Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 3 tháng 7 năm 2024  

Kiên Giang tháo gỡ khó khăn để phát triển nghề nuôi biển

Thứ hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024 | 10:10

Kiên Giang có diện tích vùng biển lớn thứ 3 trong cả nước, tỉnh xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới. Tuy nhiên, nghề nuôi biển ở đây đang gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục, pháp lý. Trước thực trạng trên nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Hiệu quả từ nghề nuôi biển

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang có diện tích ngư trường rộng hơn 63.290 km2, bờ biển dài khoảng 200km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc. Là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo, trong đó có thế mạnh rất lớn về tài nguyên biển.

Hoạt động thu mua cá tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Chính vì thế, tỉnh đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển). Từ năm 2020, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Với mục tiêu thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

Qua gần 4 năm thực hiện đề án, bước đầu đạt được kết quả nhất định. Năm 2023, nuôi cá lồng trên biển đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910, tấn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 1,65%/năm. Các loại cá chủ yếu như: Cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm... tập trung tại các huyện Kiên Hải, TP. Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và TP. Hà Tiên.

Đáng chú ý là Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE, kết quả đã chuyển đổi được 69 lồng, với quy mô 3.531 m3, mô hình này đem lại hiệu quả với năng suất trung bình 16,02kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5kg/m3.

Nuôi nhuyễn thể ven biển với diện tích thể là 23.282 ha, sản lượng 96.327 tấn với các đối tượng như: Sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh và nghêu đã phát triển ở các địa phương ven biển. Hình thức nuôi là thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, ao mương vườn và dưới tán rừng phòng hộ ven biển....

Ngoài ra, nghề nuôi trai cấy ngọc nhân tạo vẫn được duy trì ở thành phố Phú Quốc, với diện tích nuôi khoảng 100 hecta của Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc, sản lượng thu hàng năm trung bình khoảng 93.000 viên.

Với những lợi thế của mình, thời gian qua Kiên Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Đến nay Kiên Giang đã cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư với tổng vốn 695 tỉ đồng, diện tích mặt nước biển là 2.197,3 ha và tiếp nhận 155 hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nuôi biển của các doanh nghiệp và cá nhân.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Kết quả đạt được là vậy, nhưng tỉnh Kiên Giang đánh giá việc phát triển nuôi biển vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh bởi 1 số nguyên nhân như: tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhiều thủ tục có liên quan và qua nhiều cơ quan để đề xuất chủ trương đầu tư, cấp phép nuôi biển và giao khu vực biển (6 Bộ ngành xem xét cấp phép), nên mất nhiều thời gian dẫn đến một số dự án triển khai chậm so với dự kiến.

Khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển ở Kiên Giang.

Vấn đề quan trọng là hiện Chính phủ chưa ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm tại các đảo (Phú Quốc, Nam Du), là cơ sở để triển khai công tác giao khu vực biển đúng. Ở địa phương đã phê duyệt quy hoạch tỉnh và đề án nuôi biển, nhưng mang tính định hướng vùng huyện, không xác định các khu nuôi biển cụ thể. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm. Hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay vừa yếu vừa thiếu còn nhiều hạn chế...

Ông Lê Quốc Anh, Bí thư Thành ủy Phú Quốc cho biết, nuôi biển là con đường duy nhất để người dân địa phương có thể thoát khỏi nghèo, hạn chế cạn kiệt tài nguyên và vi phạm IUU. Địa phương đề xuất trong thời gian tới Kiên Giang cần làm liền bản đồ, trong đó có tọa độ ranh giới và mạnh dạn phân cấp (trong vùng biển Kiên Giang thì UBND tỉnh chịu trách nhiệm) để địa phương triển khai kinh tế nuôi biển bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, nuôi biển là lĩnh vực kinh tế đa ngành, đa nghề, đa giá trị. Để đạt được mục tiêu, định hướng nêu trên cần có sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó, quan tâm quy định chính sách hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp nuôi biển xa bờ và đối tượng chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang nuôi biển hoặc chuyển đổi từ lồng bè nuôi truyền thống kết cấu gỗ sang lồng bè nhựa HDPE.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi biển; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ tỉnh Kiên Giang thực hiện các dự án, đề án đánh giá sức tải môi trường phục vụ bố trí các vùng nuôi biển; xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu nuôi biển và thành lập Trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực viên biển tại Kiên Giang.

Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, chậm, dàn trải, thiếu đồng bộ. Việc quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng đưa vào hoạt động chưa đạt được theo công suất thiết kế.

Hiện, các nhà máy chế biến chưa có các dây chuyền chế biến cá biển riêng chuyên dụng mà sử dụng chung với các dây chuyền khác do kim ngạch xuất khẩu chưa lớn. Việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển vẫn là một khâu chưa phát triển mạnh. Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại nên khó kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp, đây là một trong những yếu tố tác động đến phát triển bền vững của nuôi trên biển hiện nay, dẫn đến nghề nuôi biển chậm phát triển.

Triển khai các giải pháp tháo gỡ

Về giải pháp, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, Kiên Giang cần sắp xếp lại cơ sở đang nuôi vào vị trí phù hợp, rà soát lại tất cả diện tích có thể nuôi biển được ở địa phương. Địa phương cần có xây dựng quy chuẩn lồng bè nuôi, lựa chọn vật liệu, mô hình mới. Qua đó, nuôi biển Kiên Giang sẽ đẹp lên rất nhiều gắn liền với khai thác du lịch biển đảo địa phương.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã đưa ra một số giải pháp như: miễn, giảm các loại thuế, phí cho hoạt động của doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp; miễn giảm thuế, phí, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để nhập công nghệ, vật tư, thiết bị theo quy định của pháp luật phục vụ phát triển nuôi biển.

Kiên Giang có tiềm năng lớn về nghề nuôi biển.

Hỗ trợ thủ tục pháp lý để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nuôi biển quy mô lớn, công nghiệp, lâu dài với mục đích phát triển kinh tế; giao quyền sử dụng đất, mặt nước khu vực biển lâu dài để đầu tư phát triển nuôi biển ổn định; chuyển đổi diện tích hoạt động của các ngành kinh tế khác sang phát triển nuôi biển.

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế, hoặc khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển: Nuôi biển, du lịch, dầu khí, điện gió, vận tải biển,… Tổ chức hoạt động nuôi biển khơi kết hợp với các lực lượng để phòng tránh những rủi ro thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, thuỷ sản có thể nói là lĩnh vực trọng tâm của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên chúng ta đang vướng phải vấn đề IUU,cường độ khai thác quá lớn. Trước đây do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên dẫn đến bị EC gắn thẻ vàng đến nay đã 7 năm. Qua khảo sát vùng nuôi biển ở đảo Nam Du và với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình của tỉnh, Kiên Giang có nhiều tiềm năng về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là phát triển nuôi biển và tin tưởng Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển lớn, đi đầu trong cả nước.

Tuy nhiên để đạt được được điều này thời gian tới Kiên Giang cần phải tập trung thực hiện hiệu quả các quy hoạch ngành Quốc gia, đầu tư, phát triển hạ tầng, công nghệ, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao… Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, lồng nuôi hiện đại, công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; đồng thời, đầu tư sản xuất giống tại địa phương kết hợp nhập khẩu con giống phục vụ nhu cầu nuôi biển; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nuôi biển của tỉnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cùng với đó, đối với nghề nuôi biển truyền thống, tỉnh cần tiếp tục duy trì nghề nuôi ở mức độ hợp lý, đảm bảo sức tải môi trường, có thể nuôi đa loài kết hợp du lịch có kiểm soát an toàn, tạo việc làm, sinh kế cho người dân địa phương gắn bó lâu năm. Đối với nuôi biển xa bờ ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển mạnh loại hình nuôi này do tỉnh còn rất nhiều dư địa; sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, mang lại sản lượng, giá trị cao.

 

Tổng hợp từ nguồn: PLO.vn; Thanhtra.com; Baotintuc.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top