hiện “4 tại chỗ” nhưng vẫn thiệt hại nhiều. Nguyên nhân là khi lực lượng chức năng phát hiện ra đám cháy, thì đám cháy đã lan rộng, cộng với thời tiết nắng nóng làm cho đám cháy phát triển rộng hơn. Vì vậy ứng dụng chuyển đổi số trong PCCCR là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện ra đám cháy, kịp thời đưa lực lượng đến ngay địa điểm đang cháy để kịp thời khống chế và dập tắt lửa ngay.

Do đó, cần sự đầu tư của nhà nước hoặc xã hội hóa để chuyển đổi số trong công tác quản lý rừng hiệu quả.

 

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam; TC Tin tức& Cuộc sống

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top