Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Kỳ vọng xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm

Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 11:25

Hàng năm, từ tháng 8 - 10, ngành hàng cá tra vào cao điểm xuất khẩu. Lúc này, các nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn sẽ “mở hầu bao”, đẩy mạnh nhập hàng để phục vụ giáng sinh, lễ, Tết. Do vậy, các chuyên gia thị trường dự báo, xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc trở lại vào những tháng cuối năm.

Kim ngạch XK tăng nhẹ

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 167 triệu USD, tăng 5% so với tháng 5/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay đạt 747 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt 747 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 5/2024, xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường đạt 134 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu gần 603 triệu USD phile đông lạnh cá tra sang các thị trường, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc và Hồng Kông vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5 là tháng ghi nhận giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông cao thứ 2 kể từ đầu năm nay với giá trị gần 50 triệu USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ, tăng 21% so với tháng trước đó.

Đứng thứ hai trong tiêu thụ cá tra Việt Nam là Mỹ, nhưng thị trường này ghi nhận tăng trưởng âm trong tháng 5/2024, đạt 30 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt hơn 132 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn. Thêm vào đó, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Hoa Kỳ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.

Riêng tháng 5, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ, tăng 21% so với tháng trước đó.

Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đứng thứ ba và tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 5/2024 với giá trị đạt gần 13 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, một vài thị trường ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore,.. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra sang CPTPP đạt 103 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thị trường EU đã chứng kiến sụt giảm 16% trong tháng 5/2024 với giá trị 14 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 70 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù kim ngạch sụt giảm, tuy nhiên nhiều thị trường trong khối EU ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 5/2024, trong khi tháng 5/2023 gần như không nhập khẩu, bao gồm: Bulgaria (59.000 USD), Hungary (40.000 USD), Cộng hòa Séc (53.000 USD).

Cao điểm bán hàng

Xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Những năm gần đây, vùng ĐBSCL nuôi bình quân 5.400ha với sản lượng từ 1,8 - 1,9 triệu tấn/năm, trong đó An Giang thả nuôi 1.258ha, sản lượng bình quân 350.000 tấn/năm.

Hàng năm từ tháng 8 - 10, ngành hàng cá tra vào cao điểm xuất khẩu, kỳ vọng những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn.

Năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ ở mức 1,8 tỷ USD, tăng 6% so năm 2023. Dự báo này là có cơ sở, bởi cá tra là thực phẩm ngon, bổ dưỡng nhưng giá cả phải chăng. Cụ thể, giá xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ dao động từ 3 - 3,5 USD/kg, Liên minh Châu Âu (EU) từ 2,9 - 3,2 USD/kg và Trung Quốc 2,9 USD/kg (tùy thuộc vào tỷ lệ mạ băng, tăng trọng). Sản phẩm cá tra giờ đây đã xuất đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ bữa ăn của hàng tỷ người trên thế giới.

Theo thông lệ, hàng năm từ tháng 8 - 10, ngành hàng cá tra vào cao điểm xuất khẩu. Lúc này, những nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và các quốc gia Châu Á sẽ “mở hầu bao”, đẩy mạnh nhập hàng để phục vụ lễ, Tết. Đối với thị trường EU, Hoa Kỳ, đây là thời điểm các nước đón Giáng sinh và mừng năm mới.

Bà Trần Thị Kiều, ngư dân xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân (An Giang) kỳ vọng, ngư dân chúng tôi rất mong ngành hàng cá tra khởi sắc trở lại, bởi từ đầu năm đến nay, giá bán dưới giá thành sản xuất. Hy vọng những tháng còn lại của năm, ngành hàng này sẽ có những tín hiệu lạc quan.

Xuất khẩu cá tra những tháng còn lại của năm 2024 sẽ tăng bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đây là mùa lễ, Tết ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu có kim ngạch cao như Trung Quốc. Xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc bởi ngoài yếu tố thị trường, một yếu tố khác mang tính quyết định đó là giá cả mặt hàng này khá ổn định. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.

 Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ, giá cả sản phẩm ổn định là rất quan trọng, bởi thế giới ăn cá thịt trắng không chỉ có cá tra mà rất nhiều loại cá khác có thể thay thế… Nếu cá tra giá cao, không ổn định thì người tiêu dùng sẽ dùng các loại cá khác. Vào những tháng cuối năm, giá xuất khẩu rất ổn định, nếu có tăng thì cũng tăng nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường châu Âu. Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khối thị trường này về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng là các yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào châu Âu...

Thông tin Hoa Kỳ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản. Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng

Tại ĐBSCL những năm gần đây, nhìn thấy được những hạn chế của ngành cá tra, các nhà hoạch định chính sách cùng các doanh nghiệp (DN), ngư dân đã nghiên cứu, tìm ra những điểm yếu để khắc phục, như: Tỷ lệ hao hụt của con giống còn cao, giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng bất thường, vốn phục vụ nuôi chưa đáp ứng kịp thời…Để cải thiện những vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai chương trình “Giống cá tra 3 cấp”. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, tăng cường liên kết giữa ngân hàng, DN, ngư dân để khắc phục những hạn chế.

Đặc biệt, ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển ngành hàng cá tra bền vững, khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu (không chỉ Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác).

An Giang được biết đến là cái nôi của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong định hướng phát triển, tỉnh nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định khoảng 1.600ha do DN đầu tư hoặc liên kết với DN. Tỉnh hỗ trợ DN xúc tiến và mở rộng hơn nữa thị trường sản phẩm ngành hàng cá tra ở các thị trường Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và ASEAN với thị phần chiếm từ 50% - 60%; đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường nội địa, phấn đấu đến năm 2025 đạt 8% - 10%.

Kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc những tháng cuối năm.

An Giang thu hút DN đầu tư phát triển các hình thức sản xuất, nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất thủy sản. Tỉnh khuyến khích tập trung đầu tư lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xây dựng công thức thức ăn cho một số loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu phát triển men vi sinh, chế phẩm sinh học, sản phẩm nguồn gốc thảo dược để phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh và khu vực ĐBCSL.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định, việc Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP của Việt Nam góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Bà Kiều chia sẻ thêm, xuất khẩu cá tra khởi sắc sẽ có tác động rất tốt đến hoạt động xuất khẩu cũng như đời sống ngư dân. Bà con sẽ tăng thu nhập bởi xuất khẩu tăng cao, giá cá tra tại thị trường trong nước tăng theo, giúp ngư dân cải thiện đời sống. Việc xuất khẩu thuận lợi sẽ đảm bảo đầu ra ổn định, giảm thiểu rủi ro rớt giá, tồn kho đối với DN, lúc này ngư dân hưởng lợi.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc sẽ khuyến khích nghề nuôi cá tra phát triển, tạo động lực cho ngư dân khôi phục sản xuất, tăng sản lượng, góp phần phát triển ngành thủy sản tại ĐBSCL. Đây là cơ hội để ngư dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Về phía DN, xuất khẩu cá tra khởi sắc trở lại sẽ giúp DN tăng doanh thu, lợi nhuận, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường…

Tổng hợp từ nguồn: Baoangiang; Tinnhanhchungkhoan; Vneconomy.

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top