Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Tận dụng tốt cơ hội, xuất khẩu rau quả sẽ vượt kế hoạch tỷ USD

Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024 | 10:45

Dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15-20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay. Mức này tăng 0,5-1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp.

Công nghệ xử lý bảo quản quả bưởi tươi trong 90 ngày giúp trái cây được xuất khẩu rất mạnh sang Mỹ bằng đường biển.

Xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dữ liệu sơ bộ từ Hải quan Việt Nam sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Ước tính nửa đầu năm, rau quả Việt xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chủ lực ghi nhận tăng 10-50% so với cùng kỳ 2023, trừ Hà Lan giảm mua.

Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn, khi tới hết tháng 5, họ nhập tăng tăng 30-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan chi 74,5 triệu USD và Hàn Quốc là 136 triệu USD mua rau quả Việt.

Riêng Trung Quốc, 5 tháng nước này đã mua 1,7 tỷ USD nông sản Việt, tăng 33% so với cùng kỳ 2023. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nông sản Việt có nhiều lợi thế xuất sang đây nhờ vị trí địa lý, tương đồng trong văn hóa ẩm thực.

Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân này ưa chuộng. Hồi tháng 4/2024, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc, với 32.750 tấn.

Dự báo tăng vượt kế hoạch 0,5-1 tỷ USD

Cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài sầu riêng, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh sẽ được Trung Quốc mở cửa tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian tới.

Sầu riêng là một trong những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.

Tuy vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nâng tiêu chuẩn kiểm soát hàng nhập khẩu về nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật. Trong khi gần đây nông sản xuất sang Trung Quốc liên tục bị cảnh báo về chất lượng.

Vì thế, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đảm bảo hàng xuất đi đạt chất lượng cao để giữ uy tín. "Các hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành cần bị xử phạt nghiêm", ông đề nghị.

Tuy vậy, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15-20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay. Mức này tăng 0,5-1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp.

Không để chất lượng trở thành rào cản xuất khẩu

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Nguyễn Thanh Bình nhận định, từ đầu năm đến nay mặc dù xuất khẩu rau quả đã có sự tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó là nỗi lo về chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình - cho rằng, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn cũng cho hay, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.

Để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.

Trước những thực trạng trên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Bộ sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết thêm, Bộ  sẽ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng...) thông qua việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch…. Cùng với đó, tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu thị trường nhập khẩu./.

 

Thanh Tâm (t/h)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top