Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Nghệ An: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng XDNTM

Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 21:8

Sáng 24/6, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và phong trào thi đua ”Nghệ An chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2023, triển khai kế hoạch năm 2024.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong giai đoạn 2021 – 2023, phong trào xây dựng NTM tiếp tục được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt phù hợp với tình hình thực hiện. Cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhân dân tiếp tục tích cực hưởng ứng, đóng góp kinh phí cũng như ngày công để xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong 3 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình NTM là hơn 39 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, có 39 xã đạt chuẩn NTM, 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn NTM, 83 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Có 212 thôn/bản đạt chuẩn NTM. Bình quân tiêu chí NTM cả tỉnh là 17 tiêu chí/xã.

Giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên 39 nghìn tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2023 đạt khoảng 40,5 triệu đồng/người/năm (tăng 8,5 triệu đồng/người/năm so với cuối năm 2020).

Bên cạnh đó, các địa phương đã xây dựng được 374 Vườn chuẩn NTM, 483 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh có được đến nay là 567 sản phẩm.

Xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023 tiếp tục tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, sức sống và diện mạo nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; tư duy kinh tế nông nghiệp bước đầu lan tỏa, tác động vào quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn; môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nông thôn đang dần trở thành những “miền quê đáng sống”, là nơi “để đi về”.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song thực tế triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM vẫn còn gặp một số vướng mắc, hạn chế cần phải tháo gỡ, một số vấn đề mới nảy sinh. Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành, một số hướng dẫn của một số Bộ, ngành cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ nên thiếu khả thi.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị.

Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, chưa bền vững. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn NTM còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội; nhiều địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng rà soát lại theo bộ tiêu chí của giai đoạn 2021-2025 lại không đạt. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên...

Tại hội nghị đã có 7 tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của xã Nghi Văn (Nghi Lộc), xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu chuyển đổi số của xã Long Thành (Yên Thành); kinh nghiệm xây dựng bản nông thôn mới của bản Ba Cống, xã Châu Hoàn (Quỳ Châu); quyết tâm cán đích nông thôn mới của xã Thọ Sơn (Anh Sơn)...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong giai đoạn qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần đánh giá kỹ lưỡng những kết quả đạt được trong 3 năm qua.

Trong đó, tập trung phân tích, làm rõ những mặt được, những mặt chưa được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, tác động, ảnh hưởng của chương trình đến phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, huyện và cả tỉnh, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, các giá trị bản địa của vùng, miền, địa phương

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát các định hướng trọng tâm; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của Chương trình. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.

Các địa phương quyết liệt thực hiện Chương trình tổng thể xây dựng NTM, các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM theo hướng đi sâu vào chất lượng. Cần phát huy vai trò, ý nghĩa của Chương trình trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các địa phương. Tăng cường hướng dẫn người dân phát triển sản phẩm OCOP, khởi nghiệp trong nông nghiệp, để người dân phát huy được tính “chăm chỉ, tự lực, hợp tác”, tự hào về các sản phẩm do mình tạo ra và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng NTM.

Mục tiêu, đến năm 2025 Nghệ An có ít nhất 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 136 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025 có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Ngọc Lan

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top