Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024  

Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ năm, ngày 27 tháng 6 năm 2024 | 16:22

Nhằm thực hiện nghiêm túc Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 1980/UBND-KTN về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch bệnh gia súc, gia cầm; chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, dại, tai xanh...; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin đầy đủ để phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán động vật và sản phẩm động vật; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm ốm, chết. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật, phối hợp các ngành liên quan tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép...

Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, hướng dẫn, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa người và động vật.

Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Công an thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Cán bộ thú y huyện Phúc Thọ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò trên địa bàn. Ảnh: Phương Nga.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm, số ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tăng 2,4 lần, ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đáng ngại là đã có 1 người chết vì nhiễm virus cúm gia cầm/H5N1 và 1 người nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2, 44 người tử vong…

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh. Theo đó, giá trị ngành chăn nuôi năm 2023 đóng góp khoảng 26% GDP nông nghiệp của Việt Nam. Tốc độ phát triển ngành chăn nuôi trung bình đạt trên 5%/năm với tổng đàn gia cầm đạt 560 triệu con và đàn lợn hơn 28 triệu con. Đông Nam bộ là vùng trọng điểm quan trọng nhất của cả nước trong phát triển chăn nuôi với tổng đàn hiện có khoảng 100 triệu con gia cầm, gần 10 triệu con lợn.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, một trong những yêu cầu là phải kiểm soát được tốt dịch bệnh. Do đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó góp phần tái cơ cấu chăn nuôi và mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cũng nhận định, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới rất dài tiếp giáp với các nước láng giềng. Do đó, nguy cơ vận chuyển, nhập lậu trái phép động vật, sản phẩm động vật trái phép rất cao, từ đó có nguy cơ thẩm thấu các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Do vậy, thời gian qua, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cấp bách ngăn chặn, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, Cục Thú ý cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cư dân biên giới không tiếp tay, hỗ trợ tố giác các đối tượng mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Đồng thời, các đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật mở các chuyên án về mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới để kịp thời răn đe.

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top