Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Báo chí với công tác giảm nghèo bền vững ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị

Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024 | 14:41

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Để hoàn thành mục tiêu, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ, báo chí đã có đóng góp không nhỏ, nhất là với nhiệm vụ và vai trò của mình, làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững, trong đó có hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.

Nỗ lực giảm nghèo đa chiều

Theo thống kê rà soát hộ nghèo đầu năm 2024 của UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị): Toàn huyện có 5.176 hộ nghèo, chiếm 22,01%. Số hộ nghèo giảm so với đầu năm 2023 là 892 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm trong năm 2023 là 4,44%, vượt so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2024 của Hướng Hóa là tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhất là chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cả năm 2024 từ 3,0 - 3,5%, với 910 hộ thoát nghèo. Riêng các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm trên 7%, 4 xã giảm theo lộ trình để đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Theo ông Trần Trọng Kim, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa: Để công tác giảm nghèo đa chiều trong thời gian tới đạt kết quả cao và mang tính bền vững, Hướng Hóa tiếp tục tập trung đầu tư để giải quyết 2 chiều với 4 chỉ số thiếu hụt: Chỉ số về chất lượng nhà ở; chỉ số về diện tích nhà ở; chỉ số về nguồn nước sinh hoạt và chỉ số về nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức, liên tục, thành những đợt có trọng tâm, trọng điểm để mọi người, mọi tổ chức, cá nhân nhận thức rõ quan điểm, phương châm giải quyết của chương trình giảm nghèo là dựa vào cộng đồng và sự phối hợp của các cấp, các ngành. Kịp thời giới thiệu gương điển hình, nhân tố mới, mô hình giỏi vươn lên thoát nghèo từ thực tiễn để nhân rộng ra toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở.

Sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm: từ 4,93% (năm 2021) xuống còn 2,27% (năm 2023), bình quân hàng năm giảm 1,33%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra.

Riêng tại huyện miền núi A Lưới, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 49,98% (năm 2021) xuống còn 24,3% (cuối năm 2023), bình quân giảm 8,56%/năm, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4-5%). Đến nay, qua rà soát các tiêu chí, đánh giá hệ thống chỉ tiêu xác định, chấm điểm huyện nghèo của A Lưới thì địa phương này đã đảm bảo các điều kiện thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Trên cơ sở đó, Thừa Thiên - Huế đang xây dựng đề án trình các bộ, ngành thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định. Trong giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên - Huế có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, thì đến nay đã có 3 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho hay: Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội, công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo, góp phần ổn định đời sống của người dân. Những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Huyện A Lưới cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững tại các địa phương, hàng năm đánh giá nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, với việc đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Những năm qua, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo với những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình hiệu quả về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Truyền thông thúc đẩy hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Tỉnh tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động xã hội, hội thảo, hội nghị; sản xuất các tác phẩm truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử về kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả và gương điển hình vươn lên thoát nghèo. Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách; các hình thức sáng tạo như hội thi, trò chơi truyền hình, sân khấu hóa để thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm…

Theo Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị) Nguyễn Tăng, báo chí truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền thông giảm nghèo. Đặc biệt, các nhà báo, phóng viên đã tiếp cận và tiếp nhận trực tiếp từ người dân, nhất là những đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, có nguy cơ tái nghèo để phản ánh có hiệu quả và đa dạng trên các loại hình.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cho biết: Công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng hàng đầu để Thừa Thiên - Huế xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã có Nghị quyết 11 thành lập Ban giảm nghèo để trực tiếp chỉ đạo chương trình và đây là công việc lớn của xã hội, có sự tham gia tích cực của truyền thông.

Ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị, của người dân thì việc truyền thông kịp thời các chính sách, đặc biệt là hình ảnh vươn lên thoát nghèo của người dân cũng đã động viên, tạo ra động lực cho chính quyền các cấp, cũng như bản thân các hộ nghèo tự vươn lên; làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư Nhà nước, khơi dậy sự tích cực chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng lan rộng. Thông qua truyền thông báo chí, các tổ chức xã hội đã biết đến và chung tay hỗ trợ kịp thời thiết thực cho chính sách giảm nghèo, đặc biệt là các hộ dân nghèo thuộc diện phát triển xã hội.

“Các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn đã những bài viết truyền thông giảm nghèo chuyên sâu, đặc sắc, có tác động toàn diện và hiệu quả lâu dài, tạo ra sự chuyển biến căn cơ, toàn diện, thực chất trong tư tưởng, nhận thức, hành động của từng người, từng gia đình”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.

 

T. Thành

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top