Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Chi nhánh phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam: Hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu sầu riêng

Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 11:4

Thời gian qua, Chi nhánh phía Nam Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động tham vấn xây dựng mô hình, khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp; tư vấn sản xuất, chế biến sâu, liên kết trong tiêu thụ, xuất khẩu.

Hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ nông sản, giải pháp thương mại điện tử… cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân ở khu vực phía Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm sáng xuất khẩu

Tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 665 triệu USD (tăng 10,3% so với tháng 4/2024, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023). Năm tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả  ước đạt 2,5 tỷ USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023). Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có sự tăng trưởng so với năm 2023; trong đó, sầu riêng giữ vững vị trí đứng đầu, tiếp đến là thanh long, chuối, xoài, mít...

Xuất khẩu sầu riêng là điểm sáng trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu, tiếp đến là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Ngoài ra, rau quả Việt Nam cũng ngày càng tiếp cận sâu rộng sang các thị trường Thái Lan, UAE, Ấn Độ.   Đây là kết quả đáng phấn khởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam HLV Việt Nam, điểm sáng xuất khẩu rau quả là ngành hàng sầu riêng, luôn đạt ở mức cao. Hiệp hội sầu riêng Thái Lan hợp tác với Việt Nam để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhưng vẫn mang thương hiệu sầu riêng Việt. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc ước đạt 432 triệu USD, con số kỷ lục từ trước đến nay đối với ngành sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam - Hội làm vườn Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị về hướng dẫn truy xuất nguồn gốc cây sầu riêng tại tỉnh Đồng Nai.

Sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh đến 23 thị trường; năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này.

Ông Mười cho biết thêm, Thái Lan là nước chuyên xuất khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc nhưng vụ mùa chính  sầu riêng Thái Lan từ ở tháng 4 đến tháng 9; còn ở nước ta, nhờ rải vụ nên có sầu riêng thu hoạch quanh năm. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp Thái Lan đặt cơ sở thu mua sầu riêng tại Việt Nam rồi xuất sang Trung Quốc.

Tuy có sự phát triển mạnh mẽ nhưng ngành sầu riêng cũng gặp nhiều khó khăn như: giá cả bấp bênh, năng suất và chất lượng chưa đồng đều… 

Chung tay gỡ khó

Thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình, Chi nhánh phía Nam HLV Việt Nam cố gắng kết nối giao lưu với các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng bà con nông dân, tổ chức nhiều chương trình chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng thương hiệu qua mã số vùng trồng.

Cơ quan phụ trách phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam tham gia Hội chợ Nông nghiệp xúc tiến thương mại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó còn những chương trình kết nối giao thương như hội chợ triển lãm, hội chợ ngành nông nghiệp…, tạo cơ hội để doanh nghiệp, nhà vườn, hợp tác xã và bà con nông dân giao lưu, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm trong sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

“Thành viên của Hội đang tiếp cận nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan… Trước sự giảm sút của thị trường châu Âu, châu Mỹ…, những thị trường gần, thị trường mới là điều cần thiết để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm”, ông Mười nhấn mạnh.

Sầu riêng đang được ví như ngôi sao hạng A, người dân đổ xô trồng sầu riêng nên diện tích hiện tại tăng nhanh đột biến. Thông tin từ Cục Trồng trọt, tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích sầu riêng ở ĐBSCL là 33.200ha, sản lượng sầu riêng đạt khoảng 330.000 tấn/năm.

Qua số liệu chúng ta thấy rõ, việc tăng diện tích trồng rất dễ ùn ứ hàng khi vào vụ, mặc dù,Việt Nam đang áp dụng biện pháp trồng rải vụ, cấp mã số vùng trồng để dễ truy suất nguồn gốc cũng như quản lý chất lượng sản phẩm.

Nhưng mặt hạn chế là chúng ta chưa có đơn vị quản lý vấn đề này, nên việc bán hàng gian lận, hay việc tranh mua, tranh bán vẫn diễn ra khi giá sầu riêng lên xuống thất thường.

Về giải pháp, ông Mười cho rằng, đối với sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng cùng tham gia quản lý. Như phân công đơn vị trực tiếp phụ trách quản lý chất lượng sản phẩm khi thu hoạch, đảm bảo việc trao đổi mua bán không gian lận. Phải có biện pháp răn đe, chế tài đối với người vi phạm, để cùng nhau thực hiện chính sách minh bạch trong sản xuất và kinh doanh nông sản.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng sầu riêng, đặc biệt là trái cây này đang phụ thuộc vào một thị trường.

Cần thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ thuật có cấp chứng chỉ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, kỹ thuật nuôi trái, thu hoạch và phân loại, đóng gói bảo quản cho chủ vườn, thương lái, thợ thu hoạch phân loại và những đơn vị xuất khẩu sầu riêng. Người dân và doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm, vì thương hiệu của nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Mười cho hay, trên cơ sở Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030 và Công văn số 112/HLV của HLV Việt Nam về triển khai thực hiện NQLT 06/NQLT- BNNPTNT-HLV, Chi nhánh phía Nam đã xây dựng phương hướng, kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ chính trong năm 2024.

Chi nhánh chủ trì và phối hợp các sở, ban ngành tỉnh, thành phố và HLV các tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức Hội chợ Nông nghiệp - Xúc tiến thương mại Khu vực ĐBSCL tại Đồng Tháp; Hội thảo nông nghiệp tuần hoàn phát triển kinh tế VAC; Diễn đàn kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản phục vụ xuất khẩu và cung ứng vào hệ thống bán lẻ hiện đại; Hội chợ Nông nghiệp - Quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phía Nam; Diễn đàn kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản phục vụ xuất khẩu và cung ứng vào hệ thống bán lẻ hiện đại…

Ngoài ra, Chi nhánh tiếp tục tổ chức, phối kết hợp tổ chức, cập nhật và phổ biến thường xuyên đến hội viên các chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm, tham quan học tập, kết nối quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm và xúc tiến thương mại; thực hiện tư vấn hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ cho phát triển VAC của hội viên; tham gia công tác xã hội hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền  về tổ chức Hội; vận động phát triển, kết nạp hội viên là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại và cá nhân quan tâm.

Làm thủ tục đề nghị kết nạp cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng gia nhập Hội gửi HLV Việt Nam theo trình tự quy định.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức, đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp trong hoạt động, nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư phục vụ cho sản xuất VAC.

 

Võ Dương

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top