Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2024  

Thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản mùa vụ

Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2024 | 9:37

Nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của nước ta đang và sắp vào vụ thu hoạch chính như xoài, vải, thanh long, cà phê, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ…

Do sản lượng lớn mà thời gian thu hoạch lại ngắn, không ít mặt hàng gặp phải trở ngại nhất định về tiêu thụ, cần sớm cập nhật thông tin và có giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường.

Để thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhất là rau quả, trái cây chính vụ, doanh nghiệp và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cách làm của Sơn La

Hàng năm, các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản luôn được tỉnh Sơn La chỉ đạo triển khai kịp thời. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức. Các sự kiện xúc tiến thương mại, gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản luôn để lại ấn tượng mạnh, thu hút khá đông đối tác, người tiêu dùng trong và ngoài nước tìm hiểu, kết nối giao thương.

Kết quả, giá bán của các sản phẩm có giá trị tham gia xuất khẩu lớn trong quý I/2024 của Sơn La như sắn, cà phê... tương đối ổn định. Đặc biệt, sản phẩm cà phê Arabica đang được các đối tác trên thế giới quan tâm, riêng trong tháng 5, giá cà phê rang nguyên hạt tăng 10,17%. Các sản phẩm nông sản của tỉnh cơ bản tiêu thụ hết với giá cả hợp lý, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Lê Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: Nắm bắt thị trường, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Sơn La với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và các đối tác quốc tế.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Sơn La quý I/2024 ước đạt 8,51 triệu USD, tăng 60,53% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh quý I ước đạt 71,51 triệu USD, tăng 14,97%. Trong đó, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt 70,33 triệu USD, tăng 16,24%.

Không dừng ở việc chú ý thị trường xuất khẩu nông sản tươi, trong quý I, các sở, ngành, huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản vào đầu tư gắn với phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đóng hộp.

Đẩy mạnh kết nối

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng nhất, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điển hình, tại Bình Thuận, nông sản mùa vụ tập trung vào trái thanh long. Sản lượng thanh long mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 9 ước đạt khoảng 170.000 tấn. Những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu lớn nên giá thanh long tăng, có thời điểm giá thu mua tại vườn ở mức 20.000-21.000 đồng/kg, nhà vườn lãi lớn. Tuy nhiên, dự báo giá thanh long sẽ giảm khi vào vụ chính và trùng thời điểm thu hoạch của Trung Quốc.

Hiện, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam, tuy nhiên, Trung Quốc cũng có diện tích trồng thanh long tương đương nước ta và đang tiếp tục mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam… và có mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận.

Vì vậy, để tiêu thụ ổn định, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương, Tham tán thương mại hỗ trợ tỉnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thanh long trong chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trên nền tảng thương mại điện tử; chia sẻ thông tin về thị trường trong nước, khu vực giúp tỉnh định hướng hoạt động sản xuất-kinh doanh mặt hàng này.

Vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch.

Đối với trái vải, Bắc Giang là địa phương có vùng trồng lớn, quả vải của địa phương đã được xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại hiệu quả tích cực cho đời sống người dân và tăng thu ngân sách của địa phương.

Tuy vậy, do thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi nên sản lượng vải thiều năm 2024 giảm so với năm trước. Dự báo, sản lượng vải toàn tỉnh năm nay khoảng 100.000 tấn (giảm gần một nửa so với năm trước).

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho hay, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các địa phương và hệ thống thương vụ, Bắc Giang cũng đẩy mạnh kết nối các chợ đầu mối, siêu thị lớn để tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó, thông quan vải thiều Bắc Giang tại hai cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) cũng khá thuận lợi, tỉnh đang tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất sang Hoa Kỳ (thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội); hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường quốc tế…

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, ông Trần Quang Tấn đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đa dạng thị trường

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới… Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản..., đưa nước ta trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt”.

Thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, theo ông Phú, cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt, Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,...

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho rằng, mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam gặp một số khó khăn bởi tính mùa vụ, thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng. Khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển. Cạnh tranh gay gắt từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm. Công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng. Quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Hoa Kỳ.

“Địa phương và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ, cụ thể như: bổ sung sản phẩm chế biến (trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp) để có thể tiêu thụ quanh năm. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây, ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây... Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á”, ông Hưng khuyến nghị.

Trong công tác xúc tiến thương mại, ông Phú nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu; qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân mở rộng thị trường, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đang đến vụ thu hoạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1%

 

 

Chanh

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top