Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Hội Làm vườn Nghệ An: Chủ động xây dựng, lan tỏa mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ ba, ngày 25 tháng 6 năm 2024 | 11:7

Những năm qua, công tác xây dựng tổ chức gắn với phong trào phát triển kinh tế VAC của Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả nổi bật, phát huy được vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; xây dựng được nhiều mô hình kinh tế VAC cho hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh

Năm năm qua, công tác xây dựng tổ chức vững mạnh đã được các cấp HLV ở Nghệ An tập trung chỉ đạo với phương châm hướng mạnh về cơ sở, coi việc xây dựng Hội ở cơ sở là nền tảng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Tổ chức Hội từ tỉnh xuống cơ sở không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng: đầu kỳ Đại hội VI (năm 2018) có 61.371 hội viên; cuối kỳ Đại hội (2023) có 238.421 hội viên,  tăng 177.371 hội viên; 17/21 huyện, thành phố, thị xã; 298 xã, phường, thị trấn, có tổ chức Hội; 1.077 chi hội xóm, thôn, bản.

Khu vườn của gia đình ông Hoàng Văn Thái (xóm Kim La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) giành giải nhất cuộc thi “Vườn chuẩn nông thôn mới đẹp” tỉnh Nghệ An năm 2022.

Hoạt động tập huấn, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật về lĩnh vực VAC được xác định là nhiệm vụ trọng điểm, trọng tâm của các cấp Hội. Hội vừa trực tiếp tổ chức, vừa phối hợp, liên kết với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các chuyên gia, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi…

Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với hội viên. Các cấp Hội đã tập trung xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Hội. Phát huy vai trò tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các hoạt động hợp tác, giao lưu, đoàn kết, hữu nghị, học tập, trao đổi kinh nghiệm được triển khai một cách chủ động, cụ thể và thiết thực. HLV Nghệ An đã kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ hội viên tiếp cận vay vốn, thực hiện các dự án, cung ứng các dịch dụ từ nghề vườn, cây - con giống, kết nối đầu ra cho sản phẩm, tạo đà, tạo động lực giúp hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC.

HLV các cấp đã xây dựng và thực hiện được 2.749 mô hình, dự án. Kết hợp doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho hội viên,  trị giá  gần 11 tỷ đồng.

Chủ tịch HLV Nghệ An - Thạc sĩ Nguyễn Thế Thắng (người ngoài cùng bên trái) kiểm tra mô hình trồng lan tại thị trấn Yên Thành.

Với vai trò nòng cốt, thúc đẩy, quyết định chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua của Hội, HLV tỉnh Nghệ An không ngừng nâng cao trình độ hội viên về mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong người cán bộ Hội theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC trong tình hình mới.

Chủ tịch HLV tỉnh Nghệ An - Thạc sĩ Nguyễn Thế Thắng chia sẻ: Qua các phong trào thi đua, chất lượng cán bộ Hội ngày càng được nâng lên cả về ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức hoạt động. Nhiều cán bộ trưởng thành từ phong trào cơ sở. Phong trào thi đua đã trở thành động lực tinh thần to lớn cỗ vũ, động viên cán bộ Hội tích cực, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.  

Phát triển kinh tế VAC gắn với xây dựng nông thôn mới

Để phát triển nông nghiệp toàn diện, kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) là một bộ phận của nông nghiệp gắn với cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, HLV tỉnh Nghệ An xác định lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế VAC là  trọng tâm; vận động hội viên, nông dân cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình kinh tế vườn, kinh tế VAC theo hướng an toàn và sạch, hiện đại và có hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trang trại VAC của anh Trần Bá Tá (Yên Thành - Nghệ An) cho thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, từ năm 2018, sau khi UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương và chính sách về xây dựng Vườn chuẩn nông thôn mới, HLV tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu bộ 5 tiêu chí về vườn chuẩn, phổ biến kiến thức, cùng tham gia cải tạo vườn tạp thành vườn chuẩn nông thôn mới; việc này giúp các cấp Hội phát huy được tính làm chủ về khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ, phối hợp với các đơn vị liên quan, để thực hiện xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, HLV tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng được 700 vườn chuẩn nông thôn mới, đang chờ cấp giấy chứng nhận và 323 vườn chuẩn nông thôn mới đã được cấp giấy chứng nhận.

Thạc sĩ Thắng cho biết, để tạo điều kiện cho hội viên làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế VAC ở các chi hội với những mô hình làm ăn hiệu quả. Theo đó, Hội hướng dẫn hội viên tìm cây - con giống có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giúp hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay và hướng dẫn sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Từ đó, nhiều vấn đề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã được giải thích cặn kẽ và đưa ra bàn bạc, thảo luận sôi nổi như cách thức trồng hoa, làm chuồng nuôi gà, heo, bò và xử lý môi trường trong quá trình chăn nuôi như thế nào cho hiệu quả…

Đến nay, Nghệ An có 508 trang trại  VAC, VACR có hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình trang trại VAC của anh Quảng ở Nghi Phú (TP. Vinh), nuôi cá, cây cảnh, trị giá tài sản hơn 50 tỷ đồng; trang trại 2,5 ha nuôi cá rô phi đơn tính, lợn, gà..., của anh Phạm Trọng Bằng ở xã Tân Phú (Tân Kỳ), cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi ốc bươu đen của anh Trần Quý Bảo ở xã Đức Thành (Yên Thành), với 20.000m2 nuôi ốc bươu đen, cua đồng thương phẩm, cho thu nhập 600 triệu đồng/năm,  sản phẩm ốc bươu đen được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao,...

Xây dựng mô hình VAC 4.0 và công nghệ cao theo hướng sạch, an toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, hội viên HLV Nghệ An trong phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn; góp phân nâng cao chất lượng, tính bền vững, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ thế, không chỉ dừng lại ở những mô hình VAC đơn thuần, những năm qua, việc phát triển kinh tế VAC 4.0 theo hướng GAP đã được  hội viên các địa phương triển khai quyết liệt như: vùng rau ở Quỳnh Lưu, TP. Vinh; mô hình trồng nấm ở Yên Thành; trồng ổi ở Nghĩa Đàn; bưởi Hồng Quang Tiến ở thị xã Thái Hòa…

Nói về nhiệm vụ sắp tới, Thạc sĩ Nguyễn Thế Thắng cho biết: Hội sẽ tiếp tục chủ động tiếp cận, phối hợp và đề xuất xây dựng chương trình, dự án tham gia các chương trình xây dựng NTM, vườn chuẩn NTM, ứng dụng các đề tài KHCN theo công nghệ 4.0…; vận động và phát triển kinh tế VAC theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thành lập tổ hợp VAC, HTX VAC trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, phục vụ đến tay người tiêu dùng, vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo chất lượng”.

 

Ngọc Lan

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top